Chiều hắt vào mắt Cội những vệt lá màu vàng li ti, lăn tăn như vừa chao qua
hơi gió. Nhưng đó là màu vàng trong thế giới riêng của nó, thứ màu sắc hiếm hoi
hơn cả thứ ánh sáng thi thoảng vụt qua trong tâm tưởng nó. Hôm nay mẹ nhận được
thư Hạnh, mẹ cũng vui, hình như Hạnh lại bắt đầu một hành trình mới…Mẹ không nói
rõ, chỉ nghe thấy tiếng mẹ cười. Lạ lắm! Cười mà như khóc. Gió lăn tăn trong
mắt, hình như gió cũng đổi vàng.
Anh cả về, bước chân mài lên nền đường bê tông nghe chợn rợn làm những đợt
sóng vàng trong mắt Cội giật mình tan loãng. Cội co mình, dúi đầu vào đống rơm
sợ sệt, tai chạm đất, nghe những bước chân như con dao đang mài sắc trên hòn đá
xanh. Không! Cội sợ lắm, lúc này mẹ không có nhà, tiếng dao càng miết vào nền
đá.
Anh cả cúi gằm mặt, từng bước chân chúi từng mũi giầy xuống đất như muốn xới
tung tất cả những gì vướng bận. Đi qua đống rơm thấy Cội, anh nheo mắt đá nó
chúi đầu sâu vào đống rơm:
-Đáng đời mày. Trông như con chó ấy.
Cội khóc, nước mắt xác xơ như rơm, cọ vào nhau ran rát. Nó không thấy khó
thở, không buồn chui ra và ngóc đầu lên mặc dù nó biết ngẩng lên sẽ gần trời hơn
một chút, sẽ bình yên hơn một chút. Vết đá vào mông nhưng nhức, mẹ vẫn chưa về,
sương xuống lạnh như nước mắt phủ lên tấm thân còm nhom của nó. Với nó sẽ không
có đêm đâu, nhưng nó biết nếu mẹ không về thì thể nào trăng cũng đổ tràn qua vai
và vung vãi trên những cọng rơm sõng soài này mất.
Mẹ về, tai vẫn gần đất, tiếng bước chân mẹ nhẹ như lướt trên mây. Nhưng kìa,
chân mẹ đang run lên cầm cập, bùn đất cũng run lên bấu víu theo chân
mẹ.
-Cội ơi! Thằng Cội đâu rồi, sao lại để cửa cho gà vào rãi tung tóe
thế?
Cội giật mình. Thôi chết rồi, con gà hoa mơ hư lắm, thể nào nó cũng bới tung
bành mẹt rau lang chiều băm để tối mẹ về nấu lợn. Thể nào mẹ cũng mắng cho mà
xem. Nghĩ thế Cội run run rúc đầu sâu hơn vào cây rơm. Rơm hiền và ấm lắm. Lúc
buồn Cội thích chơi chốn tìm với trăng lắm lắm. Ngủ đi, trăng không tìm thấy
được đâu. Nghe nào! Ngoan lắm.
