Thursday, April 12, 2018
Đoạn Đường Lê Thánh Tôn - Sài gòn
Chúng ta cùng lang thang về đoạn đường Lê Thánh Tôn, một Sài Gòn xưa trước 1975 phồn thịnh, một Saigon nay của 2018 và một tương lai 2070 rất có thể sẽ trở thành thật – Xót xa buồn.
_______________________________________________
Những năm đầu thập niên 1970
Trên đoạn đường Lê Thánh Tôn, từ Trương Công Định (giờ là Trương Định) đến Thủ Khoa Huân, nếu đi chợ Bến Thành từ hướng đường họ Trương trở đi, tôi còn nhớ, nhà may Văn Cầm có khách hàng thuộc giới trung lưu từ 30 tuổi trở lên. Giới có tiền và sồn sồn loại này cũng hay may ở tiệm Văn Quân, cùng đường Lê Thánh Tôn nhưng đi quá Thủ Khoa Huân, gần tới Nguyễn Trung Trực. Giới trẻ không chuộng hai nhà may này mà thường tìm đến Đinh ở chợ Vườn Chuối hoặc Hai Ve ở Tân Định, xế bên kia đường nhà may Văn Cầm là nhà thuốc Võ Văn Vân do hậu duệ của ông là Võ Văn Ứng quản lý. Tam Tinh Hải Cẩu Bộ Thận Hoàn là một trong những loại thuốc bán chạy nhất do cụ Vân, một ngự y của triều đình Huế để lại. Nhờ thừa kế những loại thuốc gia truyền và có mạng lưới phân phối khắp miền Nam, ông Ứng dư dả tiền bạc để làm ông bầu và mạnh thường quân của nhiều đội đá banh Sài Gòn Gia Định.
Cửa hàng Nguyễn Văn Khương, bán nhiều hiệu máy may, máy vắt sổ nhập từ Đức, Ý, Nhật phục vụ cho những ai hành nghề may mặc. Chủ nhân Nguyễn Văn Khương là người miền Nam mập tròn, phúc hậu, nói năng rổn rảng; con của ông là Nguyễn Văn Nguyễn học trường Thầy Dòng cũng có tướng tá giống ông, du học Thụy Sĩ trước năm 75 rồi định cư luôn tại đó.
Cửa hàng bản doanh của dầu cù là Mac Phsu. Thời đó, khi nói tới dầu cù là thì người ta nghĩ ngay đến hiệu Mac Phsu, trị bá bệnh, giống như dầu Nhị Thiên Đường hoặc dầu khuynh diệp của Bác sĩ Tín. Cái logo của dầu cù là Mac Phsu là chân dung màu xanh nước biển một phụ nữ búi tóc, quấn xà rông nên không rõ bà này là Miên, Lào, hay Miến (bây giờ gọi là Myanmar) nhưng rõ ràng là dầu này bán rất chạy. Cửa hàng chỉ bán sĩ, lúc nào cũng bận rộn đóng thùng phân phối hàng đi khắp các tỉnh.
Cửa hàng bán thuốc quấn Cẩm Lệ, một đặc sản miền Trung do Bà Cửu Ơí sản xuất. Chủ nhân của cửa hàng này là ông Lê Văn Hiệp, một cựu tay hòm chìa khóa của “Cậu” Ngô Đình Cẩn. Ông Hiệp còn là chủ nhân khách sạn Embassy đường Nguyễn Trung Trực, thuộc loại 4 sao vào thời có nhiều người Mỹ, cạnh cửa hàng thuốc quấn Cẩm Lệ có một ngõ hẻm trong đó có nhiều gia đình làm chủ những sạp trong chợ Bến Thành, buôn bán xong về đến nhà chỉ cách mấy bước.
Trong ngõ này có gia đình ông Sơn, có bà chị tập kết trở về sau 75. Thời gian vui mừng đoàn tụ thì ít mà to tiếng cãi nhau thì nhiều. Bà chị nói ông em là tay sai Mỹ Ngụy, ông em nói theo kiểu diễn nôm là giải fóng kái kon kủ kẹt. Cũng may là bà chị không đưa ông em đi cải tạo vì bà này sau đó làm chủ tịch phường, trong ngõ còn có gia đình ông Farouk theo đạo Hồi, chồng gốc Pakistan vợ Việt. Sau 75, ông Farouk vẫn ở lại Việt Nam dù hợp lệ để lo giấy tờ đưa gia đình về bển. Sau vài năm thấy không khá, ông tìm đường vượt biên, vì thà làm thuyền nhân được Mỹ Pháp Úc cho định cư thì sướng hơn trở về bển. Giờ đây, ông có một tiệm tạp hóa trên đường Senter, thành phố San José, tiểu bang Cali.
