Bình Thuận là tỉnh duyên hải cực nam Trung bộ, đầu miền Trung nếu tính từ Sài Gòn ra, vùng đất khô hạn hầu hết bán sơn địa, nhiều nắng nhiều gió, ít mưa ít nước ngọt. Đi đâu cũng gặp đụn cát, cây bụi thân nhỏ, trảng cỏ, đá mồ côi và cây xương rồng. Thuở nhỏ tôi ham bắt dế về đá, đầu mùa mưa nghe gà gáy là lén vén mùng mở cửa ra bãi nghĩa địa dốc căn kéo dài xuống chùa Ông Giao xóm Lò tỉn, rình nghe tiếng dế, rón rén tới nơi dỡ các “chướng ngại vật” ra để bắt, xui nhất là gặp các gia đình dế trốn trong các bụi gai xương rồng, đành đánh dấu rồi đi tìm chú khác hoặc ra về trước khi Ông Bà thức dậy. Nói Bình Thuận là nhắc cây xương rồng, dù rằng châu Mỹ vẫn được công nhận là xứ sở các loài xương rồng và dọc biển miền Trung từ Bình Thuận đến Thanh Hóa đâu đâu cũng thấy xương rồng trên các dãi cát bạc màu, nhưng xương rồng tượng trưng cho sức sống khát vọng và bản tính chịu đựng âm thầm của người dân bình Thuận. Giống như nói Bình Thuận bây giờ là nhắc đến cây Thanh long, hậu duệ loài Xương rồng cứu tinh cho biết bao gia đình người nông dân, dù đã nhiều nơi trồng được như Đồng Nai, Long An, Tiền Giang… và cả Thái Lan, Đài Loan, Trung Quốc cũng đã nhân giống tốt, nhưng vị ngọt đặc chắc của Rồng xanh Bình Thuận xem ra vẫn chưa có đối thủ.
Sách vở nói xương rồng ban đầu mọc nhiều ở các sa mạc khô cằn Trung Mỹ Bắc Mỹ, sau đó theo chim theo người, nhờ tính dễ thương chịu cực chịu khổ có mặt khắp nơi trên thế giới từ châu Đại dương đến châu Phi, nơi nào sa mạc đất đá khô cằn không cây nào sống nỗi thì xương rồng vẫn xanh nở hoa rực rỡ phơi phới quanh năm. Thật ra vẫn có một số loài xương rồng mọc trong các rừng rậm, thường là sống ký gửi trên thân cây gỗ mục. Thân xương rồng mọng nước mủ trắng đục hoặc trắng trong, hình trụ hình cầu hoặc dẹp, rễ chùm không có rễ cái, lá cuống ngắn bản dày thường biến đổi thành gai để “tồn tại” với cái nắng nóng bá cháy dễ làm cho cây bị mất nước qua lá, hoa thì đủ màu đỏ vàng xanh tím trắng có khi lốm đốm rất ngộ. Thống kê xương rồng trong tự nhiên có trên 2000 loài, nhưng Việt Nam chỉ có khoảng vài loài, xương rồng Bình Thuận thường là tai thỏ (vợt gai thuôn dài, tay cùi) và lưỡi long (vợt gai, bà có gai)…
Truyện kể có hai người yêu nhau, người con gái tặng cho chàng trai một cây xương rồng. Người con trai không hiểu, chờ hoài, đến khi người yêu đi lấy chồng. Sau này có dịp đến nhà người yêu cũ, gia đình trách móc và trao các cây xương rồng của người yêu trước khi sang ngang gửi lại. Té ra tiếng Tây Ban Nha, chữ xương rồng có nghĩa là …em đang chờ anh đến để đưa về. Có một lần nào đó, chàng trai nói dối biết tiếng Tây Ban Nha, cô nàng lại tưởng thật. Nói dối thật tai hại. Từ đó, xương rồng mang ý nghĩa chờ đợi và âm thầm chịu đựng, cũng hay.