Mẹ hất tung tóe rơm vàng, lôi đầu Cội ra bằng được. Nó co người, lấy hai tay
yếu ớt giơ lên chẳng biết để chống đỡ cái gì. Bàn tay mẹ đang cào cấu, mẹ tức
giận, khi tức giận chắc là già đi nhiều lắm. Cội buồn! nó cứ luôn hỏi tại sao mẹ
không ôm nó vào lòng. Chắc các bà mẹ khác phải làm như thế chứ. Hay chỉ có trăng
là mẹ, mỗi có trăng rõ ràng là Cội thấy ấm lắm, trăng luồn vào từng kẽ tóc, nên
nó cười, cười để trăng chui vào bên trong bụng. Bụng cũng ấm lắm, ấm như thứ ánh
sáng hiếm hoi đã trôi qua đời nó…Trăng có âm thanh, thứ âm thanh du dương cũng
hiếm hoi đang ru Côi ngủ ngon lành, xoa dịu mỗi cơn đau khi ánh sáng trở về nửa
chừng rồi tắt phụt, đau đáu và âm ỉ…
Mưa! Có lẽ đã rất lâu rồi mới mưa, Cội mò ra mái hiên, hứng những giọt nước
mưa mát tròn, lan tỏa ra bàn tay lâu ngày đã không còn cảm giác. Cội nhớ Hạnh
lắm, đứa em gái hiền ngoan từ nhỏ, đứa em luôn đút cơm và bênh Cội mỗi khi bị
hai người anh bắt nạt. Hạnh nhanh thuộc thứ ngôn ngữ của Cội lắm và cũng chẳng
bao giờ mắng mỏ gì Cội hết. Thế mà Hạnh lại đi học xa, cả nhà sướng nhất cô út
vừa được ăn học vừa là con gái rượu. Cội nóng mặt thế này chắc là Hạnh sắp về
thăm nhà rồi đây, trên rừng đang mùa sim chín. Thế này có khi mai Cội phải nhờ
mấy thằng trẻ con hái hộ ít sim dành cho Hạnh, nó thích ăn nhất sim chín trâu
vừa tịm vừa thơm mồn. Cội co mình dưới mái hiên nghĩ về những ngày thơ nhỏ khi
bốn anh em rủ nhau lên đồi mùa sim chín rộ. Bao giờ hai anh trai cũng tranh
giành hết phần sim mà Hạnh hái cho Cội đúc trong túi áo ngực. Khi ấy Cội hay
khóc lắm, cứ hơi tí là chả biết làm gì ngoài ngồi bệt xuống ăn vạ, ăn vạ để được
Hạnh bênh vực nhưng từ lâu Cội đã không được làm thế rồi vì Hạnh đã đi xa, ở
trong nhà này sẽ chẳng còn ai bênh Cội nữa, kể cả mẹ.
Dạo này trong giấc mơ Cội hay được gặp bố lắm, bố bảo cả nhà bố thương Cội
nhất vì chỉ mình Cội phải gánh hết cái tội, cái nợ của dòng họ, gia đình. Rồi bố
khóc, bố bỏ đi luôn. Lần nào bố cũng về rất vội, không biết còn sống bố thế nào
vì nó mù loà, nó không được nhìn khuôn mặt bố. Đến lúc bố chết nó lê vào định sờ
mặt bố một lần thì bị anh cả gạt ra. Trong giấc mơ nó thấy bố thật hiền, bố gầy
lắm, đôi mắt vàng vọt và bộ quần áo thì rách bươm cả rồi. Đã mấy lần nó mon men
lại gần mẹ thủ thỉ “Mẹ mua quần áo đốt cho bố Cội đi, bố ở dưới đấy rét lắm. Mùa
này lạnh lắm, mẹ lạnh mẹ còn có bếp sưởi, bố Cội lạnh bố không có gì làm ấm
người đâu”. Nhưng lần nào mẹ cũng hất Cội ra, mẹ bảo: “Người sống tao còn không
lo nổi nữa là người chết. Chết thì hết, biết gì. Chỉ khổ thằng sống thôi”. Mà
đêm qua lạ lắm, bố về mà chỉ khóc thôi, Cội có ấm ớ hỏi thế nào bố cũng chỉ lắc
đầu. Mãi đến lúc sắp đi bố mới bảo “Chúng nó hỏng hết, bố thương Cội, thương mẹ
Cội rồi còn khổ nữa chứ chẳng như thế này đâu”, rồi bố lại đi. Từ đêm qua giấc
mơ ấy cứ ám vào Cội, phải suy nghĩ nhiều lắm, Cội thì khổ quen rồi. Nhưng
mà…Nhưng mà…
* * *
Hôm nay giỗ bố…
Khách khứa đến cũng đông, mẹ chỉ mời họ hàng thân thích hai bên mà đông thế
đấy. Mọi người đi qua chỗ Cội ngồi ai cũng hỏi han. Có những người hỏi Cội hiểu,
có nhiều người hỏi Cội chả hiểu làm sao được. Bên nội quý Cội nhất vẫn là thím
Sang, lần nào đến chơi thím cũng dúi cho Cội mấy cái bánh rán hay vài quả ổi.
Sáng nay thím bảo:
-Thằng Cội sắp lấy vợ được rồi.
