Friday, June 1, 2018

Nhánh Sông Ngậm Ngùi - Nguyên Nhung


Tôi không bao giờ nghĩ mùa hè năm ấy, sau hơn bốn mươi năm kể từ ngày từ giã mái trường, tôi lại có dịp thấy Toàn trong đêm Hội Ngộ. Đời biền biệt trôi đi như dòng sông, cuốn những con thuyền ra biển xa. Sau khi nối lại được liên lạc với người bạn cũ cùng lớp, hai đứa hẹn gặp nhau kỳ họp mặt Trường ở Toronto, hội ngộ với các bạn đồng môn trường xưa, để được sống lại những phút giây của tuổi học trò.
Cuối cùng, bạn tôi lại không đến được vì một lý do bất ngờ, thế là chỉ có mình tôi khăn gói lên đường với một mớ tâm sự ngổn ngang. Chưa bao giờ tôi nôn nao đến thế, như lần đầu tiên năm đệ thất được mặc chiếc áo dài trắng đồng phục bước vào ngưỡng cửa Trung Học, cô bé 12 tuổi bỗng thấy mình trở thành người lớn trước mấy đứa em còn đang học Tiểu học. Hơn bốn mươi năm rồi, một quãng thời gian khá dài đủ để cho những kỷ niệm ngậm ngùi và cay đắng đã nhạt nhòa đi, vậy mà chỉ hôm nay thôi, tôi nghe trái tim bừng bừng reo vui những nhớ nhung bao hình ảnh về trường xưa, bạn cũ, nhất là hình ảnh của ai kia một thời đã làm trái tim tôi đắm say chất ngất, để rồi cũng nát tan khi cuộc tình không trọn.

Từ chiếc bàn trong góc tối của hội trường đang ồn ào tiếng trò chuyện, thăm hỏi lẫn nhau, tôi đã nhận ra Toàn khi anh bước vào ngưỡng cửa căn phòng lớn. Không thể nhầm lẫn được, dù có đến mấy mươi năm chúng tôi không gặp lại nhau. Vẫn dáng cao cao nghệ sĩ ấy, mái tóc bồng bềnh đã bạc màu thời gian, khuôn mặt xương xương và nụ cười phảng phất một nét gì không trọn. Toàn đang bắt tay một vài người quen, tôi ngỡ ngàng tưởng mình đang sống trong mơ, một cảm giác lạnh buốt chạy dài khắp châu thân. Hóa ra chàng vẫn còn đó, cái tin chàng bỏ mình trong một trại tù sau năm bảy mươi lăm chỉ là ngộ nhận, bạn tôi đã nghe phong phanh như thế khi ở Việt Nam, rồi kể lại cho tôi nghe. Khi nghe bạn nói, tôi chỉ biết ngậm ngùi và cầu nguyện cho Toàn, cũng mừng là Toàn đã qua được những phút giây cận kề với nỗi chết.

Bốn mươi năm với biết bao khổ ải đẩy xuống cuộc đời, cuối cùng, đêm nay cả tôi và chàng cùng có mặt nơi đây, từ hai ngả đường khác nhau, để tìm về những kỷ niệm dưới mái trường xưa thuở ấy.Trong hội trường vẫn ồn ào tiếng cười, tiếng nói của bạn bè gặp lại nhau, những bàn tay xiết chặt bàn tay, những đôi mắt rưng rưng vì xúc cảm khi không ngờ bao nhiêu năm còn có đêm này. Họ đến đây từng nhóm, từng cặp, có đủ vợ chồng con cái, có người già người trẻ, có những người cô lẻ như tôi, như Toàn, mỗi người mang theo bên mình nhiều kỷ niệm và họ cũng đang đi tìm kỷ niệm, ước mong tìm gặp lại thầy cũ, bạn cũ, những hình ảnh ấy tưởng đã mịt mờ với thời gian, đã tản mát đi khắp bốn phương trời, từ khi chia tay với mái trường thân yêu ấy.

Từ chỗ ngồi trong góc tối này, tôi vẫn không thể nào không nhìn về phía Toàn, nơi chàng đang ngồi với vài bạn cũ. Hình như chưa ai nhận ra tôi, còn tôi thì im lặng tìm kiếm. Thời gian hơn bốn mươi năm trôi qua, trông tất cả đã già đi với mái tóc điểm sương, riêng Toàn, vẻ lặng lẽ của chàng đã nói lên chiều sâu của một nỗi đau nào đó khiến lòng tôi ngậm ngùi vô tả. Có thể là nỗi đau từ mối tình đầu không trọn, có thể là sự mất mát thảm khốc hơn từ những cuộc tình sau, sự thay đổi của thời gian đã làm chàng mất đi nét vui tươi ngày trẻ tuổi, tất cả nỗi đau ấy biết cái nào hơn. Thỉnh thoảng tôi thấy Toàn nhìn quanh, tìm kiếm một cái gì đó để rồi lại có vẻ thất vọng khi không tìm thấy gì cả. Không biết anh có đang nghĩ đến tôi như tôi đang nghĩ đến anh đêm nay, và liệu sự gặp gỡ bất ngờ này, có làm tan biến đi hình ảnh cũng như tình cảm đẹp đẽ và dễ thương của tuổi học trò hơn bốn mươi năm trước.




Riêng tôi, không phải chỉ đêm nay lòng tôi mới xôn xao như thế, mà đã biết bao nhiêu lần trong đời, dường như bao kỷ niệm êm đềm của những ngày trẻ tuổi vẫn âm ỉ trong lòng tôi, cho hơn bốn mươi năm tôi làm cánh chim viễn xứ. Biết bao lần trong căn nhà cô quạnh tôi đứng lặng nhìn cơn mưa ào ạt đổ xuống cánh đồng cỏ hoang vu, gió lồng lộng hun hút lùa vào khung cửa gỗ trong những ngày mưa bão. Bao nhiêu lần ấy, nước mắt như hòa với nước mưa, tôi nhớ về quê nhà trong một nỗi cô đơn khủng khiếp.


Làm sao chồng con tôi có thể chia sẻ với tôi được nỗi nhớ nhung của kẻ xa nhà , khi ở đấy có một góc trời riêng, chất chứa hình ảnh gia đình, bạn bè và những kỷ niệm buồn vui trong quá khứ. Mưa ở đâu cũng là mưa, gió ở đâu cũng là gió, vậy mà trong sâu thẳm của trái tim, tôi không khỏi không nhớ lại tiếng mưa rơi rào rào trên chiếc áo đi mưa một chiều tan học, Toàn đứng đợi tôi ngoài cổng trường, hai đứa đã che chung một tấm áo mưa, lòng vui vui như còn nghe vẳng lại tiếng cười chế giễu của bạn bè.                                      

 *  *  *

Trên sân khấu, người điều khiển chương trình đang giới thiệu những tiết mục trong đêm hội ngộ, tiếng vỗ tay rào rào, người ngồi chung bàn hỏi tôi câu gì đó làm tôi giật mình ngượng nghịu. Từ lúc biết Toàn có mặt trong đêm hội ngộ, đầu óc tôi bỗng dưng quay cuồng ngẩn ngơ, cảm tưởng đau sót của lần chia tay năm ấy như hiện về trong trí nhớ, suốt cả đời tôi không hề mong mỏi một lần hạnh ngộ .

 Định mệnh. Tôi thường tin vào hai chữ định mệnh để an ủi mình khi sinh ra trong một gia đình nghèo với bao điều bất hạnh. Toàn và tôi gặp nhau thật tình cờ với những bài thơ đăng trên Đặc San của trường năm đó. Anh học hơn tôi hai lớp, là một trong những cây bút khá nổi tiếng với những bài thơ hay, tôi là người ngưỡng mộ và cũng đang tập tành viết lách. Thơ của Toàn như nói hộ giùm tôi những trăn trở của tuổi trẻ về quê hương, khi chúng tôi đang sống trong đất nước chiến tranh, với cái nhìn hoài nghi về tương lai. Hai tâm hồn văn nghệ gặp nhau, quý mến nhau, để rồi thương yêu nhau đó là chuyện tự nhiên của thế giới học trò

Chỉ có điều là tôi quá vô tư để không nhìn thấy trở ngại, giữa tôi và chàng lại có hai hoàn cảnh khác biệt hẳn nhau. Toàn may mắn sinh ra trong một gia đình giàu, có tiếng tăm trong xã hội lúc bấy giờ, trong khi đó ba tôi chỉ là người lính tầm thường rong ruổi suốt bốn vùng chiến thuật. Mẹ con tôi cứ lẽo đẽo theo ba từ đơn vị này tới đơn vị khác, mãi tới khi đám con khôn lớn cần phải có một nơi cố định học hành, một mình ba tôi ra đơn vị, để vợ con ở lại trú ngụ trong xóm nghèo đa số là dân lao động,  những con đường ngoằn nghoèo trong ngõ hẻm với những mái lá tối tăm, chật chội.

