Tuesday, May 22, 2018

Kỳ thị: kinh nghiệm của người Việt tị nạn - Ls Nguyễn Xuân Phước

Khi người Việt tị nạn Cộng Sản đến Mỹ năm 1975 thì xã hội Mỹ vừa mới được ổn định sau thời kỳ tranh đấu đòi dân quyền của người Mỹ gốc Phi châu, mà ta thường gọi là người da đen. Nhờ công cuộc đấu tranh dân quyền đó ở thập niên 1960s mà người Việt đến Mỹ được đối xử bình đẳng, ít ra trên pháp luật. Người Việt không phải đi toilet riêng dành cho người da màu ở nơi công cộng; đi xe bus không phải ngồi băng ghế sau để nhường ghế trước cho người da trắng; đi ăn nhà hàng không phải đi cửa dành cho người da màu; và đi học cũng được nâng đỡ với những tiêu chuẩn thấp hơn người da trắng v.v…
Thế nhưng sau khi ở Mỹ một thời gian nhiều người vẫn cảm thấy bị kỳ thị. Có người than phiền ông hàng xóm Mỹ trắng hay làm khó dễ, hay gọi cảnh sát than phiền chuyện nầy chuyện nọ gây rắc rối. Hoặc ở hãng hay bị supervisor đì, cho làm việc nặng nhọc, cho nghỉ việc cách vô lý, thiên vị người da trắng v.v…
Có một số vấn đề gây cho người Việt cảm giác bị kỳ thị. Khi người Việt mới đến sống ở nước Mỹ vẫn chưa quen tập tục mới như vẫn mặc bộ đồ ngủ (pajama) đi ngoài đường trong khu xóm, ăn to nói lớn, nhậu nhẹt tưng bừng ồn ào vào buổi tối, làm cho hàng xóm khó chịu. Tuy nhiên khi sống chung đụng lối xóm, có những người hàng xóm lúc nào cũng khó chịu với tất cả mọi người bất kể màu da, làm cho chúng ta có cảm giác bị kỳ thị. Những cảm giác bị kỳ thị vơi dần khi chúng ta làm quen được với lối sống và hòa nhập được vào chính mạch của cộng đồng Hoa Kỳ.
Cảm giác kỳ thị đó khi so sánh với cuộc chiến đấu chống kỳ thị thật sự của người Việt tị nạn khi mới đến Mỹ, thì chúng ta sẽ thấy một số cảm giác bị kỳ thị là do sự mâu thuẫn cá tính giữa người với người nhiều hơn là kỳ thị thật sự vì lý do màu da.
Lịch sử tị nạn đã ghi nhận cuộc đấu tranh chống kỳ thị kinh hoàng nhất của người Việt đánh tôm vùng vịnh Galveston, Texas.
Sau năm 1975, một số người tị nạn Việt Nam đã tìm đến vịnh Galveston để làm nghề đánh tôm. Tôm lúc bấy giờ là mặt hàng hải sản có giá trị cao. Những người đánh tôm thành công và trở nên giàu có. Nhiều người Việt, nhất là những người có nghề tôm tại Việt Nam trước đây, kéo nhau về vịnh Galveston để làm ăn khiến cho con số tàu đánh tôm gia tăng nhanh chóng. Những người da trắng làm nghề đánh tôm lâu năm cảm thấy nồi cơm của họ bị đám lưu dân lấy mất và mâu thuẫn bắt đầu nảy sinh.
Vào tháng 8 năm 1979, ông Nguyễn Văn Sáu, 21 tuổi, hớt hải chạy đến bót cảnh sát ở thành phố Port Arthur thú tội: “Tôi vừa mới giết người.” Ông Sáu nói với cảnh sát là ông vừa mới giết Billy Joe Aplin, 35 tuổi. Sáu và Billy Joe đều đánh tôm cua ở Seadrift, một thành phố nhỏ ở vịnh Galveston, Texas có dân số khoảng 1,250 người. Cả hai có những mâu thuẫn gay gắt vì tranh giành vùng đánh tôm, cua.
Billy Joe cao 6ft1, nổi tiếng ưa đánh lộn và gây hấn với người khác, và lúc nào cũng mang súng trong xe. Từ 2 năm trước, người Việt đánh tôm cua ở đây than phiền bị Billy Joe và những người da trắng khác sách nhiễu. Họ bị đe doạ, tấn công, đánh đập, và họ bị trộm bẫy cua thường xuyên. Tàu đánh tôm của họ cũng bị phá hại. Họ biết Billy Joe là đầu sỏ. Họ thưa cảnh sát, nhưng cảnh sát không làm gì để bảo vệ họ.
Trong khi đó, những người da trắng than phiền là vùng đánh tôm cua của họ bị người Việt xâm chiếm. Và người Việt cũng đe dọa Billy Joe và vợ ông ta.
Vào ngày 3 tháng 8 năm 1979, khi Sáu sửa soạn kéo tàu mới mua ra khỏi nước thì Billy Joe xuất hiện. Billy Joe đạp lên tay của Sáu khi Sáu đang để tay ở chỗ móc trailer. Billy Joe nói với Sáu: “Nếu đám người Việt chúng mầy không đi ra khỏi Seadrift thì tao sẽ cắt cổ mầy.” Sáu, đang ở trần, bỏ chạy và bị Billy Joe rượt theo chém hai nhát dao vào ngực. Sáu và người em là Chinh chạy vào nhà người bạn mượn khẩu súng. Sau đó Sáu và Chinh trở lại bến tàu. Billy Joe vẫn còn đó. Vừa thấy Sáu, Billy Joe nhảy bổ đến tấn công và vật Sáu ngã xuống đất. Sáu rút súng trong quần lảy cò. Một viên đạn bắn trúng vào ngực Billy Joe, Billy Joe chới với kêu lên “No, man”, rồi rơi xuống nước, và một viên khác bắn trúng vào người khi Billy Joe ở dưới nước. Billy Joe chết liền tại chỗ.
Sau khi Billy Joe bị giết, mâu thuẫn giữa người Việt và người da trắng gia tăng. Trong khoảng thời gian ngắn sau đó, 4 tàu đánh tôm của người Việt bị đốt cháy. Một căn nhà của người Việt bị đánh bom.
Daniel Aplin, em trai của Billy Joe, tuyên bố “Seadrift đang biến thành nồi thuốc súng.”
Thành phố Seadrift phải ban hành lệnh giới nghiêm từ 9:00 giờ tối. Vì cảnh sát không giải quyết những khiếu nại của người Việt nên người Việt cho rằng khi mâu thuẫn với người da trắng bộc phát, người Việt sẽ bị tàn sát. Hàng trăm người Việt sinh sống tại Seadrift bỏ chạy qua Houston hay Louisiana. Thiếu nhân viên làm việc, hãng đóng cua hộp ở Seadrift phải đóng cửa.
Tuần sau đó, 3 người Mỹ trắng bị bắt ở một motel thuộc thành phố Seadrift vì mang thuốc nổ dùng để đánh bom nhà người Việt. Người mật báo cho cảnh sát để bắt khủng bố là B.T. Aplin, em của Billy Joe. Sự thể em trai Billy Joe làm việc với cảnh sát để bảo vệ người Việt làm cho tình hình lắng dịu và người Việt dần dần trở lại Seadrift.
Tuy nhiên người Việt vẫn tiếp tục bị kỳ thị. Các bến tàu ở Seadrift không cho người Việt đậu bến. Các nhà buôn sỉ không mua tôm của người Việt. Những nhà buôn sỉ mà mua tôm của người Việt bị những người da trắng khác tẩy chay.