Đi quá cái hẻm đó là đến tiệm vàng Nguyễn Thế Năng Nguyễn Thế Tài, trước cửa có con cọp bằng đất sét to chần dần. Những ai tiền bạc rủng rỉnh mà chưa bước chân vào tiệm vàng này thì coi như chưa phải dân chơi chính cống bà lang Trọc. Sau khi thành công với nghề vàng bạc, chủ nhân còn bung ra với nghề bông gòn, có nhà máy bên Gia Định sản xuất đủ loại bông băng. Hãng bông gòn Bạch Tuyết lúc đó dường như là hãng ăn trùm về sản xuất băng vệ sinh cho phụ nữ cho nên gia đình này đã giàu lại giàu thêm. Lúc đó, chàng đưa nàng đi chơi mà nàng nói hôm nay em đeo Bạch Tuyết thì chàng phải biết phải làm gì. Nhà máy Bạch Tuyết có một cái sân rộng trét xi-măng cho xe giao hàng đậu tạm nên vào lúc gần Tết, con cái trong gia đình, toàn dân chơi thứ thiệt, biến sân thành piste nhảy, tổ chức bal tiễn năm cũ, đón năm mới có đến mấy trăm mạng, toàn dân chơi Sài Gòn chọn lọc, quần là áo lượt, ngựa xe như nước, thức ăn chọn lọc, một dịp để biểu diễn nhảy những bước phăng-te-zi với những ban nhạc trẻ chơi đàn guitar điện hạng A như Les Vampires, Rocking Stars hoặc Spotlights.
Mở ngoặc. Cỡ như Khánh Ly lúc đó cũng chỉ đi nhảy ké. Ta hãy nghe ‘nàng’ kể: “Tôi hay bu theo đám bạn con trai. Đi nhảy đầm… ké, vì đôi khi những nhà giàu có, dân trường Tây tổ chức bal famille tại nhà hoặc ở cercle, làm sao chúng tôi được mời. Ấy thế mà cũng mò vào được cả đám. Băng chuyên nhảy biểu diễn của chúng tôi có thêm Khánh, vua BeBop ở Tây về, có biết thêm Nguyễn Thế Hùng, Nguyễn Thế Khanh tiệm vàng Nguyễn Thế Tài và mấy người con bên tiệm vàng Nguyễn Thế Năng. Nhảy đầm thời đó là nhảy biểu diễn, lấy hay lấy đẹp chứ không có chuyện lợi dụng nhau nên những cuộc nhảy với dân nhà giàu, chọn lọc thật vui.” Đóng ngoặc.
Cách tiệm vàng anh em Tài Năng chừng năm sáu căn là tiệm vàng Mỹ Lâm, cũng dân Bắc 54. Ông bà Mỹ Lâm có hai cô con gái rượu xinh xắn giữ chân bán hàng cho bố mẹ. Cô chị lúc ngưng bán thường hay mang găng tay trắng, lái xe Floride mui trần lượn phom phom trên đường phố Hòn Ngọc Viễn Đông, về sau, thành hôn với một trung úy bác sĩ mới ra trường, ôi thật là môn đăng hộ đối, theo tiêu chuẩn bấy giờ.
************************
Buổi sáng năm 2018
Từ một nơi cách Lê Thánh Tôn nửa vòng trái đất, tôi bỗng nhớ lại những căn nhà, những con người trên đoạn đường đó; đặc biệt chợt nhớ đến những người Chàm chẩn bệnh và bán thuốc Nam tại đó.
Họ khoảng độ chục người, da ngăm đen, nhìn cách ăn mặc là biết ngay. Nam cũng như nữ, mặc toàn trắng hoặc đen, quấn khăn trên đầu, nói giọng lớ lớ, mang đòn gánh một đầu có rổ thuốc đan bằng tre.
Họ chia nhau từng nhóm một hoặc hai người, ngồi bệt xuống trước một số các cửa hàng mà tôi còn nhớ ở trên, chào mời những người đi chợ Bến Thành.