Tôi vẫn nhớ ngôi biệt thự xinh đẹp có tường vây xung quanh trên con đường rợp bóng sao, có giàn hoa tigôn màu hồng nhạt leo quanh chiếc cổng sắt sơn trắng, đấy là ngôi nhà của cha mẹ Toàn. Mỗi lần đi ngang qua đấy, tôi vẫn mang chút tự ty mặc cảm để không dám nhìn vào hai cánh cổng sắt đóng im ỉm. Tôi biết Toàn có một đời sống no đủ và sung sướng, khác biệt hẳn cuộc sống của tôi, đứa con gái nhà nghèo, con một người lính trận, lúc nào cũng đối diện với hiểm nguy và nỗi chết.



Biết tôi nghèo như thế nhưng Toàn vẫn yêu tôi, với tất cả sự nồng nhiệt cuả tình yêu tuổi trẻ, Toàn không hề nghĩ rằng đấy là một trong những trở ngại mà hai đứa gặp phải, để có ngày phải chia tay nhau mãi mãi. Những ngày đi học, Toàn thường đứng chờ tôi trước cổng trường dù nắng hay mưa, chàng đưa tôi về trên những lối ngõ quanh co , tặng nhau những bài thơ tuổi học trò thơm ngát tình yêu ngây thơ, trong sáng.Tôi vẫn hồn nhiên sống trọn vẹn với tình yêu tuổi học trò, dù đôi lần vô tình bắt gặp cái nhìn khinh khỉnh của cô em gái Toàn cùng học một trường với tôi. Mỗi lần bắt gặp Toàn đứng đón tôi ở cổng trường, dù năm ấy anh vừa lên Đại Học, cô bé lại phóng cho tôi một cái nhìn đầy vẻ miệt thị, khiến Toàn cũng ngượng ngùng không biết nói gì cho không khí bớt phần căng thẳng.

Không biết những gì đã xảy ra trong gia đình chàng lúc ấy, nhưng tôi linh cảm có sự chống đốí ngấm ngầm của cha mẹ Toàn, khi biết Toàn đã yêu một đứa con gái nhà nghèo, con của một người lính trận không tên tuổi. Tuy biết phận mình, nhưng vì yêu Toàn tôi vẫn không chống đỡ nổi tình yêu đó, chỉ biết cố gắng học để hy vọng trong tương lai, tôi sẽ thoát khỏi hoàn cảnh nghèo khổ hiện tại, nhất là để đỡ đần gánh nặng cho ba mẹ tôi trong lúc tuổi già.


  *     *    *

Mùa hè năm ấy, mùa hè có những trận đánh từ nơi chiến trường xa, ba tôi theo đoàn quân tiếp viện cho đơn vị bạn ngoài địa đầu chiến tuyến, cũng để bảo vệ cho những người thành phố được sống một cuộc đời yên vui, hạnh phúc. Sự bất hạnh luôn luôn đeo đuổi những cảnh đời cùng khổ, ba tôi ngã xuống vào mùa hè năm ấy, mẹ tôi đã ngất đi không biết bao nhiêu lần khi dẫn đám con dại đi nhận xác chồng trong nhà quàn của Quân Y viện.
Chiều hôm ấy, cũng một buổi chiều mưa rơi tầm tã, trên mái tóc xanh tôi quấn vội vã mảnh khăn tang, nhìn mẹ bằn bặt trong tiếng nức nở đến xé lòng, rũ xuống như một tàu lá đổ trước nấm mộ của ba tôi. Tất cả là một chấm hết cho đời người góa phụ, là nỗi mất mát lớn lao cho lũ con thơ, kể từ đây, ba tôi đã vắng mặt vĩnh viễn trên cõi đời này, mãi mãi và mãi mãi.

Đêm mưa. Nhìn ảnh ba tôi trong màu áo trận, trên bàn thờ nhòa nhạt khói nhang, tôi vẫn ngỡ ba tôi còn sống và đang băn khoăn, ái ngại cho hoàn cảnh bi đát của vợ con giữa thời buổi chiến tranh, cùng bao nhiêu cạm bẫy, cam go của cuộc đời. Mưa vẫn rơi đều trên mái lá, càng về khuya càng não nùng như những lời tỉ tê, tiếng mưa tí tách từng giọt buồn tênh rớt xuống chiếc thau nhôm hứng những giọt mưa từ mái nhà giột ẩm ướt, như những giọt lệ tủi buồn của đứa con mồ côi rớt xuống cõi đời hiu quạnh.



Số tiền tử tuất của ba tôi quá ít ỏi, chỉ đủ cho mẹ tôi mở một tiệm tạp hóa nho nhỏ, bán đủ thứ than củi, mắm muối cho những người hàng xóm trong khu lao động lúc nhúc những mảnh đời khốn khổ. Cái quán nghèo nàn ấy càng ngày càng thâm thủng đi vì sự đau ốm của mẹ tôi, cùng sức ăn của bầy em đang tuổi lớn.
Cố gắng hết niên học, tôi quyết định bỏ học đi làm giúp đỡ mẹ. Mảnh bằng Tú Tài I chưa đủ cho tôi có một hành trang vững chãi bước vào đời, nhưng tôi không thể nào chịu nổi khi mỗi đêm trời giông bão, căn nhà lá nghèo nàn, dột nát như muốn đổ xuống dưới sức gió của đêm mưa, mẹ tôi phải lẩm nhẩm tính toán suốt ngày những đồng thu chi trong cái vốn cỏn con ấy, rồi nó cũng sẽ mất đi lúc nào chẳng biết. Nghĩ đến Toàn và căn nhà xinh đẹp của gia đình chàng, tôi lại thấy nghẹn ở ngực. Tình yêu Toàn dành cho tôi vẫn không thay đổi, vẫn đầy tràn hơn bao giờ hết, nhưng mặc cảm trong lòng đứa con gái nhà nghèo vẫn làm tôi tủi thân, để có cảm tưởng là cả hai đứa khó nắm được tình yêu cho nhau, khi gia đình hai bên quá khác biệt.


Không dễ gì tìm một việc làm tương đối trong thời buổi ấy, là con một tử sĩ, tôi chỉ có thể xin một việc làm khiêm nhượng trong hệ thống quân đội, hoặc làm một chân thư ký đánh máy trong căn cứ Mỹ đang chiến đấu ở Việt Nam. Tôi suy nghĩ rất nhiều, cuối cùng nhờ một người bà con, tôi cũng xin được một việc làm cho quân đội Mỹ. Nói sao cho hết cái mặc cảm của đứa con gái Việt Nam ra vô mỗi ngày nơi căn cứ Mỹ, phải nhận những cái nhìn nghi kỵ phẩm giá của người đồng chủng, nhưng cứ đến kỳ lương, cầm những đồng tiền trong chiếc bao thư về nhà cho mẹ, tôi mừng rỡ hơn bao giờ hết, vì biết từ nay có thể thay ba để lo cho lũ em dại.

Nhưng điều ấy không đem lại may mắn cho tôi trong tình yêu, khi chính Toàn ngại ngần mãi  rồi mới nói cho tôi biết cái trở ngại trong tình cảm của hai đứa, nếu tôi cứ tiếp tục đi làm sở Mỹ. Cái nghèo đã là một cái tội, huống chi đứa con gái nào đi làm sở Mỹ trong thời buổi ấy cũng tự nhiên gánh thêm một cái tội nữa trên đầu, dù chưa làm gì nên tội, nhất là đối với những gia đình trưởng giả, nhiều thành kiến như gia đình Toàn.

Toàn khổ sở vì yêu tôi, vì những thành kiến ích kỷ của gia đình chàng, nhưng liệu chàng có cách gì để giúp tôi thoát ra cái bế tắc của cảnh nghèo hiện tại. Với sự giàu có, dư dả của cha mẹ chàng, Toàn đâu thể hình dung nổi cái khổ của đám người cùng đinh trong xã hội, mà mỗi miếng cơm là những giọt mồ hôi ướt đầm manh áo vá. Chàng làm sao thấy hết được, tôi đã phải gò lưng trên chiếc xe cọc cạch chất đầy than củi, mắm muối, mùi hôi hám của những thứ thực phẩm nhà nghèo ấy làm cho tôi trông càng thê thảm hơn. Có bao giờ trong căn biệt thự sáng trưng ánh đèn, văng vẳng điệu nhạc dặt dìu êm dịu, Toàn có biết lúc ấy lũ em tôi đã phải vật lộn với sách vở dưới ngọn đèn đỏ quạch, không đủ soi sáng cho những hàng chữ của bài học.