image
Chính quyền liên bang và giáo hội Công Giáo phải nhảy vào can thiệp.
Trước đấy, tại Louisiana người Việt đánh tôm cũng bị kỳ thị. Nhờ công đức của Tổng giám mục Philip Harman, hàng ngàn người Việt được yên ổn làm ăn. Đức Tổng giám mục phạt vạ tuyệt thông một người đầu sỏ kỳ thị tại Louisiana không cho người Việt đậu bến... Tinh thần trợ giúp của Đức Tổng giám mục Harman làm cho người da trắng phải chấp nhận người Việt. Và hoà bình đã vãn hồi để người Việt được định cư và làm ăn.
Khi đại diện bộ tư pháp Hoa Kỳ đến Seadrift thì biết là mâu thuẫn giữa người Việt và người da trắng là do thiếu người phiên dịch để tạo sự hiểu biết nhau. Giáo hội Công Giáo liền cung cấp một người thông dịch viên. Tòa giám mục sau đó cử một linh mục và một phụ tá đến Seadrift để hòa giải giữa người Việt và người da trắng. Tình hình tưởng như đã lắng dịu. Nhưng không…
Ngày 2 tháng 11 năm 1979, Nguyễn Văn Sáu được toà án tha bổng về tội giết người vì toà cho rằng hành vi giết người của ông là sự tự vệ chính đáng. Nguyễn Văn Chinh, em ông Sáu, cũng được tha bổng về tội tòng phạm. Cả hai sau đó rời khỏi Seadrift.
Sáu và Chinh đã ra đi. Nhưng kết thúc phiên toà xử Nguyễn Văn Sáu gây nên làn sóng bất mãn nơi người da trắng. Cuối tháng 11 năm 1979, tổ chức kỳ thị nổi tiếng của Mỹ là KKK nhảy vào vòng chiến và bắt đầu một cuộc chiến kỳ thị chủng tộc đầu tiên giữa người Việt tị nạn và tổ chức KKK.

Đối Phó với KKK
1_ KKK là viết tắt chữ Ku Klux Klan, là một tổ chức kỳ thị chủng tộc cực hữu bí mật của người Mỹ gốc da trắng được thành lập trong thời Chiến Tranh Nam Bắc (1860-1865). Theo giải thích của tự điển mạng, chữ Ku Klux trong tiếng Hy Lạp có nghĩa là vòng tròn, và chữ Klan có nghĩa là bộ tộc, ý nghĩa thông thường KKK có nghĩa là một tổ chức huynh đệ của người da trắng.
KKK chủ trương chủng tộc da trắng ưu việt và coi người da màu là thấp hèn. Khi Tổng Thống Lincoln tuyên bố giải phóng nô lệ sau cuộc chiến Nam Bắc, những người chủ trương nô lệ miền Nam Hoa Kỳ đã thành lập tổ chức KKK để bảo vệ dòng máu ưu việt của người da trắng. KKK chủ trương dùng bạo lực để hạn chế sự tiến thân của người da màu trong xã hội. Họ cho rằng Hoa Kỳ là một đất nước được Chúa Trời ban cho người da trắng và họ có nhiệm vụ bảo vệ đất nước nầy trước những làn sóng di cư của người Châu Phi và Châu Á.
Trong thời kỳ đấu tranh dân quyền của mục sư Martin Luther King ở thập niên 1960s, KKK đã tổ chức những lễ đốt thánh giá như là một dấu hiệu của sự tuyên chiến, và đánh bom vào nhà của các lãnh tụ dân quyền da đen. Một số lãnh tụ da đen, kể cả MS King, đã bị ám sát trong thời kỳ nầy. Hầu như những vụ ám sát nầy đều có bàn tay của KKK đứng đàng sau.
Từ năm 1871, KKK đã được chính quyền liên bang liệt danh sách các tổ chức khủng bố. Tuy nhiên họ vẫn tồn tại tại các tiểu bang miền Nam Hoa Kỳ. Sự phát triển của KKK cũng rất thăng trầm. Đầu Thế kỷ thứ 20 KKK có khoảng 6 triệu hội viên. Nhưng đến ngày hôm nay con số hội viên xuống còn khoảng 6000 trên toàn nưóc Mỹ.
image
Cách tổ chức của KKK là một hội kín như Thiên Địa Hội trong tiểu thuyết Kim Dung. Người đứng đầu là một Hội Chủ (Grand Dragon – Đại Long) và họ có những thuộc hạ tay chân đặc trách từng vùng, từng miền tương tự như những hương chủ hay đàn chủ của Thiên Địa Hội.
2_ Ngày 2 tháng 11 năm 1979, Nguyễn Văn Sáu và Nguyễn Văn Chính được toà tha bổng vì lý do giết người để tự vệ chính đáng. Sau đó cả Sáu và Chính đều dọn ra khỏi Seadrift.
Cuối tháng 11 năm 1979, tổ chức KKK nạp đơn với thành phố xin phép cho 600 người biểu tình chống người Việt tị nạn tại thành phố nhỏ bé nầy. Con số 600 hội viên KKK dự định tham gia biểu tình bằng 1/2 dân số của thành phố Seadrift. Hội đồng thành phố họp và ý kiến phản đối KKK được thành phố hoan nghinh. Kết quả là thành phố đã bác đơn xin biểu tình của KKK.

image
Sau đó, cha của Billy Joe Aplin, người bị Nguyễn Văn Chính bắn chết, tuyên bố là ông ta không mời KKK đến Seadrift. Tuy nhiên ông nói… “Tôi sẽ rất hãnh diện nếu họ vì chúng tôi mà đến để chận đứng làn sóng người Á Châu đến thành phố nầy.”
Những người da màu tại Seadrift, gồm người Việt và người Mễ, nghe sự xuất hiện của KKK bắt đầu cảm thấy tình hình sẽ trở nên nghiêm trọng hơn và bắt đầu di cư ra khỏi Seadrift.
Sau khi bị từ chối cuộc biểu tình tại Seadrift, KKK bắt đầu kế hoạch xâm nhập vùng biển Galveston
Sau 18 tháng KKK đã thiết lập được đường dây hoạt động tại đây. Tháng 2 năm 1981, nhân ngày lễ Valentine, KKK đã tổ chức buổi meeting tại thành phố Santa Fe, là một thành phố toàn người da trắng ở vùng Galveston với hơn 150 hội viên gồm đàn ông, đàn bà và trẻ em mặc đồng phục KKK với áo choàng trắng đội mũ vải có chóp. Thủ lĩnh KKK tại Texas, ông Louis Beam tuyên bố: “Thời điểm đã đến để chúng ta giành lại đất nước nầy cho người da trắng”. Ông nói tiếp: “Nếu chúng ta muốn, chúng ta sẽ giành lại đất nước nầy bằng phương cách các tổ phụ chúng ta đã làm: đó là máu máu và máu”.
Beam tuyên bố là sẽ cho chính phủ Hoa Kỳ 90 ngày để cưỡng chế người Việt không được đánh tôm ở vùng Vịnh Galveston. Nếu không KKK và những người đánh tôm da trắng sẽ tự thi hành việc cưỡng chế nầy. Beam nói tiếp là sẽ cho thành lập lực lượng dân quân được huấn luyện chiến đấu tại trại huấn luyện dân quân của KKK. Sau đó, Beam tự tay đốt một tàu đánh cá điển hình mà ông đặt tên là “USS Vietcong” và nói “đây là cách đốt tàu đánh cá đúng nhất”.