Mẹ bảo:
-Ối giời! Cái của tội của nợ, mình còn thấy khổ, ai nó thèm rước về mà vợ với
con.
-Chị cứ nói thế chứ, thiên hạ thiếu gì người có hoàn cảnh. Người ta thương
mình người ta vẫn lấy.
-Cũng mong là được thế. Khổ! Được mấy đứa anh rõ là đẹp là tài. Thế mà ông
trời lại sinh ra nó.
Lần đầu tiên Cội thấy thật buồn cho thân phận của mình, chứ trước đây Cội yên
phận lắm, có mơ ước thật nhưng chưa bao giờ Cội trách than ông trời hay bố mẹ đã
sinh ra Cội tật nguyền như thế. Mẹ luôn luôn cáu gắt với Cội, mẹ bảo Cội làm
quẩn chân, làm việc gì cũng khó khăn. Cội vẫn thương mẹ. Mẹ bảo Cội làm mất mặt
mấy anh em trong nhà vì có dẫn bạn về cứ thấy một thằng em tật nguyền ngồi co ro
ở cửa, vướng mắt lắm. Cội vẫn thương mẹ. Lúc gần gũi nhất, mẹ khóc bảo: “ Sao
ngày xưa mày không chết quách ngay khi mới sinh ra đi. Sống làm gì cho khổ thế
này hả con, người không ra người, ngợm không ra ngợm”, Cội càng thương mẹ nhiều
hơn. Nhưng hôm nay Cội nhận ra mình là gánh nặng làm mẹ phải lo lắng, vất vả,
muộn phiền hơn. Mà hình như tàn tật như Cội thì sẽ không bao giờ được sống một
cuộc sống bình thường như bao nhiêu người khác. Cội cũng muốn được như hai anh
của mình. Mẹ luôn hãnh diện vì các anh trước làng xóm, trong các câu chuyện của
mẹ chẳng bao giờ thấy nhắc đến tên Cội cả. Nhưng Cội vẫn thương mẹ nhất
nhà.
Tối.
Mấy bác hàng xóm sang hỏi mua gà. Chẳng biết là gà non hay già, trống
hay mái, đẻ rồi hay chưa. Vì suốt cả buổi Cội tha thẩn ngồi chơi ở hè nghe mãi
vẫn chẳng thấy ai nhắc đến chuyện gà qué cả. Mẹ hôm nay rất vui, Cội nhận ra
điều đó.
-Chị Tạo ơi thằng cả nhà chị lương được bao nhiêu?
-Cũng cao thím ạ, hơn hai triệu một tháng. Mà cái thằng ấy ngoan lắm, lĩnh
lương về cũng biết đưa cho mẹ đấy. Chứ như con người ta, mẹ còn phải nói khản cả
cổ vẫn chẳng có ý kiến gì ấy chứ.
-Vâng. Thế là nhất chị rồi còn gì nữa, các con đều trưởng thành
rồi.
-Ừ! Từ khi anh nhà mất đi, một thân một mình nuôi con nhiều lúc cũng nản lắm,
nhưng may là được ba đứa nó ngoan ghê cơ, lại giỏi giang. Đấy, con Hạnh mà ra
trường thì lương lậu cũng khá, còn thằng thứ hai đang bảo sang năm lấy
vợ.
-Yêu ai mà lấy hả chị?
-Nào tôi có biết gì đâu, chỉ thấy nó bảo ông giám đốc quý lắm nên định gả con
gái cho. Thôi thì đấy cũng là cái phúc của nhà mình thím ạ.
Ra là thế. Nếu Cội không chịu khó lê la nghe lỏm thì chẳng bao giờ Cội biết
được những chuyện gia đình thế đâu vì có ai nói đâu mà biết. Té ra là anh hai
sắp lấy vợ, thế là nhà lại có thêm người. Cội chẳng biết nên buồn hay nên vui
nữa, chẳng biết chị dâu có thương, có chơi với Cội không nữa hay lại giống như
các anh hắt hủi Cội suốt ngày. Cội lại lê ra sân, hôm nay chắc là có trăng, Cội
thấy tay mình mát lắm, trăng tràn khắp cơ thể chỗ nào cũng mềm như nhung. Đêm
nay Cội có trăng làm bạn.