Gia đình Toàn vốn đã không ưa tôi ở cái nghèo, nay lại thêm một yếu tố nữa để bắt chàng đoạn tuyệt. Có lúc quẩn quanh Toàn nghĩ đến chuyện hai đứa đem nhau đi thật xa, đến một phương trời nào đó, xa loài người, xa cuộc đời, gạt bỏ tất cả thành kiến hẹp hòi của những người xung quanh. Tôi đâu có can đảm để làm điều ấy khi nghĩ mình đâu có tội tình gì, nếu không phải chỉ vì nghèo để không được yêu. Hơn nữa tôi còn một bà mẹ đau khổ và một bầy em cần nương tựa, tôi không thể sống chết với một mối tình mà bỏ bê mẹ và các em. Thôi thì đành chia tay, để Toàn được yên tâm học hành và để cha mẹ chàng được vui vẻ sắp xếp cuộc đời của con họ. Tôi ngậm ngùi cắt đứt mối tình học trò, phải nói những lời phũ phàng chát đắng với Toàn để rồi lại khóc vùi một mình trong những đêm không ngủ.


Không biết Toàn nghĩ gì về tôi lúc đó, nhưng tôi chấp nhận xa chàng để được trọn vẹn cả hai phía, cho gia đình tôi cũng như gia đình chàng. Một thời gian sau tôi nghe tin Toàn bỏ học, gia nhập quân đội dù gia đình chàng dư sức lo cho chàng ăn học. Tôi không hề trách anh, vì cả hai đứa cùng là nạn nhân của một xã hội hẹp hòi ích kỷ, nhưng từ lúc ấy, tôi không còn mơ mộng để tin rằng tình yêu sẽ mang đến niềm vui cho cuộc đời, lòng bỗng dửng dưng như giọt mưa buồn tênh rớt xuống hiên nhà rồi trôi đi biền biệt.


Không biết may hay rủi, vào những ngày cuối tháng tư năm ấy, tôi vội vã rời xa quê hương theo diện nhân viên sở Mỹ, trong một chuyến bay cuối cùng đến đảo Guam. Mẹ tôi nhất định ở lại vì nấm mộ của chồng trong nghĩa trang quân đội, một thân nơi đất khách quê người, tôi phải tìm nơi nương tựa. Chồng tôi là một cựu chiến binh Hoa Kỳ từng tham chiến ở Việt Nam, nay làm việc trong cơ quan thiện nguyện. Người đàn ông có màu mắt mênh mông như biển khơi, đã chia xẻ với tôi suốt những tháng năm tôi lạc loài nơi xứ lạ, giúp tôi nguôi ngoai những đau buồn trong quá khứ.

*   *    *


Đêm hội ngộ tiếp theo với màn văn nghệ “cây nhà lá vườn” thật vui mà cũng thật cảm động, tôi có cảm tưởng mình đang dự một đêm liên hoan trong sân trường những mùa hè năm xưa. Trên sân khấu, những người bạn đồng môn muôn năm cũ đang thi thố tài năng của mình, không màu mè kiểu cách.

Tôi ngỡ ngàng thấy Toàn đã đứng trên sân khấu tự bao giờ. Vẫn một cung cách giản dị và vững chãi, Toàn đang nói mấy lời ngắn ngủi về bài thơ của chàng hơn bốn mươi năm trước, bài thơ mà chàng đã đọc cho tôi nghe khi hai đứa đứng trú mưa dưới mái hiên một căn phố cũ. Có một cái gì làm tay chân tôi tê dại, nghe được cả tiếng đập của con tim đang thổn thức trong lồng ngực. . .

        

" Trời vào mưa rồi em

 Mưa sáng, mưa chiều, mưa ngày, mưa đêm

Tiếng mưa nức nở, đau nhức về khuya

Như lời thì thầm anh yêu em . . ."






Trái tim tôi như muốn òa vỡ khi nhớ lại bài thơ tình hơn bốn mươi năm trước Toàn đang đọc trong đêm Hội Ngộ. Làm sao tôi có thể quên, từng lời thơ như xoáy vào tim khiến tôi nhớ lại buổi chiều năm ấy, hai đứa che chung một tấm áo mưa, đi dưới trời mưa bay bay khi gió từ bến sông thổi vào lồng lộng. Hai đứa nép vào nhau, nghe ấm áp nồng nàn trong từng nhịp đập của trái tim rộn rã, từng tiếng cười khúc khích mặc cho gió mưa lạnh lẽo. . .

Toàn vẫn say sưa với những âm thanh vang vọng từ ngày trẻ tuổi, như chàng đang lướt nhẹ trong trái tim tôi phím tơ chùng năm cũ cho một cung đàn dở dang, tiếng ngân như những vết đau dù đã hàn gắn với thời gian, sao đêm nay tôi nghe như dư âm tiếng thổn thức của lần chia xa năm ấy. Trên sân khấu, giọng chàng mượt mà trong mấy vần lục bát, nghe như điều gửi gấm từ trái tim với một nỗi đau chất ngất. . .

   " Đôi khi nhìn mãi lên trời

Tìm trong mây ảo bóng người năm xưa

Nghe vườn rung lá thu mưa

Lao xao trong nắng lời xưa thầm thì

Kể từ gió cuốn mây đi

Đời xa, xa mãi mong gì thấy nhau..."

( thơ NN)

   Bài thơ còn dài với giọng ngâm trầm ấm năm nào, như những giọt mưa ướt sũng trong đôi mắt tôi. Tai tôi như ù đi, mỗi một lời thơ như một dòng nước mắt chảy ngược vào tim khiến tôi ngồi chết lặng. Có phải chàng đang đi tìm kiếm lại cố nhân với chút hy vọng mong manh nào đó, mặc dù tôi đang ngồi trong góc tối này với những giọt nước mắt. Chắc không ai nhìn thấy tôi khóc. Bây giờ thì tôi đã hiểu, trong lòng chàng cũng như trong lòng tôi, cái tình yêu ấm áp và đau đớn thuở ban đầu ấy vẫn không bao giờ tan biến, dù giờ đây cuộc đời hai đứa đã là hai nhánh sông ngậm ngùi trôi theo những bến bờ xa lạ. Xung quanh tôi giờ đây im lặng quá, đâu đây nghe như có tiếng thở dài để sót thương cho một cuộc tình không trọn. 



 Các bạn đồng môn đang trao nhau những cuốn giai phẩm mùa hè Toronto, ai nấy hối hả và chăm chú lật từng trang, nhìn từng tấm ảnh cũ và mới, họ đang cố tìm một vài nhân ảnh đã mịt mờ trong quá khứ. Cầm cuốn Giai Phẩm với trang bìa là hình ảnh cô nữ sinh kiều mị trước sân trường, những bướm hoa ngày cũ, dãy hành lang vàng đục, từng ô cửa và tiếng phấn rít trên bảng đen như hiện về trong trí nhớ. Tôi thấy tôi ngày xưa, tôi thấy Toàn ngày xưa, tôi thấy những giọt mưa rớt xuống sân cỏ non giăng giăng nhạt nhòa trong mắt tôi một màn lệ mỏng.

 Không, tôi không muốn gặp chàng đêm nay, dù chàng đã đến đây, đã khơi lại trong trái tim đau những ngất ngây ngày cũ, chút đắng cay của một mối tình học trò đằm đẵm những kỷ niệm xót xa. Kỷ niệm vẫn chỉ là kỷ niệm, khi những nhánh sông đã rẽ ra trăm ngàn hướng đời khác biệt, để mỗi lúc nhớ đến nhau, lòng chỉ vẫn rưng rưng với những hình bóng cũ. Nếu có lúc nào đó, sông bốc lên thành mây, thì tôi mơ được là mưa trên mái trường xưa, một lần nữa xôn xao trên mái tóc xanh tuổi học trò.


Tôi bỏ ra về trước khi đêm hội ngộ bế mạc, không một lần nhìn lại người tình năm xưa. Đêm Toronto mát lạnh dù đang giữa mùa hè, suốt đêm tôi chập chờn không ngủ, gần sáng lại thiếp đi với một giấc mơ lạ lùng, nghe như có tiếng mưa rơi rào rào trên tấm áo mưa ngày nào. Mở cửa bước ra ngoài hành lang của khách sạn, tôi mới biết đêm qua trời mưa, những vũng nước mưa còn ướt sũng trên mặt đường, gió từ Ngũ Đại Hồ lồng lộng thổi đem cái lạnh hắt hiu vào lòng người, như cái lạnh của cơn mưa chiều năm xưa.