image
Những tuần lễ tiếp theo KKK bắt đầu rải truyền đơn kêu gọi chống người Việt đánh tôm ở vùng vịnh Galveston và bắt đầu giai đoạn khủng bố. Hiện tượng đốt thánh giá như là dấu hiệu khai chiến của KKK tại nhà người Việt trong khu vực xuất hiện khắp nơi. Hai tàu đánh cá của người Việt bị đốt tại thành phố Seabrook. Ngày 15 tháng 3 lực lượng dân quân KKK diễn hành trên tàu đánh cá với hình nộm người Việt bị treo cổ để cho mọi người được thấy.
“They Cannot Mess With Vietnamese…”

image
Khẩu hiệu của tiểu bang Texas là “Don’t Mess with Texas” như một lời khuyến cáo khách du lịch đừng lộn xộn với tiểu bang Texas vì hậu quả không lường được. Qua kinh nghiệm của người Việt đấu tranh chống KKK tại vùng Vịnh Galveston thì người Mỹ cũng có câu nói tương tự để nhắn với tổ chức KKK… Đừng lộn xộn với người Việt Nam.
Trong thời gian KKK bắt đầu gây sự và gây chiến thì cộng đồng người Việt cũng không ngồi yên. Khi một người đàn bà làm việc cho nhà hàng Mỹ nghe hội viên KKK bàn kế hoạch đánh bom tàu đánh cá của người Việt thì bà đã báo cho chồng, và chồng báo cho cộng đồng người Việt... Họ bắt đầu tổ chức vũ trang chống lại sự uy hiếp của KKK và cộng đồng đánh tôm người da trắng. Khi KKK bao vây một trailer park của người Việt thì người Việt đã chống trả quyết liệt.
Một thành viên của KKK từng tham chiến ở Việt Nam nói với lãnh đạo KKK rằng “Đừng lộn xộn với người Việt vì họ sẽ bắn và giết quý vị”. Và do đó, KKK bắt đầu rút lui.
Theo một giáo sư tại Texas nghiên cứu tình hình lúc bấy giờ, một người đánh tôm da trắng tham gia vụ đốt tàu của người Việt đã bị người Việt đó đến nhà đòi quyết tử với ông ta. Người đánh tôm da trắng đó cuối cùng phải dọn đi nơi khác vì sợ hãi.
Ông Khang Bùi, một cư dân tại vùng vịnh Galveston, nói với phóng viên báo chí rằng KKK đã không hiểu được người Việt là những người đã sống trong chiến tranh, họ biết dùng súng đạn để đối phó và bắn trả lại KKK. Ông ta nói tiếp… sau khi KKK nhận thức được việc dùng bạo lực để khủng bố tinh thần người Việt là vô ích, họ đã âm thầm ra đi và không còn người da trắng nào lộn xộn với người Việt.
Cuộc Chiến Pháp Lý

image
Tháng 4 năm 1981 Hội Ngư Phủ Người Việt cùng với Southern Poverty Law Center tại Montgomery Alabama nạp đơn kiện KKK vì cạnh tranh thương mãi không công bằng. Tháng 5 năm 1981 bà Gabrielle Kirk McDonald, vị quan tòa liên bang đầu tiên của người da đen quyết định thuận lợi cho người Việt Nam và ra lệnh cấm chỉ hoạt động của KKK tại vùng vịnh; và đóng cửa trung tâm huấn luyện dân quân và các tổ chức võ trang của họ.
Được đánh tôm với sự bảo vệ của chính quyền liên bang, người Việt dần dần ổn định và thành công. Từ những căn nhà trong khu trailer chật hẹp tối tăm, ngày nay người Việt dọn vào những biệt thự nguy nga đồ sộ. Người Việt làm chủ hầu hết các bến tàu tại Galveston; và tại Port Arthur, Texas ngày nay 95% ngư dân đánh tôm là người Việt.
 
image
Kinh nghiệm cuộc chiến chống kỳ thị tại vùng vịnh Galveston, Texas đã được làm thành phim Alamo Bay.
Ls Nguyễn Xuân Phước

Mì lạnh Bình Nhưỡng - Từ Thức

Món mì lạnh Bình Nhưỡng được phục vụ tại bữa tiệc của lãnh tụ Bắc Hàn Kim Jong-Un và Tổng Thống Nam Hàn Moon Jae-In. 
(Hình: Getty Images)
Hình ảnh lưu truyền nhiều nhất trên các mạng xã hội, sau cuộc gặp gỡ giữa lãnh tụ Bắc Hàn Kim Jong-Un và Tổng Thống Nam Hàn Moon Jae-In, không phải là cái bắt tay lịch sử, nhưng là tô mì lạnh. Đầu bếp của Kim đã nấu đặc sản Bắc Hàn, mì lạnh Bình Nhưỡng, Pyongyang Naengmyon, thết đãi phái đoàn Nam Hàn.
Sau bữa tiệc ở Bàn Môn Điếm, khu phi quân sự giữa hai nước, người ta xếp hàng dài, cả giờ, trước những tiệm ăn để được thưởng thức món mì lạnh, tại Nam Hàn, hay những thành phố trên thế giới có tiệm ăn Hàn, nhưng thất vọng vì không còn một ghế trống.
Với tôi, món mì lạnh Bình Nhưỡng gợi lại một kỷ niệm về chuyến đi Nam Hàn lần đầu, năm 1966 hay 67 gì đó, trong phái đoàn báo chí VN Cộng Hòa được chính phủ Nam Hàn mời. Tôi là người trẻ nhất trong đoàn, vừa là sinh viên Văn Khoa vừa viết báo. Những vị khác, đàn anh lớn hơn 10, 20 hay 30 tuổi như Trần Nhã (chủ bút Saigon Post), Hà Thượng Nhân, Phan Nghị…hầu hết đã qua đời .
Mỗi người có một cô hướng dẫn viên. Cô hướng dẫn viễn của tôi, cũng họ Kim (photo, chụp tại Bàn Môn Điếm), ngoài những cuộc thăm viếng trong chương trình chính thức, một hôm mời tới nhà ăn Pyongyang Naengmyon, vì bố mẹ cô là người gốc Bắc Hàn, cũng như gia đình tôi là Bắc Kỳ di cư .
Trời lạnh khủng khiếp, nhà không có lò sưởi, tôi chờ được ăn một tô mì nóng. Nhưng đó là một tô mì lạnh. Mì Bình Nhưỡng phải ăn thật lạnh. Nghe nói càng lạnh càng ngon. Nhà không có tủ lạnh, người ta xúc một chậu tuyết trong vườn, đặt tô mì ở giữa. Nước dùng nấu thịt, thả một gói mì sợi dài, càng dài càng tốt- mì dài tượng trưng cho sự trường thọ, mời khách mà sợi mì không đủ dài là một sự khiếm nhã-, trên để một miếng thịt bò hay thịt gà, với củ cải, kim chi, khoai lang thái sợi, hay vài khoanh trứng luộc. Phải là tay thiện nghệ mới hút hết sợi mì.
Tôi ăn, không thấy mùi vị gì, hay mùi vị kỳ kỳ, khó nuốt. Vừa ráng ăn, vừa nghĩ tới một tô phở tái, chín, nạm, gầu nóng hổi, khói bay nghi ngút.
Sau này, mỗi lần ghé Séoul hay Pusan (Busan), lại được đưa đi ăn mì Bình Nhưỡng. Mì lạnh đối với người gốc Bắc Hàn cũng như phở với người Việt. Nghĩ tới ăn là nghĩ tới mì lạnh. Vẫn không thấy ngon, mặc dù thiên hạ trầm trồ khen ngợi và tiệm ăn là tiệm có tiếng. Có thể vì không hợp khẩu vị của mình. Cũng có thể vì cuộc gặp gỡ lần đầu với mì lạnh không để lại một kỷ niệm ấm cúng, đúng hơn, lạnh giá. Giống như cuộc gặp gỡ lần đầu với một người tình, nó để lại một dư vị rất lâu.
Kim rất dễ thương, hơn cả dễ thương, với một gã nhà báo sinh viên trẻ, lúc đó tóc tai như người thường, nhưng căn nhà quá lạnh với một người đến từ miền nhiệt đới, nắng chang chang quanh năm.