Người xứ biển ưa trồng xương rồng làm hàng rào vì keo gai, tre gai, hoa giấy… hơi khó kiếm, xương rồng dễ trồng sống dai và nụ hoa đẹp, hơn nữa đề phòng chuyện gà vịt đi lạc sang nhà hàng xóm (Phan Thiết không bị mất chó). Lỡ bị gai xương rồng đâm trúng, đau buốt tim nhớ suốt đời giống chuyện ta hụt tình yêu. Mủ xương rồng đục trắng như sửa, nhỏ chơi trò bán cơm bán chè, sợ văng trúng mắt và đừng dại mà uống, có chất độc gây ảo giác hại thần kinh. Về tâm linh, xương rồng có cả tốt và xấu. Theo phong thủy, không nên trồng xương rồng trong nhà hoặc cơ quan, gai góc không cho nhiều vượng khí. Nhưng để đuổi ma quỹ trừ tà, treo một vài nhánh xương rồng trước nhà thì ma quỹ đi tuốt, nhà có đàn bà mới sinh con rất cần thông tin này.
Thật ra trên thế giới, nhiều loại xương rồng lấy nước uống được (như Barell Cactus, Quintia…). Xem kênh TV Discovery, chương trình làm sao sống được nơi hoang dã, thấy các loại xương rồng này. Nhiều nước đã khuyến khích nông dân trồng các giống xương rồng làm thức ăn cho gia súc hoặc lấy quả và rau xanh cho người. Việt Nam cũng đang nghiên cứu trồng xương rồng Nopal tại Ninh Thuận, sau đó nhân rộng ra cho Bình Thuận, nam Khánh Hòa. Loại xương rồng này tiếng Anh dịch ra là lê gai, có người gọi là xương rồng vợt, nhưng thật ra “hắn” cũng chính là xương rồng tai thỏ đã có 300 năm nay tại Bình Thuận. Nghe các nhà khoa học Việt Nam đương đại nói sơ sơ đã thấy sướng, chữa được các bệnh tiêu hóa, béo phì, tim mạch, ung thư (mấy đứa bạn chết sớm chưa biết được thông tin này, quá tiếc), tăng khả năng sinh lý cho nam, làm mỹ phẩm giữ cho mấy bà trẻ mãi không già… Thuở nhỏ, ở với Ông Nội chú làm thày thuốc Nam, biết được xương rồng rất có nhiều giá trị về đông y, như lợi tiểu thanh nhiệt giải độc, ho trĩ quai bị viêm loét ung nhọt, rắn cắn phỏng lửa… đều trị được hết. Nhiều giá trị tiềm tàng lắm, riêng tôi chỉ thích công dụng làm thức ăn cho đàn gia súc tội nghiệp sao cho có đủ miếng ăn qua ngày. Lúc này, thành phố Phan Thiết, bò đói thả rong đầy phố phường, quan chức phải thành lập một tổ bắt bò và một tổ giữ bò. Phan Rang thì cừu đói rụng lông ốm xơ xác như chó fox con, dê đực đói không còn thèm chặn đường dê cái. Bạn nào ở Mỹ đang làm cowboy, nhớ về Phan Thiết, quê hương đang vẩy gọi.
Tết đến, dùng trái xương rồng tai thỏ làm mứt hay rượu cũng hay. Nguyên liệu làm mứt chỉ cần trái xương rồng gần chín tới còn xanh, đường cát, nước cốt chanh. Nguyên liệu làm rượu thì cần trái chín đỏ, đường và men.
Ở Việt Nam lúc này, chơi xương rồng kiểng đang là mốt dù thú chơi này đã có lịch sử trên 50 năm, thay cho chơi chim chơi cá chơi lan chơi loài bò sát. Loại xương rồng gì thế giới có là ta có, móc câu- sao- chuối- sầu riêng- trứng chim- lobivia… có tiền mua là có, sướng thật. Chỉ lưu ý cho các bạn ham chơi món này, cẩn thận không được tưới nhiều sẽ bị úng rễ và rất cần chút nắng, chút phân.
Dù sao, tôi vẫn thích xương rồng made in Bình Thuận, vươn mình đứng thẳng trong nắng gió, đơn độc âm thầm nhưng vẫn nở hoa kết trái. Người Phan Thiết thường truyền miệng, thiếu địa linh nhân kiệt do bị hai Tà trấn hai đầu, Tà Dôn và Tà Cú. Tôi cho là chưa đúng hẳn, vẫn còn những bông hoa thanh khiết dịu dàng chớm nở trên các bụi gai xương rồng đơn độc nơi chốn quê hương xa thẳm.
Phạm Sanh, P3/B2 72PBC
(Tặng các Bạn 72 và hai bạn Minh- Thức)
No comments:
Post a Comment