Thu xếp hành lý ra phi trường cho kịp chuyến bay lúc mười giờ, tự nhiên tôi lại khóc, những giọt nước mắt cứ ứa ra trên viền mi, nào ai biết, nào ai hay. Giã từ Toronto, giã từ bạn bè gần xa, giã từ hình ảnh người yêu thuở học trò một đêm hội ngộ, từ đây cho mãi đến nghìn sau, tôi vẫn là nhánh sông ngậm ngùi, để nhớ tiếc hoài hoài những tháng ngày tuổi mộng.

                                                    NGUYÊN NHUNG

Những Cánh Phượng Khô Ép Trong Trang Vở - Nguyên Nhung

Lâu lắm rồi, có một lần trong đời tôi tìm lại được những cánh phượng khô ép giữa những bài thơ, trong tập thơ có những trang giấy “pelure” màu hồng, màu xanh dễ thương như tuổi học trò thơ mộng. Kỷ niệm thời học trò bị bỏ quên nằm lẫn lộn với những cuốn sách cũ trên kệ sách, hình như không ai đụng đến. Rất, rất lâu tôi cũng không đụng đến, cho đến một buổi chiều mưa tự nhiên tôi lại nhớ, khi những cánh hoa khô bất ngờ rơi xuống lả tả đã trở màu nâu sậm là lúc ấy trong trí tôi, cũng rưng rưng những cánh phượng màu đỏ thắm rơi trên mặt cỏ… Cảm giác mênh mang buồn khi tìm gặp lại những cánh phượng khô ép trong trang vở, khiến tôi nhớ đến anh, người “bạn” duy nhất trong đời học sinh, đã nhặt những cánh phượng rơi trên thảm cỏ gần mé sông, ép vào trang vở bọc trong giấy kính mờ rồi làm quà cho cô bạn nhỏ. Nét chữ bay bướm của anh nghiêng nghiêng trên những tờ thư mỏng, anh vẫn thường nhận phần trang trí hay chép hộ tôi những bài thơ hay. Chỉ vậy thôi, ngày nào trên đường đi học về, tôi cũng đã phải ghé vào nhặt vài bông hoa cầm trên tay để làm duyên với anh bạn chung đường, hình như từ đó cũng nảy nở một mối tình học trò, be bé xinh xinh như những cánh phượng đầu mùa ép khô đã đổi màu với thời gian. Mối tình ấy bao lâu tôi không nhớ, nó bắt đầu khi nào và kết thúc làm sao, vẫn chỉ để lại một nỗi hờn giận nhẹ nhàng mà lại khó nguôi trong trái tim nhỏ bé của tôi. Hai năm dài đi chung một con đường đến trường, bỡ ngỡ xa lạ lúc ban đầu, êm đềm đằm thắm lúc về sau, để rồi sau một mùa hè “người ấy” biến mất, như những cơn mưa mùa hè đã cuốn theo những cánh hoa phượng rã rời trôi theo dòng sông biền biệt. Tôi chỉ biết anh ở trọ nhà bà con trong suốt thời gian đi học, bà mẹ quê phải vất vả tằn tiện từng đồng nuôi con đi học xa. Quê anh tít trong vùng sâu ở bên kia sông, thời chiến tranh nằm giữa hai lằn đạn. Bà mẹ chịu ở lại với mảnh vườn và ruộng lúa để nuôi các con ăn học, tình hình chiến sự nhiều khi rất sôi động đến nỗi con cũng không dám về nhà thăm mẹ cho nguôi lòng thương nhớ, mẹ cũng phải khó khăn mới chèo chống được với sóng gió, bằng chiếc ghe nhỏ chở khẳm gạo và thức ăn bơi qua sông lớn để nuôi con ăn học. Chính vì vậy mà tâm tư anh khắc khoải một nỗi buồn, nhất là những đêm nghe tiếng đại bác vọng về thành phố, ánh hoả châu soi sáng vùng trời xa bên kia sông, tương lai tuổi trẻ ngày ấy mịt mờ nặng trĩu những âu lo, khiến anh nghĩ tới bà mẹ quê tội tình mà không an tâm trong việc học. Năm đó anh thi rớt, một là học lại một năm nữa để thi nốt mảnh bằng tú tài 2, sau đó lên Đại Học, nhưng đúng lúc đó chiến trận leo thang, anh cũng đang độ tuổi tòng quân nhập ngũ. Anh biến mất trong tôi kể từ mùa hè năm ấy không một lời từ giã. Có lúc tôi nghĩ chắc anh đã nghỉ học về quê ở nhà với mẹ để trốn lính, hay có khi lại chạy theo bên kia vì nhà anh thuộc vùng xôi đậu. Thôi thế là hết, tình học trò non nớt như những bông hoa phượng đỏ, lắm nhớ nhung để rồi tự nhiên bị đứt như dây tơ chùng xuống nốt nhạc buồn. Trong tâm hồn người con gái tuổi mộng mơ mới biết yêu vẫn thổn thức khi niên học mới một mình đến trường không còn ai đưa đón. Lật tập thơ, tôi thấy còn nhiều cánh hoa phượng khô của anh tặng năm xưa nằm xen trong những trang giấy mỏng, lúc ấy tôi đã làm bài thơ “Ngày Tựu Trường”, ép vào đó một cánh phượng khô với nỗi buồn của tôi, nỗi hờn giận đã làm tan nát trái tim non nớt tuổi học trò.

Ngày Tựu Trường Ngày tựu trường lòng tôi sao trống vắng Đếm trên đường từng bước với cô đơn Người ta vui sao chỉ có tôi buồn Tình êm đẹp bây giờ không còn nữa
Lá phượng xanh, màu xanh nay đã úa Ngày tựu trường trời sao vẫn nhiều mưa Đường đi, về tôi cảm thấy bơ vơ Nên cúi mặt tìm màu hoa đỏ thắm
Một người ra đi nơi nào xa lắm Cánh phượng hồng khô héo đã từ lâu Những bông hoa kỷ niệm buổi ban đầu Vẫn còn đó không một lời hẹn ước
Ngày tựu trường có một mình tôi khóc Đâu còn anh ai chép hộ bài thơ Đâu còn anh mình tôi bước thẫn thờ Trong buổi sáng đầu năm vào lớp học.