Bức ảnh tác giả chụp cùng cô hướng dẫn viên họ Kim tại Bàn Môn Điếm những năm 1966-1967.
Nhà không có lò suởi, tủ lạnh, vừa ăn vừa run như người mắc chứng Parkinson, vừa thở ra khói. Dân địa phương mặc ba bốn lần áo. Đó là lần đầu tôi diện manteau, trùm khăn kín cổ ăn cơm khách.
Nam Hàn là một nước nghèo, chậm tiến. Nhà cửa ngoại ô lụp xụp. Ở phi trường, thấy người ta xếp hàng đón một người lính từ VN về phép. Lương lính đóng ở ngoại quốc gởi về có thể nuôi cả một gia đình đông người, ở một xứ không có kỹ nghệ, đa số lêu bêu chẳng có nghề ngỗng gì.
Thành phố xấu nhất thế giới, vô duyên nhất thế giới, theo tôi, là Manilla, Philippines. Ngoại ô Hán Thành lúc đó không hơn gì Manilla.
Sau này, mỗi lần tới, hết hồn thấy Nam Hàn thoát xác mau lẹ. Từ một nước nghèo, chậm tiến, thua miền Nam VN về mọi phương diện, từ kinh tế tới văn hóa, họ trở thành một cường quốc, bỏ cái anh VN bệ rạc xa lắc , xa lơ đằng sau.
Nam Hàn được xếp trong những nước nghèo nhất, có PIB thấp nhất trong những nước Phi và Á Châu những năm 60, bắt đầu vùng dậy từ những năm 80, ngày nay trở thành cường quốc kinh tế thứ 12 trên thế giới
Phe ta chỉ còn hơn họ ba chuyện, đó là 1. Tô phở, so với mì lạnh, 2.cái ngu dốt và 3. cái huênh hoang, khoác loác. Huênh hoang bởi vì ngu dốt.
Phở cũng dở chứng, với bánh phở ngâm hóa chất, xương bò hầm với thuốc rửa nhà cầu. Một ngày nào đó, trước một tô mì lạnh khó nuốt và một tô phở dễ chết, cũng đành phải nhắm mắt ăn mì lạnh.
Từ Thức

Monday, May 21, 2018

Tiếng cười đoàn viên - Khuất Đẩu


Khi tôi vừa ăn xong mấy củ khoai thay cho bữa cơm chiều, thì một người cán bộ đi vào. Như những người miền Bắc tôi thường gặp, sau chiến tranh tràn ngập cả miền Nam, dù không là bộ đội vẫn thường mặc một bộ đồ màu cứt ngựa bạc phếch, nhàu nhò và đội một cái nón cối do Trung Quốc viện trợ. Bộ đồ ông mặc hãy còn mới nhưng vẫn không che giấu được vẻ buồn bã nhàm chán của một thứ quân phục được sản xuất hàng loạt. Ông cũng có một chiếc bị lủng nhủng những túi những dây gọi là ba lô con cóc (vì đeo lên nó giống như một con cóc khổng lồ). Ông mang một đôi săng đan bằng nhựa màu nâu nhạt, loại dép mới cũng do – ông Trung Quốc chi viện thay cho dép cao su.
Ông bước vào sân giữa lúc trời đang còn chút nắng nên mặt ông sáng lên với những giọt mồ hôi lấm tấm, nhưng hai nếp nhăn từ cánh mũi vòng qua cái miệng không râu lại sẫm đen giống như hai đường cày. Một cái bớt trên má trái giống như một giọt mực xạ bị bôi lem. Mái tóc cắt sát hai bên thái dương chỉ chừa một mảng trước trán như một cái lưỡi rìu. Cái mái tóc sắc nhọn giống nhau cả triệu người như một ấy, đã từng xuất hiện trong tết Mậu Thân trên các xác Việt cộng được kéo bỏ ngoài công viên thành phố. Tôi đã nhiều lần hoang mang tự hỏi không biết có ai trong số họ là cha tôi.
Ông đi qua sân không một chút ngập ngừng, rồi ông bước lên thềm quay mặt nhìn ra ngõ, hơi bất ngờ khi thấy mấy con “trâu máy” của hợp tác xã trên đường trở về đang kêu phành phạch thay cho tiếng nghé ngọ. Ông đặt ba lô xuống thềm, lọ mọ lấy điếu cày, xe thuốc nhét vào nõ rồi rít một hơi dài kêu roọc roọc. Ông tựa lưng vào cột, lim dim mắt, thở ra một hơi khói đậm và gắt. Cái vẻ tự tin yên bình, cái vẻ không xa lạ với cửa nhà vườn ruộng, cái vẻ của một người đi xa về lại nhà mình khiến cho tôi trả lời đúng chóc khi nghe ông hỏi:
Đó, cái buổi trùng phùng của hai khúc ruột lìa xa nhau hơn hai mươi năm chỉ có vậy. Không có chuyện mừng mừng tủi tủi. Không có một giọt nước mắt nào run rẩy nhỏ xuống. Cũng không oái ăm như tôi đã từng tưởng tượng mỗi khi nghĩ đến người cha chưa từng thấy mặt. Có phải vì chúng tôi là hai người đàn ông hay vì chúng tôi đã từng ở hai bờ chiến tuyến?
Tôi đã từng vẽ ra những cảnh cha con gặp nhau rất éo le, oan trái. Như lúc ông bị thương sắp chết sau khi nhận loạt đạn của chính tôi, hay lóp ngóp chui lên từ căn hầm bí mật dưới những họng súng sẵn sàng nhả đạn, trong đó có họng súng của tôi.
Hồi đó, tôi thường tự hỏi, trên cái dải đất mỏng manh hình chữ S này có bao nhiêu người cha và người con, người anh và người em, những người ruột rà máu mủ lại phải bắn giết nhau. Cả trăm, cả ngàn hay đến cả chục ngàn? Và vì sao bọn họ phải trở thành kẻ thù của nhau? Có phải vì chiến tranh quá dài và những kẻ cầm đầu hai bên quá hèn nhát hay quá thủ đoạn, hích vào đầu chúng tôi như bọn trẻ chăn trâu thúc sau đít để trâu bò húc nhau.
Lô lô ầm
Lô lô ạt
Thịt nạc dao phay
Con nào hay để lại cày
Con nào dở dao phay nước mắm…