Khách của họ đa số là phụ nữ hoặc các bà nội trợ xách giỏ đi chợ. Mỗi khi khách đồng ý, họ mời ngồi xuống để họ bắt mạch nơi cổ tay, đoán bệnh rồi lôi trong rổ thuốc ra những loại dược thảo, mỗi thứ một chút, cẩn thận gói vào giấy báo, trao cho khách và tính tiền.
Miền Nam gọi họ là người Chàm, miền Bắc gọi Chăm, có nơi còn gọi Hời, Chiêm.
Sau này tôi mới biết họ là những người còn sót lại của một quốc gia độc lập, phát triển, hùng mạnh và có văn hóa. Tính đến thế kỷ 15, quốc gia của người Chàm trải dài từ phần đất bây giờ là phía nam Hà Tĩnh cho đến phần đất bây giờ là Xuân Lộc.
Trải qua mấy thế kỷ, quốc gia của người Chàm từ từ được các ông vua của Việt Nam “giải phóng.” Cuộc giải phóng cũng không phải ngon cơm. Người Chàm khởi nghĩa mấy lần, lãnh tụ nổi tiếng của họ là Chế Bồng Nga từng lãnh đạo nhân dân rượt mấy ông tướng nhà Trần chạy có cờ.
Năm 1389, Chế Bồng Nga tử trận sau khi trúng đạn tại trận Hải Triều. Cái chết của ông khép lại một trang hùng sử trong lịch sử Chăm Pa. Ông được xem là vị vua vĩ đại cuối cùng của vương quốc Chăm Pa vì sau khi ông mất, nước Chăm không còn quật khởi như trước được nữa.
Giờ này, vết tích còn sót lại của người Chàm là những tháp gạch màu nâu xếp chồng lên nhau ở rải rác Nha Trang, Ninh Thuận, Phan Rang.
==>
Những năm đầu thập niên 2070
Trên một con đường lớn của Quảng Châu, và có thể là Thượng Hải hoặc Bắc Kinh; người ta thấy vài người đàn ông và phụ nữ mặc quần áo bà ba trắng, đội nón lá, đeo những túi đựng dược thảo.
Họ cũng nói giọng Quan Thoại lơ lớ, chèo kéo khách qua đường để mời ngồi xuống bắt mạch chữa bệnh. Hai món thuốc tủ của họ là hà thủ ô và xuyên tâm liên.
Một cậu học sinh Trung Quốc đi ngang qua tò mò dừng chân hỏi:
– Các vị dường như không phải gốc Hán?
– Cậu nói đúng.
– Xin cho hỏi các vị từ đâu tới?
– Ông bà cố chúng tôi đến từ phía Nam, vùng đất trước kia gọi là Cọng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
– À ra là như vậy. Thế thì các vị thuộc sắc tộc nào?
– Ông bà cố chúng tôi mỗi khi cầm phong bì đi khai mấy thứ giấy tờ có khẩu hiệu “Độc lập-Tự do-Hạnh phúc” thường khai sắc tộc chúng tôi là “Kinh.”
Xin hết
Tác giả : Châu Quang/Đàn Chim Việt
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
Nói đến con đường Lê Thánh Tôn...mà dưới thời Pháp cai trị thì gọi là Rue D'espagne...nơi tôi đã được sống trong hẻm số 4...từ 1941 - 45, khi gia đình có một cửa hàng bán giày dép..được buôn sỉ từ Hà nội mỗi chuyến cả Wa-gông...Ngày ấy sau chợ Bến Thành, nằm trên đường LLT là dãy hàng bán trái cây từ dưới Tỉnh đưa lên hay từ nước ngoài bay về...sau lưng dãy hàng này là một nhà vệ sinh công cộng rất đồ sộ...Nơi để khách vãng lai, để bà con thương nhân xử dụng...và chiều chiều tôi thường từ của hàng của mẹ, đến đó tắm hay vệ sinh...Sau 1945, chợ bến thành bị hoả thiêu, và con đường bên hông chợ, trước Tiệm vàng Nguyễn thế Tài, Nguyễn thế Năng...đươc chính quyền block lại, cho các thương nhân dựng lều buôn bán tạm, chờ ngày khôi phục chợ...
ReplyDelete