Bài thơ dễ thương ấy là một trong những bài thơ tuổi học trò, với những cánh hoa ngả màu nâu buồn nằm thầm lặng trong góc tủ sách, hay suốt đời nằm thầm lặng trong đáy hồn tôi.
Khi tôi nghĩ sẽ không bao giờ còn gặp lại “người ấy”, dù chia tay chỉ vì hoàn cảnh nhưng đã vô tình làm tổn thương trái tim non nớt của tôi. Vậy mà vài năm sau khi lập gia đình, tôi bồng đứa con gái nhỏ ghé vào tiệm bách hoá mua đồ chơi cho con thì gặp anh. Trong bộ chinh y còn nhàu bụi đường xa, hình như anh mới từ đơn vị về nên nét mặt còn hằn dấu phong sương.
Ngỡ ngàng, bối rối, bồi hồi, ba cảm giác ấy trộn lẫn vào nhau khiến tôi lúng túng thốt ra toàn những câu thật ngớ ngẩn khi hai bên chạm mặt nhau. Má tôi nóng bừng lên lẫn lộn cảm xúc bất ngờ xung đột trong lòng, khi nhớ đến chuyện ngày xưa, lại nửa như muốn cho anh nhìn thấy cái hạnh phúc mà tôi đang có. Vẫn không bỏ được tính trẻ con, bất đắc dĩ tôi phải hỏi, vẫn trống không như ngày xưa mỗi lần hờn giận:
“Mới về hả?”
Anh cũng mỉm cười gật đầu, ánh mắt nửa thương mến nửa giễu cợt khi nhớ lại cái tính hay hờn của tôi:
“Ừ, mới về!”
Rồi lặng thinh nhìn tôi rất lâu. Đôi mắt ấy chừng như đâu đó đọng lại một niềm vui dịu dàng khi biết tôi đã có một gia đình hạnh phúc, xen lẫn chút ân hận khi nghĩ đến chuyện cũ. Thời gian qua lâu rồi, những cánh hoa khô vẫn nằm trong tập thơ tôi nhét kín trong kẹt tủ sách. Trong bấy nhiêu năm trời tôi đâu biết anh đi đâu về đâu, bây giờ nhìn anh trong màu áo trận, tôi ân hận là đã có lúc nghĩ sai về anh, vì tưởng anh sợ đời lính nên trốn về quê núp bóng mẹ. Anh nựng đứa bé trên tay tôi rồi hỏi:
“Cháu xinh và giống mẹ ghê, được mấy tuổi rồi?”
Tôi lí nhí trả lời nhưng tự nhiên một nỗi hờn giận dâng lên trong ánh mắt, tôi có làm gì nên tội để ngày ấy anh bỏ đi không một lời từ giã. Theo thời gian tình yêu ấy giờ đây đã khâm liệm rồi, nhưng niềm đau thì hình như vẫn còn đó khi nhớ lại. Nỗi đau tuổi đầu đời, in một dấu hằn trong trái tim nhỏ bé, chưa kể những giọt nước mắt tủi hờn mỗi lúc lẻ loi trên đường đi học, tôi vẫn phải đi ngang nhịp cầu và mé sông rưng rưng tàn hoa phượng đỏ mỗi lúc sang hè.
Tự nhiên tôi bật hỏi:
“Hồi đó anh đi đâu?"
Anh buồn buồn:
“Anh nhập ngũ, mẹ anh đâu còn bao nhiêu sức lực để nuôi anh học lại một năm nữa, anh cũng không thể về cày cuốc nơi mảnh đất quê nhà. Đành là ra đi mà không dám nói lời từ biệt, anh xin lỗi…”
Chúng tôi còn nói thêm vài câu chuyện nữa. Đã hết giận anh rồi, chuyện cũ đã được giải thích, dù sao hiện tại tôi đã ấm êm với một gia đình hạnh phúc, riêng anh đời lính đẩy đưa qua những miền đất lạ, chỗ nào cũng chỉ có đạn bom. Anh chưa lập gia đình dù mẹ anh mong mỏi, nhưng đời lính luôn đối diện với sống chết lại ám ảnh chuyện “những kinh kha một sớm chẳng quay về” nên anh ngại ngùng chưa nghĩ đến hôn nhân.
Tôi bế con ra khỏi tiệm bách hoá, trên tay con bé giữ chặt món quà của người lính mua tặng, nó toét miệng cười khi anh đặt nụ hôn dịu dàng lên vầng trán ngây thơ của đứa bé trước khi từ giã. Chuyện năm nao đã lắng xuống rồi, ít ra cũng có một câu trả lời để “cô bé học trò” ngày ấy khỏi tấm tức vì nghĩ mình bị bỏ rơi. Nụ hôn dịu dàng anh gửi lại trên vầng trán đứa bé, khiến tôi chạnh nhớ đến lần cuối cùng, anh cũng giấu kín lời từ biệt với nụ hôn nhẹ nhàng trên trán tôi rồi ra đi mà không nói một lời. Món đồ chơi trẻ con đứa bé giữ chặt trong tay, khiến tôi bật cười mà lại cảm động khi nghĩ tới những bông hoa phượng màu nâu khô ép trong tập thơ nhét trong kẹt tủ, ngày xưa tôi cũng giơ tay nhận món quà trời cho ấy mỗi độ sang hè, nhớ đôi mắt nồng ấm của anh nhìn tôi với nụ cười xinh giấu trong vành nón lá.