Bộ máy tuyên truyền của hai bên cũng y chang như vậy đó, chỉ khác là được khuếch đại to hơn và bền bỉ sâu hiểm hơn mà thôi.
Giờ đây, tôi lại tưởng tượng khác. Nhiều người cha xấu hổ đã không muốn nhìn mặt con khi biết chúng đã từng “theo giặc cầm súng bắn vào nhân dân”. Biết con đang “học tập” họ chẳng những đã không ái ngại xót xa, còn bảo không bị giết đã là nhân đạo lắm rồi, hãy để nó học càng lâu càng tốt. Vì vậy, tôi chẳng mong gì được gặp ông một cách đề huề cảm động. Tôi chờ đợi những câu mắng chửi y như bọn họ, những người chiến thắng rồi mà vẫn chưa hết căm thù những kẻ thua trận là chính con cái anh em mình. Nhiều lúc tôi vẽ ra cảnh ông rút súng chĩa vào ngực tôi gào lên, mày là thằng bán nước và tôi nhắm mắt để cho ông bóp cò.
Nhưng bây giờ, “con còn nhìn cha là nhà có phước”, ông nói vậy là sao? Phải chăng ông cũng đang vẽ ra những cảnh trái ngang: con không thèm nhìn cha, hay lớn tiếng kết tội bỏ cả vợ con để đi theo Liên Xô và Tàu Cộng? Và như thế cả hai cha con chúng tôi đều vừa mong mà cũng vừa sợ cái ngày sẽ gặp lại.
Tôi mở cửa mời ông vào nhà, nhưng ông bảo ta muốn đi dạo một chút. Rồi ông đi quanh vườn. Vườn rộng, trồng rất nhiều cây ăn trái, nhưng đã già cỗi. Những mít, những xoài ngày nào giờ đã thành cổ thụ. Dừng lại bên cạnh một cây xoài ngã rạp chắn lối trước mặt, ông nói đây là cây xoài quỳ và quay lại hỏi tôi:
– Lúc nhỏ con cũng thường leo lên đây?
– Dạ.
– Con có bị bà bắt phạt quỳ không?
– Dạ có.
– Bà cấm leo trèo vì sợ té gãy chân.
– Dạ.
– Ta nhớ cái vườn này lắm. Ngoài đó làm gì có được cái vườn như nhà mình.
À ra vậy, tôi nghĩ, lúc nhỏ ông vẫn thường nghịch ngợm leo trèo và ông vẫn nhớ đến khu vườn xưa, ngôi nhà cũ chứ không phải chỉ nghĩ đến đảng không thôi.
– Ta cứ tưởng bị đốt phá hết rồi.
– Thế nhà ngoài đó của cha cũng có vườn chứ?
– Làm gì có nhà, chỉ có bốn thước vuông thôi. Chỉ rộng hơn cái áo quan một chút.
Cái giọng điệu chua chát từ miệng một người miền Bắc lần đầu tiên tôi mới được nghe, thật khác xa với giọng điệu huênh hoang tự hào của những “ông”, những “bà” cán bộ trong trại cải tạo hay những người miền Nam mới theo cách mạng.
Sau đó ông vòng ra giếng, cúi nhìn xuống sâu một lúc như tìm lại hình bóng mình rồi thả gàu múc nước. Ông xối nước rửa mặt, ngửa cổ uống một hơi, khà một tiếng: Nước giếng nhà mình ngon thiệt! Cái cách ông uống và khen cứ như vừa làm một cốc bia mát lạnh, khiến tôi rất xúc động.
Vườn nhà mình! Nước giếng nhà mình! Những tiếng ấy dường như được ông nhốt kín trong lồng ngực suốt hơn hai mươi năm, giờ bỗng vọt ra như những cánh chim đang bay vút trên bầu trời quê hương. Tôi có cảm giác sẽ còn được nghe tiếng “mình” thêm nhiều lần nữa. Nhà của mình, ruộng của mình, vợ con của mình… Những thứ “của mình” đó làm nên một đời người, vì sao ông lại bỏ tất cả để đi tìm những thứ rất chi xa lạ không phải của mình?
Lúc vào nhà, tôi cẩn thận đi trước, dặn ông coi chừng vấp phải ngạch cửa cao ngang đầu gối, nhưng ông bảo vấp làm sao được, ta thuộc cái nhà này như biết rõ trong lòng bàn tay.
Đèn được thắp lên, căn nhà đã một trăm tuổi hơn mở con mắt ngái ngủ của mình ra nhìn ông. Không biết nó nghĩ gì nhưng ông chủ của nó thì bồi hồi đứng nhìn trong yên lặng. Nào cột nào kèo, nào trính nào xiên, cái bàn thờ lạnh lẽo với những bức hình trùm khăn nhiễu đỏ, những tủ giường xưa cũ, tất cả đã bị mối mọt và nhất là bàn tay của con người làm cho xệch xạc méo mó. Ngôi nhà đã hai lần bị “mượn”. Lần thứ nhất, chính quyền cũ “mượn” làm nhà tạm giam những người tình nghi Việt cộng. Lần thứ hai, cách mạng “mượn” làm trụ sở ủy ban. Cứ sau mỗi lần bị “mượn” là tiều tụy xơ xác. Giá như nó là một người vợ đẹp mà bị “mượn” đến những hai lần như thế thì không biết người chồng sẽ đau khổ đến mức nào.
Đến trước bàn thờ, ông có vẻ muốn lật những tấm khăn nhiễu ra để nhìn lại hình những người đã khuất, nhưng tần ngần một lúc, ông lại thôi. Ông ngồi xuống cái tràng kỷ mà một chân sau được thay bằng bốn cục gạch. Tự nhiên ông trở nên bé nhỏ mặc dù ngọn đèn làm cái bóng của ông nở to ra, bôi đen cả chỗ ông ngồi. Ông có vẻ giống như một đứa con có tội đang ngồi lặng nghe những lời rầy la của mẹ cha. Phải chăng ngôi nhà đã một thời uy nghi lộng lẫy giờ suy sụp thảm hại là do ông đã bỏ nó mà đi? Bởi vì có ông thì ngôi nhà này ai dám mượn đến những hai lần. Và vợ có chồng thì ai dám thập thò tán tỉnh. Nói vậy thôi chứ trong những ngày cách mạng mùa thu, cả kinh đô nhà Nguyễn nằm soi bóng bên bờ sông Hương còn bị Bảo Đại “bỏ của chạy lấy người” huống hồ là ông.
– Cha chắc chưa ăn gì, tôi nói, – để con kiếm cái gì làm bữa tối cho cha.
– Khỏi, ông nói, – ta ăn quà rồi. Kiếm cái gì nhâm nhi thì được. Ta có hai chai bia đây.
Thật là bất ngờ, thay vì sẽ phải ngồi nghe ông tra hỏi, nguyền rủa, lại được cùng ông ngồi uống la de. Tôi quá vui nhưng cũng rất lúng túng, vì mới đi cải tạo về chưa được một tuần, biết lấy gì để làm mồi nhậu đây. Tôi loay hoay mãi, sau cùng đành chạy ra quán nói thật với bà chủ cho mua chịu mấy cái trứng vịt. Tôi không đủ dầu để làm món trứng tráng chỉ còn mỗi cách là đem luộc.
Khi trứng chín đã được bóc vỏ trắng muốt, tôi lấy thêm một chút muối tiêu, trịnh trọng bày lên bàn để mời ông. Lúc đó đã thấy ông để sẵn hai chai bia La rue hiệu con cọp, giờ là của hiếm. Hai chai bia được cột chặt vào nhau trông rất lạ, đem từ miền Nam “Mỹ ngụy” ra miền Bắc chống Mỹ anh hùng, rồi lại lộn ngược vào Nam, cứ như hai số phận long đong đã được an bài.
– Cái này, ông nói, – ta được phân phối đã hai năm rồi, để dành mãi đến ngày hôm nay đấy.
– Quán hết đá, cha chờ chút để con lên chợ.
– Khỏi, uống không cũng được.
Đó là đại yến mừng ngày đoàn tụ mà nếu cả tộc họ nhà tôi kể từ ngày lập làng còn sống, nước mắt tủi hờn chắc cũng đựng đầy hai chai la de. Cha tôi là người mà chính tôi có bổn phận phải lùng diệt. Còn tôi là đứa con đi theo “giặc” đáng nguyền rủa của cha. Số phận nào lại đưa chúng tôi đối mặt nhau một cách nghiệt ngã như thế. Ai cũng bảo là do lịch sử, nhưng cái con mãng xà dài cả ngàn thước ấy, ai đã nhảy lên lưng khiến nó lồng lên suốt mấy chục năm? Ai đã khiến nó nuốt một lúc hàng chục tiểu đoàn ở cổ thành Quảng Trị? Ai khiến nó đuổi theo cả vạn người di tản từ Pleiku? Nếu lúc này cha tôi cầm con dao đang thái trứng kia đâm thẳng vào ngực tôi cũng là do con mãng xà ấy sao?
– Uống đi cha!
– Uống đi con!