oOo
Kể từ lần gặp ấy tôi không hề gặp lại anh nữa, cuộc đời cứ thế trôi đi theo cái tan nát của nước non. Tôi may mắn cùng chồng rời khỏi quê nhà trong những giờ thứ 25 của cuộc chiến, chẳng mang theo được gì, huống chi là tập thơ tuổi học trò giấu trong kẹt tủ sách có những cánh hoa khô ép trong cuốn vở.
30 năm sống ở quê người, lòng tôi vẫn chưa nguôi ngoai nỗi nhớ quê và mong ước một lần trở về. Trở về để làm một người khách lạ trên chính quê hương của mình, những gì trong quá khứ đã không còn, tôi chẳng tìm đâu ra hai cây phượng nơi mé sông, tôi cũng không nhìn ra ngôi trường mình đã học ngày xưa vì nó thay đổi hết rồi. Chị bạn đồng hành mời tôi về thăm sông nước miền Tây cho biết đời sống và vẻ đẹp của những thôn làng nằm ven bờ sông Hậu, tôi nhận lời ngay vì chợt nghĩ đến ngày xưa, có lần tôi đã ao ước được theo anh về thăm nhà, nhưng anh nói:
“Em không biết chèo xuồng, không biết bơi làm sao dám về vùng sông nước.”
Anh nói vậy nhưng tôi hiểu cái mặc cảm trong lòng anh, một cô gái thị thành “ăn trắng mặc trơn”, sao phù hợp được với cảnh đời của một thanh niên cảnh nhà thanh bạch nơi quê mùa đầy những bất trắc của chiến tranh. Lần trở về này tôi theo người bạn về thăm quê chị, nơi mà có lần mấy chục năm về trước, tôi đã nhìn thấy nỗi bồn chồn của người yêu cũ khi nhìn ánh hoả châu phía chân trời bên kia sông, mà nghĩ đến bà mẹ quê nghèo đang lao đao giữa hai lằn đạn.
Đã bao nhiêu khuôn mặt thân hay sơ đi qua đời mình, bạn bè chung trường chung lớp ngày xưa bây giờ mỗi người có một số phận khác nhau và đời sống khác nhau. Tôi gặp một vài người bạn cũ còn sống ở quê nhà, có người thành công có người lận đận an phận sống cho hết kiếp người. Tôi thoáng nhớ đến anh, người bạn thuở học trò, không biết bây giờ anh ra sao, chỉ mong sao anh cũng thoát được nỗi vất vả cuộc đời mà qua hai giai đoạn tôi biết, đời học sinh và đời lính tuổi nào anh cũng ắp đầy nỗi khổ.
Chuyến đò xình xịch nổ máy rồi rời bến chở khách về thăm lại làng quê miền đồng bằng sông Cửu Long, bây giờ cũng có một con đường nhỏ chạy song song với dòng sông. Đa số người miền quê vẫn thích đi bằng đò vì mát mẻ và vận chuyển được nhiều hành lý, còn người đi xa trở về lại muốn hưởng cảm giác thanh bình của những làng mạc nằm dọc theo dòng sông. Lòng tôi êm dịu quá, những đợt sóng nhỏ vỗ vào mạn đò êm như nhịp võng và tiếng ầu ơ của những trưa hè trong một xóm nhỏ của miền Nam ngày xưa, tôi để lòng trôi nổi theo những kỷ niệm một thời đã lắng xuống sau 30 năm tôi sống ở quê người.
Chập chờn theo tiếng sóng vỗ vào con đò tròng trành trên dòng sông, gió mát miền quê ru tôi vào giấc ngủ, lúc ấy đò vừa cập bến nên mọi người lao nhao đứng dậy để lên bờ, tôi mới ngây ngất nhìn thấy hai cây phuợng thắm bên giẻo sông này đang mùa hoa tưng bừng nở rộ. Hoa đỏ chi chít chen lẫn trong những cành lá xanh li ti xanh biếc, lòng lại bồi hồi xúc cảm vì bất chợt tìm lại những gì mất đã lâu nay bỗng dưng hiện ra trước mắt. Ôi chao! Cũng những cánh hoa tả tơi rơi trên mặt đất, cũng cây phượng hồng bên mé sông, chỉ khác là hôm nay tôi không còn là cô nữ sinh tuổi mười bảy của những năm tháng trước. Hai cây phượng hồng che bóng mát cho một cái quán nghèo nhà quê, bán trái cây và những thứ kẹo bánh, đồ chơi cho trẻ con, người làng xã mỗi lần ra bến chờ chuyến đò ra tỉnh.
Mỏi chân nên tôi ngồi nghỉ nơi cái bàn của quán nước ở ngoài hiên, chờ chị bạn lấy hành lý về thăm nhà bà con, bảo người phụ nữ chủ quán có nét mặt hiền hoà đôn hậu chặt cho tôi một trái dừa xiêm nhỏ. Biết tôi khách phương xa, chị quày quả gọi vào bên trong lấy cho tôi một trái dừa tươi nhất từ trên cây phía sau nhà. Khi người đàn ông chống đôi nạng gỗ khập khễnh bước ra đem trái dừa cho vợ, mắt tôi loà nhoà một hình ảnh rất thân quen, mặc dù thời gian và tuổi tác đã cày sâu trên khuôn mặt, nhưng chắc chắn là tôi không lầm. Trời ơi! Anh đấy ư? Có thể nào như thế nếu như trời vẫn còn bắt tôi gặp lại người xưa trong cảnh huống này, con người quả có số phận, nhưng nỡ nào chiến tranh lại lấy đi của anh nhiều như vậy? Một cái chân bỏ lại chiến trường, cộng thêm một con mắt khiến anh khó lòng nhận ra tôi lúc ấy, chính tôi cũng thay đổi nhiều rồi, nhưng so sánh giữa hai cảnh đời thì anh gánh chịu quá nhiều mất mát.
Không nén được cảm xúc, tôi uống một ngụm nước dừa nhưng lại không cảm được cái ngọt lừ của nước mát quê hương. Thấy anh đi vào, tôi bật đứng dậy chạy gọi với theo khiến người vợ cũng ngạc nhiên:
“Anh … anh gì ơi, cho tôi hỏi thăm.”
Anh ngạc nhiên đứng lại, cây nạng gỗ dựa bên khiến dáng anh khập khiễng làm lòng tôi càng thương cảm. Rồi nhìn tôi chăm chú bằng con mắt còn lại, linh tính đã nhận ra tôi là người quen năm cũ, anh bình tĩnh mỉm cười, nụ cười ấy tôi nhận ra ngay như ngày nào gặp lại nhau trong tiệm bách hoá. Anh hỏi:
“Mới về hả?”
Tôi nhìn anh lòng rộn lên niềm vui, lí nhí nói:
“Ừ, mới về!”
Trong bao nhiêu năm cứ như thời gian không ảnh hưởng gì đến cái tình năm xưa trong quá khứ, anh nói tiếp:
“Không ngờ quả đất tròn thiệt, tôi không ngờ mình còn sống để có ngày gặp lại”.
Chúng tôi trở lại bàn dành cho khách uống nước, chờ chị bạn để về nhà. Vợ anh lăng xăng mừng rỡ:
“Cô đây quen với mình hả?”
Anh gật đầu vui vẻ:
“Quen, hồi anh còn đi học nhưng lâu rồi không gặp, cũng mấy chục năm rồi mà còn nhận ra nhau. Bữa nay em chuẩn bị làm cơm mình đãi khách quý, hình như cũng là bạn của cô Út cháu bà Hai trong xóm mới từ nước ngoài về?”
Tôi gật đầu, chị bạn tôi cũng vừa đến, nhất định tôi phải thuyết phục chị buổi chiều đến nhà anh ăn bữa cơm hạnh ngộ. Thấy anh lom khom với cây nạng, tôi dò hỏi:
“Sao anh không dùng xe lăn cho khoẻ?”
Anh mỉm cười nhẫn nhục:
“Ở nhà quê đường xá gập ghềnh, chống nạng tiện hơn, cái chân này cũng vững vì nó biết phải bảo vệ cái chân kia cho mình khỏi té.”
Trời ơi, bao nhiêu năm vốn văn chương vẫn còn nguyên trong trí nhớ của người học trò, vẫn khí phách của người lính dám đứng thẳng đối phó với hoàn cảnh. Chắc anh khổ nhiều mà không nói ra, nhưng tâm tôi đã quyết phải làm một cái gì cho anh. Trả ơn những bài thơ chép trong cuốn vở, trả ơn những cánh hoa khô ép trong thơ đã cho tôi những tháng ngày mộng mơ tuổi học trò, trả ơn người lính đã đánh mất phần thân thể cho tôi được bình yên trong thời chinh chiến.
Hai ngày theo chị bạn về quê, nơi này làng xóm thân cận nên ai cũng biết nhau, cũng không ai biết gì về sợi dây thân tình của anh thương phế binh với người phụ nữ trung niên từ xa mới về. Mẹ anh chết lâu rồi, anh trở về sống trong căn nhà hương hoả của gia đình, an phận với nếp sống đạm bạc rau trái trong vườn, mãi mới chịu lấy vợ để tuổi già đỡ hiu quạnh. Hai đứa con anh lớn lên được cho ra tỉnh trọ học y như cha chúng nó ngày xưa, nhưng khá hơn vì đã hết chiến tranh, ngày nghỉ vẫn theo đò về quê thăm cha mẹ. Anh đối đãi tôi bằng mối thâm tình của người anh với cô em gái, sau bữa cơm khá thịnh soạn có món gỏi gà trộn rau răm bắp chuối, chị lưỡng lự chưa dám cầm món quà của tôi nhét vào túi áo chị dù biết rằng nó sẽ giúp anh chị thực hiện những ước mơ, như làm lại cái quán nhỏ để mưu sinh qua ngày, bán thêm vài thứ đồ chơi rẻ tiền cho trẻ con trong xóm.
Anh thở dài rồi cũng phải nhận món quà của người em gái một thời còn nợ anh những bông hoa phượng ép trong cuốn vở, nhưng vẫn nói:
“Cảm ơn cô đã nghĩ đến anh, sau chiến tranh anh được về với mảnh đất quê nhà là may mắn rồi, còn biết bao đồng đội của anh què chân cụt tay lê la ngoài đầu đường xó chợ không có ai giúp đỡ. Nếu có lòng, em cố giúp những người ấy, phần anh như vậy đã quá đủ, còn có hai cây phượng bên bờ sông nở hoa mỗi độ hè về, đâu ao ước gì hơn nữa.”
Xế trưa hôm sau nữa tôi và chị bạn trở ra tỉnh để lên Sàigòn chuẩn bị chuyến bay. Lúc vợ anh bận bịu bán hàng cho khách trong quán, chị bạn tôi cũng lăng xăng từ biệt gia đình người bà con, mắt ai cũng rươm rướm hẹn lần tái ngộ. Lúc ấy tôi có dịp đứng một mình với anh dưới tàng cây phượng vĩ, rực rỡ những bông hoa đỏ lung linh in bóng xuống dòng sông. Vướng một chút hắt hiu khi nắng chiều rọi vào khuôn mặt đã hằn dấu vết thời gian, anh nói nhỏ:
“Em vẫn còn giữ được nụ cười năm xưa. Bây giờ có hiểu tại sao anh lại trồng hoa phượng, cũng chỉ bởi muốn giữ trong lòng những kỷ niệm thời đi học.”
Tôi gật đầu không nói, nhưng mắt lại rưng rưng khi hiểu rằng trong trái tim anh thấp thoáng vẫn còn hình ảnh cô bạn nhỏ thời đi học. Chắc khó gặp lại nhau lần nữa, khi con đò tròng trành rời bến ra giữa sông, bóng anh nhỏ dần nhưng mắt tôi vẫn ngoái trông những bông hoa phượng rưng rưng nơi bờ sông lộng gió…