Uống để mừng cha con mình đã thoát khỏi cái tội ác lớn nhất trong đạo làm người vì chiến tranh quá dài đủ để cho cha con giết nhau!
Đêm hôm đó hai cha con tỉnh như sáo không phải vì bia ít quá không đủ say mà vì chúng tôi bàng hoàng nhận ra dưới đám lá mục của lịch sử, giấu mặt bao nhiêu là sâu bọ rắn rít, chúng tôi vẫn là cha và là con. Ông nói gần như suốt đêm về cái dòng họ Trần “rân rác” (ý nói danh giá), về lúa chín tràn bờ, về bắp trổ đầy soi, về những ngày giỗ chạp heo gà ngả hết con này đến con khác, về những xe trâu chở lúa từ đồng lớn, đồng dài kẽo kẹt suốt cả tháng, về bằng thành chung của ông (cả huyện chỉ có hai người đậu), về những ngày đầu cách mạng bà nội đã đem cả rổ vàng ra cúng vào quỹ cứu quốc. Nhưng tuyệt nhiên ông không nói gì về những ngày ông đi tập kết. Cũng không hỏi tôi đi lính gì, gây bao nhiêu “nợ máu” và phải học tập bao nhiêu năm mới “sáng mắt sáng lòng”. Và, im như băng giá ở Nam cực, ông không hề mở miệng ra hỏi nói gì về mẹ tôi. Tàu Titanic có ngày còn được khai quật lên để cho mọi người thấy lại cái bi kịch hàng hải đau thương nhất thế kỷ, nhưng cái mối tình mà từ đó mới có tôi sinh ra, đụng phải tảng băng của lịch sử (lại lịch sử) bị gãy làm đôi thì ông nhất định chôn chặt dưới đáy đại dương của lòng mình.
Hai năm trước ngày ký kết hiệp định Geneve, tôi được sinh ra với một cái bớt đỏ trên môi. Bà nội nói, cha mày cũng có một cái bớt trên má, nhưng xấu hơn vì là bớt màu đen. Bà nói như thể biết trước cuộc chiến tranh sẽ còn kéo dài và cha con chúng tôi có thể phải đối mặt nhau ngoài mặt trận. Cha tôi phải nhớ là đừng bắn vào đứa có bớt đỏ trên môi, còn tôi thì đừng bắn vào người có bớt đen trên má. Hai cái bớt ấy đã được tổ tiên nhà họ Trần làm dấu để cha con nhận ra nhau.
Mẹ tôi lấy chồng khác khi tôi lên mười. Tôi ở lại với bà nội. Điều ấy chắc làm mẹ tôi đau lòng lắm. Bà ôm tôi khóc như mưa. Tôi không biết gì nhiều về bố dượng, chỉ biết ông ở trong quân đội và cấp bực sau cùng khi Sài Gòn thất thủ là trung tá.
Nếu trên đời này có những người đàn bà rất tần tảo, rất giỏi giang, nhưng cũng rất đau khổ chắc phải kể đến mẹ tôi. Sau 1975, chồng bị bắt đi cải tạo, nhà bị tịch thu, con cái bị đưa đi kinh tế mới… Bao nhiêu tiền của dành dụm bị mất sạch khi đổi tiền. Vậy mà vẫn phải mua đường sữa, mắm cá đi thăm nuôi, hết lặn lội ra tận Bắc để thăm chồng sau, lại lộn vào Nam thăm con chồng trước. Như lúc này đây, nghe đâu mẹ đang ở Bắc.
Những điều ấy tôi muốn tâm sự với cha nhưng ông đã coi như không có người đàn bà ấy trên đời, thì tôi cũng đành biết vậy mà thôi. Ông ăn ít, ngủ ít, không ra ủy ban thôn, không lên huyện, lại càng không vào tỉnh và chưa hề hỏi han hay gặp gỡ những người bạn chiến đấu cũ nay đã là đồng chí bí thư này, chủ tịch nọ.
Có một lần, tôi rụt rè hỏi, cha cũng có gia đình ngoài đó chứ, thì ông bảo, hỏi làm chi chuyện đó. Hãy lo cho con đi. Con phải kiếm một người đàn bà mới giữ được cái nhà này. Ta có còn gì nữa đâu. Cuộc đời ta như một con cá, khúc ngon nhất là khúc giữa thì bị mèo tha chó đớp. Chỉ còn lại cái đầu và khúc đuôi, giữ lại mà làm gì.
Giọng ông u uẩn quá, nghe rất thương. Cái khúc giữa đời ông phải chăng là hơn hai mươi năm ông đi tập kết. Và trong hai mươi năm đó, với cái lý lịch con địa chủ chắc là ông đã run sợ xiết bao.
Đến ngày thứ năm, mẹ tôi từ vùng đất đỏ Long Khánh ra thăm. Bà được tin tôi ra khỏi trại cải tạo ngay lúc bà đến thăm nuôi. Khi nghe mấy tiếng đã được tha, không kịp quay về nhà, bà liền đón xe đi suốt đêm để ra gặp con. Lúc bà kêu cửa thì trời chưa kịp sáng.
Không như lúc gặp cha, tôi khóc nức nở khi gặp mẹ. Bà cũng khóc, nhưng tỉnh táo hơn, hỏi: “Khổ lắm phải không con?” Tôi lắc đầu, chỉ tay vào trong nhà, nói nói thầm vào tai bà: “Cha con đang ngủ trong đó”.
Tự nhiên tôi cảm thấy như đầu và ngực bà lạnh ngắt. Bà rời tôi, ngồi sụp xuống đất, cả người bà rung lên. Tôi hiểu bà đang cố kìm giữ tiếng khóc. Giá như có thể được, chắc bà đã kêu thét lên rồi.
Tôi dìu bà lên thềm, mẹ và con cùng lặng im ngồi chờ sáng.
Bên trong có tiếng ho nhỏ, rồi có ánh đèn lọt qua khe cửa.
Cha tôi bước ra sân, ngửa mặt lên trời, làm một vài động tác cho đỡ mỏi. Ông định đi ra giếng nhưng khi thấy mẹ con tôi, ông chớp mắt mấy cái, nói như thể hai người chưa từng xa nhau:
– Kìa, sao hai mẹ con lại không vào trong nhà?
Mẹ tôi đứng lên, một tay nắm tay tôi, một tay quệt nước mắt nói:
– Ông mới về?
– Phải, mới về được mấy bữa.
– Ông vẫn khỏe?
– Ờ, vẫn khỏe. Bà thế nào? Đường xa chắc là mệt lắm. Này Tân, con đưa mẹ vào nhà nghỉ, ta ra vườn một lát.
Tôi chưa bao giờ nghĩ tới lúc cha và mẹ gặp nhau. Mọi sự đã trôi qua rất xa. Phải nói là thật xa, tận trong mịt mờ của quá khứ. Liệu cuộc trùng phùng không được báo trước này có làm cho họ vì thế mà bớt xa nhau chăng.
– Mẹ chỉ mang theo đồ khô, chẳng có gì mời cha con ăn sáng. Hay là để mẹ lên chợ kiếm thứ gì.
– Thôi mẹ, chắc cha không thích bày vẽ. Mẹ có mì gói không?
– Có đây, để mẹ đi nấu nước.
– Việc đó để con, có cái chõng của con, mẹ nằm tạm mà nghỉ.
Một lúc sau, cha tôi vào. Ba bát mì bốc khói được tôi mang lên.
– Mời cha, mời mẹ, tôi nói.
– Mời bà, cha tôi nói.
– Mời ông, mẹ tôi nói.
Những sợi mì ngập ngừng trôi qua miệng cha.
Tiếng húp nước rụt rè chảy qua miệng mẹ.
Tiếng nhóp nhép trong miệng tôi.
Bỗng mẹ tôi đặt bát xuống mâm, nhìn thẳng vào mặt cha hỏi:
– Ông thù tôi lắm phải không?
– Không.
– Ông nói dối.
– Để làm gì?   
– Tôi biết, ông hận tôi. Nhưng nếu như tôi đợi ông đến hơn hai mươi năm thì tôi được gì?
– Tôi có muốn bà đợi tôi đâu. Chẳng ai đợi ai. Thành thực mà nói, tôi rất có lỗi với con và bà.
Đột nhiên tôi vọt ra câu hỏi suốt bao nhiêu lâu cứ đè nặng trong lòng:
– Cha có biết là mình lầm đường không?   
Cha tôi hơi bối rối nhưng cũng nói:
– Vấn đề là đừng hỏi biết hay không biết. Một người đã rơi xuống đáy vực thì có gào lên cũng chẳng ai nghe.
Tôi nói lớn:
– Vậy thì rõ rồi.. Xin cha và mẹ hãy cùng con ăn hết bát mì. Dẫu sao cũng là một ngày vui.
Chiều hôm đó mẹ tôi xuôi Nam.
Sáng hôm sau cha tôi ra Bắc.
Tôi còn lại một mình.
Thôi hãy lấy vợ, sinh con.