Nguyên Nhung

Tuesday, May 22, 2018

Kỳ thị: kinh nghiệm của người Việt tị nạn - Ls Nguyễn Xuân Phước

Khi người Việt tị nạn Cộng Sản đến Mỹ năm 1975 thì xã hội Mỹ vừa mới được ổn định sau thời kỳ tranh đấu đòi dân quyền của người Mỹ gốc Phi châu, mà ta thường gọi là người da đen. Nhờ công cuộc đấu tranh dân quyền đó ở thập niên 1960s mà người Việt đến Mỹ được đối xử bình đẳng, ít ra trên pháp luật. Người Việt không phải đi toilet riêng dành cho người da màu ở nơi công cộng; đi xe bus không phải ngồi băng ghế sau để nhường ghế trước cho người da trắng; đi ăn nhà hàng không phải đi cửa dành cho người da màu; và đi học cũng được nâng đỡ với những tiêu chuẩn thấp hơn người da trắng v.v…
Thế nhưng sau khi ở Mỹ một thời gian nhiều người vẫn cảm thấy bị kỳ thị. Có người than phiền ông hàng xóm Mỹ trắng hay làm khó dễ, hay gọi cảnh sát than phiền chuyện nầy chuyện nọ gây rắc rối. Hoặc ở hãng hay bị supervisor đì, cho làm việc nặng nhọc, cho nghỉ việc cách vô lý, thiên vị người da trắng v.v…
Có một số vấn đề gây cho người Việt cảm giác bị kỳ thị. Khi người Việt mới đến sống ở nước Mỹ vẫn chưa quen tập tục mới như vẫn mặc bộ đồ ngủ (pajama) đi ngoài đường trong khu xóm, ăn to nói lớn, nhậu nhẹt tưng bừng ồn ào vào buổi tối, làm cho hàng xóm khó chịu. Tuy nhiên khi sống chung đụng lối xóm, có những người hàng xóm lúc nào cũng khó chịu với tất cả mọi người bất kể màu da, làm cho chúng ta có cảm giác bị kỳ thị. Những cảm giác bị kỳ thị vơi dần khi chúng ta làm quen được với lối sống và hòa nhập được vào chính mạch của cộng đồng Hoa Kỳ.
Cảm giác kỳ thị đó khi so sánh với cuộc chiến đấu chống kỳ thị thật sự của người Việt tị nạn khi mới đến Mỹ, thì chúng ta sẽ thấy một số cảm giác bị kỳ thị là do sự mâu thuẫn cá tính giữa người với người nhiều hơn là kỳ thị thật sự vì lý do màu da.
Lịch sử tị nạn đã ghi nhận cuộc đấu tranh chống kỳ thị kinh hoàng nhất của người Việt đánh tôm vùng vịnh Galveston, Texas.
Sau năm 1975, một số người tị nạn Việt Nam đã tìm đến vịnh Galveston để làm nghề đánh tôm. Tôm lúc bấy giờ là mặt hàng hải sản có giá trị cao. Những người đánh tôm thành công và trở nên giàu có. Nhiều người Việt, nhất là những người có nghề tôm tại Việt Nam trước đây, kéo nhau về vịnh Galveston để làm ăn khiến cho con số tàu đánh tôm gia tăng nhanh chóng. Những người da trắng làm nghề đánh tôm lâu năm cảm thấy nồi cơm của họ bị đám lưu dân lấy mất và mâu thuẫn bắt đầu nảy sinh.
Vào tháng 8 năm 1979, ông Nguyễn Văn Sáu, 21 tuổi, hớt hải chạy đến bót cảnh sát ở thành phố Port Arthur thú tội: “Tôi vừa mới giết người.” Ông Sáu nói với cảnh sát là ông vừa mới giết Billy Joe Aplin, 35 tuổi. Sáu và Billy Joe đều đánh tôm cua ở Seadrift, một thành phố nhỏ ở vịnh Galveston, Texas có dân số khoảng 1,250 người. Cả hai có những mâu thuẫn gay gắt vì tranh giành vùng đánh tôm, cua.
Billy Joe cao 6ft1, nổi tiếng ưa đánh lộn và gây hấn với người khác, và lúc nào cũng mang súng trong xe. Từ 2 năm trước, người Việt đánh tôm cua ở đây than phiền bị Billy Joe và những người da trắng khác sách nhiễu. Họ bị đe doạ, tấn công, đánh đập, và họ bị trộm bẫy cua thường xuyên. Tàu đánh tôm của họ cũng bị phá hại. Họ biết Billy Joe là đầu sỏ. Họ thưa cảnh sát, nhưng cảnh sát không làm gì để bảo vệ họ.
Trong khi đó, những người da trắng than phiền là vùng đánh tôm cua của họ bị người Việt xâm chiếm. Và người Việt cũng đe dọa Billy Joe và vợ ông ta.
Vào ngày 3 tháng 8 năm 1979, khi Sáu sửa soạn kéo tàu mới mua ra khỏi nước thì Billy Joe xuất hiện. Billy Joe đạp lên tay của Sáu khi Sáu đang để tay ở chỗ móc trailer. Billy Joe nói với Sáu: “Nếu đám người Việt chúng mầy không đi ra khỏi Seadrift thì tao sẽ cắt cổ mầy.” Sáu, đang ở trần, bỏ chạy và bị Billy Joe rượt theo chém hai nhát dao vào ngực. Sáu và người em là Chinh chạy vào nhà người bạn mượn khẩu súng. Sau đó Sáu và Chinh trở lại bến tàu. Billy Joe vẫn còn đó. Vừa thấy Sáu, Billy Joe nhảy bổ đến tấn công và vật Sáu ngã xuống đất. Sáu rút súng trong quần lảy cò. Một viên đạn bắn trúng vào ngực Billy Joe, Billy Joe chới với kêu lên “No, man”, rồi rơi xuống nước, và một viên khác bắn trúng vào người khi Billy Joe ở dưới nước. Billy Joe chết liền tại chỗ.
Sau khi Billy Joe bị giết, mâu thuẫn giữa người Việt và người da trắng gia tăng. Trong khoảng thời gian ngắn sau đó, 4 tàu đánh tôm của người Việt bị đốt cháy. Một căn nhà của người Việt bị đánh bom.
Daniel Aplin, em trai của Billy Joe, tuyên bố “Seadrift đang biến thành nồi thuốc súng.”
Thành phố Seadrift phải ban hành lệnh giới nghiêm từ 9:00 giờ tối. Vì cảnh sát không giải quyết những khiếu nại của người Việt nên người Việt cho rằng khi mâu thuẫn với người da trắng bộc phát, người Việt sẽ bị tàn sát. Hàng trăm người Việt sinh sống tại Seadrift bỏ chạy qua Houston hay Louisiana. Thiếu nhân viên làm việc, hãng đóng cua hộp ở Seadrift phải đóng cửa.
Tuần sau đó, 3 người Mỹ trắng bị bắt ở một motel thuộc thành phố Seadrift vì mang thuốc nổ dùng để đánh bom nhà người Việt. Người mật báo cho cảnh sát để bắt khủng bố là B.T. Aplin, em của Billy Joe. Sự thể em trai Billy Joe làm việc với cảnh sát để bảo vệ người Việt làm cho tình hình lắng dịu và người Việt dần dần trở lại Seadrift.
Tuy nhiên người Việt vẫn tiếp tục bị kỳ thị. Các bến tàu ở Seadrift không cho người Việt đậu bến. Các nhà buôn sỉ không mua tôm của người Việt. Những nhà buôn sỉ mà mua tôm của người Việt bị những người da trắng khác tẩy chay.

image
Chính quyền liên bang và giáo hội Công Giáo phải nhảy vào can thiệp.
Trước đấy, tại Louisiana người Việt đánh tôm cũng bị kỳ thị. Nhờ công đức của Tổng giám mục Philip Harman, hàng ngàn người Việt được yên ổn làm ăn. Đức Tổng giám mục phạt vạ tuyệt thông một người đầu sỏ kỳ thị tại Louisiana không cho người Việt đậu bến... Tinh thần trợ giúp của Đức Tổng giám mục Harman làm cho người da trắng phải chấp nhận người Việt. Và hoà bình đã vãn hồi để người Việt được định cư và làm ăn.
Khi đại diện bộ tư pháp Hoa Kỳ đến Seadrift thì biết là mâu thuẫn giữa người Việt và người da trắng là do thiếu người phiên dịch để tạo sự hiểu biết nhau. Giáo hội Công Giáo liền cung cấp một người thông dịch viên. Tòa giám mục sau đó cử một linh mục và một phụ tá đến Seadrift để hòa giải giữa người Việt và người da trắng. Tình hình tưởng như đã lắng dịu. Nhưng không…
Ngày 2 tháng 11 năm 1979, Nguyễn Văn Sáu được toà án tha bổng về tội giết người vì toà cho rằng hành vi giết người của ông là sự tự vệ chính đáng. Nguyễn Văn Chinh, em ông Sáu, cũng được tha bổng về tội tòng phạm. Cả hai sau đó rời khỏi Seadrift.
Sáu và Chinh đã ra đi. Nhưng kết thúc phiên toà xử Nguyễn Văn Sáu gây nên làn sóng bất mãn nơi người da trắng. Cuối tháng 11 năm 1979, tổ chức kỳ thị nổi tiếng của Mỹ là KKK nhảy vào vòng chiến và bắt đầu một cuộc chiến kỳ thị chủng tộc đầu tiên giữa người Việt tị nạn và tổ chức KKK.