Khuất Đẩu

Tuesday, May 15, 2018

Làm đĩ... - ST

Chị đã chọn cái nghề hạ lưu nhất mà người đời đều khinh bỉ: "LÀM ĐĨ".
Trong một buổi chiều mưa gió, khi con đang sốt cao mà chị không có nổi một đồng xu trong túi. Sau khi để người ta vày vò, thoã mãn, chị lao vào trong cơn mưa xối xả, chị đến tiệm thuốc Tây mua mấy liều thuốc cho con, chị ghé chợ mua một ít thịt dọi và mớ rau. Tối nay, gia đình chị được ăn bữa cơm thịt tươm tất. Nước mưa cứ quăng táp vào mặt chị. Chị không phân biệt được đâu là nước mưa, đâu là nước mắt. Chị chỉ nghĩ đến anh bị liệt đang nằm bất động cả năm nay, nghĩ đến đứa con gái ngày càng gầy gò, mới 15 tuổi đầu mà vừa đi học vừa phụ rửa bát cho quán, nghĩ đến thằng con trai bé bỏng đang sốt cao mà không đòi mẹ, không quấy mẹ. Chị nghĩ nhiều thứ và chị quyết định làm đĩ từ đó...
Cũng từ đó, chị đối diện với bao nhục nhã, bao ê chề. Dường như Đĩ có một sức mạnh ghê gớm. Đĩ có thể phá hoại đạo đức, Đĩ phá tan hạnh phúc một gia đình, Đĩ có thể làm khuynh đảo một đất nước... Đĩ là một mớ hổ lốn, dơ dáy, bẩn thỉu nên người ta nghĩ đủ mọi cách để loại trừ nó.
Chị nhớ như in buổi sáng hôm đó. Anh công an oang oang đọc tên chị: "Nguyễn Thị Son Phấn, dù đã có chồng và hai con nhưng vẫn đi bán dâm....", người ta bêu tên chị ngoài đường, mọi người chỉ trỏ, chị không quan tâm, chị nghe ong ong họ nói hình như không phải tiếng người, mắt chị ráo hoẳnh và nó chỉ nhoè đi khi bắt gặp ánh mắt như trời trồng của đứa con gái. Rồi chị được tha về, con thì đi trước, chị theo sau. Hai mẹ con không ai nói với nhau 1 lời, một khoảng cách rất nhỏ nhưng lại quá xa. Chưa bao giờ đường về nhà lại xa với chị đến thế. Nước mắt chị bắt đầu chảy, chị muốn nói xin lỗi con mà khó quá. Chị đã làm gì cuộc đời chị và cuộc đời con chị?
Cuộc đời làm đĩ của chị cũng đã được thay đổi trong một chiều mưa gió. Một nhóm ba người phụ nữ đã đến đánh ghen chị tại nhà. Chồng của cô ta là một khách quen, anh ta thích chị vì chị hiền lành. Anh ta bảo không có cảm xúc với vợ nên hay tìm chị. Nhưng chị nào quan tâm, chị cần tiền và phục vụ, chỉ vậy thôi, thế mà họ ghen. Người ta thi nhau đạp, nắm tóc, xé nát quần áo chị. Chị nằm yên chịu đựng, không rên la, không cầu xin. Chỉ đến khi đứa con trai ôm chị khóc thét: "Xin các cô đừng đánh mẹ cháu nữa!" Nó ôm chặt chị để sẵn sàng nhận đòn thay. Người đàn bà đánh ghen hơi khựng lại, rồi quăng mạnh đầu chị vào giường ngay chỗ chồng chị nằm. Cô ta xỉ vả một hồi rồi cả bọn họ kéo đi.
Chị ngước mắt nhìn chồng cầu mong sự tha thứ, chị tìm ánh mắt khinh bỉ, nổi giận từ người đàn ông của đời mình. Nhưng không, nước mắt anh chảy dài, còn gì đau đớn hơn khi nhìn vợ mình bị người ta đánh mà không thể giúp. Anh đưa bàn tay gầy gò xương xẩu run run vuốt lại mái tóc rối bù của chị, anh hiểu những gì chị đã làm, đã hi sinh vì anh, vì con. Anh cố gắng giữ giọng không run rẩy: "Đau không mình ?". Anh lạc hẳn giọng: " Mình đi rửa mặt, thay lại cái áo rồi ra đây với anh."
Con gái về từ nãy giờ, nó nghe người ta bảo mẹ nó bị đánh ghen, nó xin chủ cho về, nó nhặt và xếp lại những thứ mà người ta đã quăng đập. Nó ôm lấy thằng em trai, nó thương mẹ nó, nó thương bố nó, nó thương em nó. Nhưng nó còn nhỏ quá chưa thể làm được gì. Chị đã rửa mặt, buộc lại mái tóc, thay lại cái áo bị xé rách bươm. Chị đến bên giường, ngồi xuống cạnh anh. Con gái với thằng em cũng ngồi xuống bên cạnh. Anh nhìn gia đình mình bắt đầu bằng giọng khê đục yếu ớt: " Anh xin lỗi mình, anh đã để em phải cực khổ, phải vất vả bất chấp để bươn chải." Chị chỉ biết khóc ngất.
Anh nói tiếp: "Từ mai, anh sẽ tự tập vật lí trị liệu, anh sẽ cố gắng. Em đừng làm nghề đó nữa. Anh gọi điện cho chú anh vay ít tiền mua cái máy may, em may đồ và sửa quần áo. Con gái cố gắng làm thêm nhưng không được bỏ học. Thằng cu thì phải chăm chỉ ngoan ngoãn, phụ mẹ việc nhà." Mọi người đều gật đầu. Giọng anh nghẹn ngào: " Cha xin lỗi mọi người. Nhưng mọi người hãy nhớ, dù có chuyện gì xảy ra, chúng ta vẫn là một gia đình. Vì là một gia đình nên chúng ta phải yêu thương và tha thứ lỗi lầm cho nhau." Bốn người rưng rưng ôm chặt lấy nhau. Một người đàn ông bại liệt nhưng tâm hồn không bại liệt. Một người đàn bà làm đĩ nhưng vẫn là một người vợ, người mẹ sẵn sàng hy sinh tất cả vì chồng, vì con. Một đứa con gái 15 tuổi đã biết làm thêm sau giờ học để phụ cha mẹ. Một đứa con trai bé bỏng nhưng biết phụ việc trong nhà. Bốn con người đã gắn kết thành một khối chắc chắn mang tên Gia đình.
Ngoài kia sấm chớp, mưa gió nhưng bên trong căn phòng nhỏ xập xệ này vẫn ấm áp và đong đầy yêu thương.
Trong tận cùng của xã hội vẫn có rất nhiều mảnh đời vất vả, nhọc nhằn mưu sinh.
St:

Saturday, May 12, 2018

Cảm tạ được làm con của Má - Eve TKH

Mỗi ngày tôi đều cảm tạ Chúa đã cho tôi được làm con của Má. (Hình: Eve TKH)
Eve TKH
LGT: Tháng Năm Lễ Mẹ. Tháng Sáu Lễ Cha. Nhân dịp này, nhóm Kết Nối Việt trên Facebook – nơi quy tụ khá đông những thành viên là người gốc Việt sống khắp nơi trên thế giới – tổ chức một cuộc thi viết “bỏ túi” mang tên “Đấng Sinh Thành.” Với sự đồng ý của Ban Quản Trị Nhóm cũng như của các tác giả, Nhật Báo Người Việt sẽ lần lượt đăng tải một số bài viết là những câu chuyện, những tâm tình có thật liên quan đến tình mẫu tử, tình phụ tử trên nhật báo Người Việt, Người Việt Online và Facebook Người Việt. Kính mời quý độc giả đón xem.

Bố hay đùa “Má con mà bỏ bố thì chỉ có dắt tụi con ra Bắc Mỹ Thuận ông đi qua bà đi lại” bởi má tôi hồi mới lấy bố dở lắm. Nấu nồi cơm không xong nói chi kho nồi cá. Ngày bố dắt má về ra mắt nội, nội chê “thích phải con không mồm không miệng” bởi má là con gái Nam Kỳ ít lời. Gặp nội chỉ biết dạ thưa rồi hết. Nội hỏi tới đâu má trả lời tới đó. Không khéo mồm như mấy cô Bắc Kỳ mà bà nội thích bố lấy.
Má kể có lần giận nhau, bố đùng đùng về nhà bảo bà nội rằng ông bằng lòng lấy cô Tuyết đen (cô tên Tuyết mà da đen xi – nội thích cô lắm vì cô học luật, giỏi nịnh bà lắm). Bà vội mừng qua nhà người ta ngỏ lời. Hai ngày sau bố làm lành với má, về không chịu đi nên bị bà chửi cho một phen tan tành.
Má là con út. Mất mẹ năm 6 tuổi nên tuổi thơ của má khá buồn vì thiếu tình thương của mẹ. Lấy bố, má bước qua từ cửa nhà trường vào cuộc sống gia đình sung túc, êm đềm. Nhà xe hai chiếc, vi vu cuối tuần nên má không bận tâm nhiều về cuộc sống bên ngoài cho đến ngày mất nước.
Những năm sau đó cuộc sống gia đình đảo lộn. Má từ người chỉ ở nhà chăm sóc con cái, nay phải quay 180 độ. Lật ngược thế bài, nhảy ra đương đầu với thời cuộc. Đưa bầy con 5 đứa vượt biên sang Mỹ khi bố bị đi tù.
Má nói qua Mỹ không biết làm gì nuôi tụi con, Má chỉ nghĩ giản dị xin lái taxi hay xe bus chắc được, không sao hết. Ngày mới qua Mỹ, ai nhìn má cũng ngán vì một mẹ năm con biết làm gì để sinh sống đây. Vậy mà má cũng làm được. Chưa đầy 3 năm sau má đã mua được căn nhà nhỏ với 2 phòng ngủ để mấy mẹ con ở. Nhưng rồi bố sang lại phải bán nhà ra thuê apartment 3 phòng. Lại phải làm việc nhiều hơn nữa để cho bố đi học lại 4 năm ròng cho đến ngày ông ra trường.
Hồi mới qua má đi may đồ mẫu cho hãng Sears nên tôi luôn được mặc áo mới. Quần áo chưa ra thị trường tôi đã có mặc, dạo đó hãng Sear vẫn là thương hiệu “sang chảnh” vì vậy khi đi lễ mặc đồ đẹp ai cũng tưởng má tôi chắc đem được tiền qua nhiều lắm. Hồi dọn nhà cũng vậy, mấy má con được bác tôi thuê cho căn condo một phòng gần nhà thờ nên đồ đạc trong nhà toàn qua nhà thờ xin về nhưng nhờ bàn tay khéo léo trưng bày của má nên cuối tuần nhà thờ nhóm đến thăm ai cũng ngỡ ngàng vì nhà quá đẹp. Vậy là tiếng đồn ra xa, họ nói chắc má tôi đem vàng, hột xoàn qua nhiều lắm!
Bận đi làm nên má dạy tôi lo việc nhà nấu cơm, trông em và dù làm việc gì cũng tuần tự lặp lại nhiều lần. Nhưng má chả bao giờ giận dữ. Má luôn có giọng nói không bao giờ cao hơn nốt mi, trong khi tôi giống bố hở ra là hét cao độ bể nhà.
Giờ má tôi đã già – bà gần 80 tuổi nhưng vẫn 
vi vu lâu lâu lái xe chở bạn bè đi chơi. (Hình: Eve TKH)
Má tôi người Nam nhưng tính tình lại kỹ và khó hơn bố tôi người Bắc. Chắc má học từ bà nội, và bác tôi. Má dạy con gái đi đứng ăn nói nhỏ nhẹ, ngồi phải thẳng người, chéo nghiên chân để tay lên đùi đàng hoàng. Chỉ tội má dạy bao nhiêu tôi đều đi ngược lại. Chỉ có em Tường là giống má. Khi dọn bàn ăn má đều bắt tôi phải đủ bộ. Chén trên dĩa, đũa ra đũa, muỗng nĩa đâu ra đó, không được sọ cái này qua cái kia. Nấu ăn má cũng chỉ từng ly từng tí có điều tôi hậu đậu vô bếp đụng đâu bể đó. Má tập hoài cũng không sửa được. Nhưng rồi má lại an ủi, thôi không biết đỡ khổ, mai này đỡ cực thân. Mỗi ngày má đi làm về chỉ 20 phút là có bữa cơm được dọn ra tươm tất. Bởi đồ ăn rau cải, thịt thà Chúa Nhật má đi chợ về rửa sẵn sàng, thịt thì ướp xong để trong tủ, về chỉ lấy ra xào nấu là xong. Má chỉ tôi những gì cần làm khi đi học về là nấu nồi cơm dù lần nào thay đổi bao gạo là tôi sẽ cho ra lò ba hôm cơm nhão, cơm khô, cơm sống, rồi xong mới được cơm ngon. Vậy mà má vẫn kiên nhẫn chỉ dạy tôi, không bao giờ nghe má la lối om sòm.
Năm mới qua Mỹ, dĩ nhiên một mẹ năm con chính phủ chu cấp đủ thứ nhưng có lần lên phỏng vấn gặp một bà người Việt, hỏi lắt léo rằng má tôi có giấu tiền ở nhà không? Sao mới qua ba năm đã mua được nhà? Má ghét, quăng tập hồ sơ lên bàn nói, mua nhà down có 5 ngàn, bà coi hồ sơ sẽ thấy. Cho thì cho, không thì thôi! Chả biết sao, hai năm trời họ vẫn cho tiền đi chợ. Sau này kêu lên phỏng vấn tiếp má không đi. Má nói thôi không cho thì ráng ngồi may thêm mấy tiếng về đêm nữa là xong. Đi lên xin chi cho nhục.
Mấy năm bố chưa qua, má đi làm rồi lãnh đồ về nhà may thêm. Đêm đêm tôi ngủ vẫn nghe tiếng máy vắt sổ kêu rè rè bên tai riết cũng nghiền, đến nỗi khi máy tắt thì tôi hay tỉnh ngủ. Lúc nào má cũng vô giường vò đầu từng đứa một xong mới lên giường ôm em út ngủ. Những năm đó tôi nghĩ má chỉ ngủ được 4, 5 tiếng một ngày là cùng.
Bố sang cũng chẳng gánh vác được nhiều, vì bố phải đi học lại. Đêm đêm tiếng máy may rò rọ vẫn chạy đều đặn. Rồi má ra mở hãng may – lấy thẳng đồ từ hãng lớn đưa về chia cho người ta mang về nhà may. Có hôm chú lái xe lớn giao đồ cho hãng bị bịnh, má phải tự lái xe truck to đùng đi giao hàng.
Rồi hãng càng lớn thì má càng bận rộn thêm nhiều. Tiền bạc làm trội hơn lương kỹ sư của bố, vậy mà lúc nào việc lớn nhỏ trong gia đình má cũng nói “để hỏi bố con đã.” Dù bận rộn đến đâu, bữa cơm trong gia đình vẫn không bao giờ vắng bóng má.
Tôi lấy chồng sinh con. Đứa con nào cũng được má tôi chăm sóc, ngủ với ngoại từ nhỏ bởi má sợ tôi không biết chăm con. Mà thật tôi sợ làm rớt con lắm. Không có má chắc tôi chẳng dám có đứa nào.
Tôi nghĩ má tôi là một người mạnh mẽ, dù bà đi đứng, ăn nói luôn nhỏ nhẹ, không hay la rầy con cái cũng không bắt buột đứa này phải học hành thành ông nọ bà kia. Má nói miễn sao sống khỏe và hạnh phúc là má yên lòng.
Giờ má tôi đã già – bà gần 80 tuổi nhưng vẫn vi vu lâu lâu lái xe chở bạn bè đi casino chơi cùng. Bà vẫn có thể bấm iPhone chơi Facebook, ở một mình một cõi và hay nấu cho tôi ăn những món tôi thích.
Khi tôi ở bên má, tôi không thấy mình lớn. Tôi vẫn ôm má nằm kế bên, mân mê cách tay mát rượi của bà như ngày tôi còn bé.
Tôi cảm thấy mình là người hạnh phúc vì vẫn còn má và khi buồn chạy qua nhà má để được ăn những món bà nấu.
Mỗi ngày tôi đều cảm tạ Chúa đã cho tôi được làm con của Má. Cái vinh dự ấy mấy ai có được nè.  
(Eve TKH)