Đối Phó với KKK
1_ KKK là viết tắt chữ Ku Klux Klan, là một tổ chức kỳ thị chủng tộc cực hữu bí mật của người Mỹ gốc da trắng được thành lập trong thời Chiến Tranh Nam Bắc (1860-1865). Theo giải thích của tự điển mạng, chữ Ku Klux trong tiếng Hy Lạp có nghĩa là vòng tròn, và chữ Klan có nghĩa là bộ tộc, ý nghĩa thông thường KKK có nghĩa là một tổ chức huynh đệ của người da trắng.
KKK chủ trương chủng tộc da trắng ưu việt và coi người da màu là thấp hèn. Khi Tổng Thống Lincoln tuyên bố giải phóng nô lệ sau cuộc chiến Nam Bắc, những người chủ trương nô lệ miền Nam Hoa Kỳ đã thành lập tổ chức KKK để bảo vệ dòng máu ưu việt của người da trắng. KKK chủ trương dùng bạo lực để hạn chế sự tiến thân của người da màu trong xã hội. Họ cho rằng Hoa Kỳ là một đất nước được Chúa Trời ban cho người da trắng và họ có nhiệm vụ bảo vệ đất nước nầy trước những làn sóng di cư của người Châu Phi và Châu Á.
Trong thời kỳ đấu tranh dân quyền của mục sư Martin Luther King ở thập niên 1960s, KKK đã tổ chức những lễ đốt thánh giá như là một dấu hiệu của sự tuyên chiến, và đánh bom vào nhà của các lãnh tụ dân quyền da đen. Một số lãnh tụ da đen, kể cả MS King, đã bị ám sát trong thời kỳ nầy. Hầu như những vụ ám sát nầy đều có bàn tay của KKK đứng đàng sau.
Từ năm 1871, KKK đã được chính quyền liên bang liệt danh sách các tổ chức khủng bố. Tuy nhiên họ vẫn tồn tại tại các tiểu bang miền Nam Hoa Kỳ. Sự phát triển của KKK cũng rất thăng trầm. Đầu Thế kỷ thứ 20 KKK có khoảng 6 triệu hội viên. Nhưng đến ngày hôm nay con số hội viên xuống còn khoảng 6000 trên toàn nưóc Mỹ.
image
Cách tổ chức của KKK là một hội kín như Thiên Địa Hội trong tiểu thuyết Kim Dung. Người đứng đầu là một Hội Chủ (Grand Dragon – Đại Long) và họ có những thuộc hạ tay chân đặc trách từng vùng, từng miền tương tự như những hương chủ hay đàn chủ của Thiên Địa Hội.
2_ Ngày 2 tháng 11 năm 1979, Nguyễn Văn Sáu và Nguyễn Văn Chính được toà tha bổng vì lý do giết người để tự vệ chính đáng. Sau đó cả Sáu và Chính đều dọn ra khỏi Seadrift.
Cuối tháng 11 năm 1979, tổ chức KKK nạp đơn với thành phố xin phép cho 600 người biểu tình chống người Việt tị nạn tại thành phố nhỏ bé nầy. Con số 600 hội viên KKK dự định tham gia biểu tình bằng 1/2 dân số của thành phố Seadrift. Hội đồng thành phố họp và ý kiến phản đối KKK được thành phố hoan nghinh. Kết quả là thành phố đã bác đơn xin biểu tình của KKK.

image
Sau đó, cha của Billy Joe Aplin, người bị Nguyễn Văn Chính bắn chết, tuyên bố là ông ta không mời KKK đến Seadrift. Tuy nhiên ông nói… “Tôi sẽ rất hãnh diện nếu họ vì chúng tôi mà đến để chận đứng làn sóng người Á Châu đến thành phố nầy.”
Những người da màu tại Seadrift, gồm người Việt và người Mễ, nghe sự xuất hiện của KKK bắt đầu cảm thấy tình hình sẽ trở nên nghiêm trọng hơn và bắt đầu di cư ra khỏi Seadrift.
Sau khi bị từ chối cuộc biểu tình tại Seadrift, KKK bắt đầu kế hoạch xâm nhập vùng biển Galveston
Sau 18 tháng KKK đã thiết lập được đường dây hoạt động tại đây. Tháng 2 năm 1981, nhân ngày lễ Valentine, KKK đã tổ chức buổi meeting tại thành phố Santa Fe, là một thành phố toàn người da trắng ở vùng Galveston với hơn 150 hội viên gồm đàn ông, đàn bà và trẻ em mặc đồng phục KKK với áo choàng trắng đội mũ vải có chóp. Thủ lĩnh KKK tại Texas, ông Louis Beam tuyên bố: “Thời điểm đã đến để chúng ta giành lại đất nước nầy cho người da trắng”. Ông nói tiếp: “Nếu chúng ta muốn, chúng ta sẽ giành lại đất nước nầy bằng phương cách các tổ phụ chúng ta đã làm: đó là máu máu và máu”.
Beam tuyên bố là sẽ cho chính phủ Hoa Kỳ 90 ngày để cưỡng chế người Việt không được đánh tôm ở vùng Vịnh Galveston. Nếu không KKK và những người đánh tôm da trắng sẽ tự thi hành việc cưỡng chế nầy. Beam nói tiếp là sẽ cho thành lập lực lượng dân quân được huấn luyện chiến đấu tại trại huấn luyện dân quân của KKK. Sau đó, Beam tự tay đốt một tàu đánh cá điển hình mà ông đặt tên là “USS Vietcong” và nói “đây là cách đốt tàu đánh cá đúng nhất”.

image
Những tuần lễ tiếp theo KKK bắt đầu rải truyền đơn kêu gọi chống người Việt đánh tôm ở vùng vịnh Galveston và bắt đầu giai đoạn khủng bố. Hiện tượng đốt thánh giá như là dấu hiệu khai chiến của KKK tại nhà người Việt trong khu vực xuất hiện khắp nơi. Hai tàu đánh cá của người Việt bị đốt tại thành phố Seabrook. Ngày 15 tháng 3 lực lượng dân quân KKK diễn hành trên tàu đánh cá với hình nộm người Việt bị treo cổ để cho mọi người được thấy.
“They Cannot Mess With Vietnamese…”

image
Khẩu hiệu của tiểu bang Texas là “Don’t Mess with Texas” như một lời khuyến cáo khách du lịch đừng lộn xộn với tiểu bang Texas vì hậu quả không lường được. Qua kinh nghiệm của người Việt đấu tranh chống KKK tại vùng Vịnh Galveston thì người Mỹ cũng có câu nói tương tự để nhắn với tổ chức KKK… Đừng lộn xộn với người Việt Nam.
Trong thời gian KKK bắt đầu gây sự và gây chiến thì cộng đồng người Việt cũng không ngồi yên. Khi một người đàn bà làm việc cho nhà hàng Mỹ nghe hội viên KKK bàn kế hoạch đánh bom tàu đánh cá của người Việt thì bà đã báo cho chồng, và chồng báo cho cộng đồng người Việt... Họ bắt đầu tổ chức vũ trang chống lại sự uy hiếp của KKK và cộng đồng đánh tôm người da trắng. Khi KKK bao vây một trailer park của người Việt thì người Việt đã chống trả quyết liệt.
Một thành viên của KKK từng tham chiến ở Việt Nam nói với lãnh đạo KKK rằng “Đừng lộn xộn với người Việt vì họ sẽ bắn và giết quý vị”. Và do đó, KKK bắt đầu rút lui.
Theo một giáo sư tại Texas nghiên cứu tình hình lúc bấy giờ, một người đánh tôm da trắng tham gia vụ đốt tàu của người Việt đã bị người Việt đó đến nhà đòi quyết tử với ông ta. Người đánh tôm da trắng đó cuối cùng phải dọn đi nơi khác vì sợ hãi.
Ông Khang Bùi, một cư dân tại vùng vịnh Galveston, nói với phóng viên báo chí rằng KKK đã không hiểu được người Việt là những người đã sống trong chiến tranh, họ biết dùng súng đạn để đối phó và bắn trả lại KKK. Ông ta nói tiếp… sau khi KKK nhận thức được việc dùng bạo lực để khủng bố tinh thần người Việt là vô ích, họ đã âm thầm ra đi và không còn người da trắng nào lộn xộn với người Việt.
Cuộc Chiến Pháp Lý

image
Tháng 4 năm 1981 Hội Ngư Phủ Người Việt cùng với Southern Poverty Law Center tại Montgomery Alabama nạp đơn kiện KKK vì cạnh tranh thương mãi không công bằng. Tháng 5 năm 1981 bà Gabrielle Kirk McDonald, vị quan tòa liên bang đầu tiên của người da đen quyết định thuận lợi cho người Việt Nam và ra lệnh cấm chỉ hoạt động của KKK tại vùng vịnh; và đóng cửa trung tâm huấn luyện dân quân và các tổ chức võ trang của họ.
Được đánh tôm với sự bảo vệ của chính quyền liên bang, người Việt dần dần ổn định và thành công. Từ những căn nhà trong khu trailer chật hẹp tối tăm, ngày nay người Việt dọn vào những biệt thự nguy nga đồ sộ. Người Việt làm chủ hầu hết các bến tàu tại Galveston; và tại Port Arthur, Texas ngày nay 95% ngư dân đánh tôm là người Việt.
 
image
Kinh nghiệm cuộc chiến chống kỳ thị tại vùng vịnh Galveston, Texas đã được làm thành phim Alamo Bay.
Ls Nguyễn Xuân Phước