Anh hai về.
Anh bước đi vội vàng, mẹ đã đi làm từ sáng. Mẹ dặn Cội ngồi cơi ở cửa buồng
mẹ để trông nhà. Mẹ mới bán được đàn gà tiền còn cất trong chăn. Nghiện bây giờ
nhiều lắm, mẹ bảo không trông là mất ngay, mà mất thì trưa nay Cội phải nhịn
cơm. Nhịn thì Cội chả sợ đâu nhưng nếu mất tiền thì thương mẹ lắm. Thế nên từ
sáng cứ tha thẩn chơi một mình ở đây, thấy bọn trẻ con đùa nhau dưới đường vui
ghê mà không dám lân la.
Anh hai về không nói không rằng cứ lùng sục cái gì đấy khắp nhà trong nhà
ngoài, Cội thấy có tiếng động ghê quá mới ú ớ hỏi liền bị anh hai hất ra khỏi
cửa buồng : “Tránh ra. Đồ vô dụng”. Anh vào buồng một lúc rồi đi ngay, vội lắm.
Cội lại tha thẩn ngồi chơi vì mẹ dặn không phải tìm cách nấu cơm đâu, chỉ cần
trông tiền, cơm cháo mẹ về sẽ nấu.
Mẹ đi làm đồng về.
Việc đầu tiên là mẹ vứt cái quốc xuống nền sân, lần nào mẹ cũng thế nên đó là
tiếng động quen thuộc để phân biệt mẹ với những người khác. Mẹ chưa vào đến nhà
đã hỏi Cội:
-Từ sáng đến giờ mày không đi đâu đấy chứ?
Cội gật đầu, ậm ừ trong mồm. Cội thấy hôm nay mình đã hoàn thành xuất sắc
nhiệm vụ được giao, chắc là mẹ không mắng đâu. Cội có làm sai cái gì đâu mà mắng
chứ.
Mẹ đi vào buồng.
Mẹ thét lên rồi kêu giời kêu đất, mẹ giãy giụa dưới đất.
Cội sợ quá. Không hiểu chuyện gì.
Mẹ bị mất tiền, trưa đấy Cội bị phạt nhịn cơm, mà đúng ra là không ai nấu cơm
cả. Mẹ vẫn nằm khóc trong buồng.
Không! Cội không có lỗi, Cội vẫn trông nhà từ sáng, không bỏ đi đâu chơi cả.
Làm gì có ai vào nhà, Cội mù nhưng trời phú cho người mù đôi tai thính lắm. Cội
nhớ ra rồi, không có ai lạ vào nhà cả chỉ có anh hai thôi. Nhưng nói ra mẹ không
tin, mẹ đánh Cội bằng roi. Đau lắm. Nhưng Cội thương mẹ nhiều hơn.
-Mày không trông nhà để kẻ trộm vào lấy mất tiền lại còn đổ cho anh mày. Đồ
hư đốn! Đã không làm được việc gì ra hồn lại còn dám bêu rếu, vu oan cho anh
nữa. Đồ hư đốn. Tao cấm mày được nói thế, người ta không biết, người ta lại cười
vào mặt mẹ mày không biết dạy con. Mày đã không ra gì đừng làm anh mày khổ
lây.
Cội biết rồi. Mẹ chỉ cần nói thế thôi Cội cũng biết thân biết phận. Cội có
nghi cho anh hai đâu. Đấy là Cội thấy thế nào thì bảo thế.
Cội là cái nợ cái tội của cái gia đình này, của đời mẹ Cội.
* * *
Anh cả đã mấy tuần rồi không về. Mà công ty thì ngay trên huyện, mấy anh xóm
bên vẫn đi đi về về mỗi ngày nhưng anh cả không thích thế. Mẹ có nói thế nào
cũng không được, mẹ nói nhiều quá có lần anh quát ầm lên:
-Về cái nhà này làm gì, khổ như chó ấy. Về mà nhìn nhau à.
Lần gần đây nhất anh về sắm ba lô quần áo. Mẹ hỏi:
-Con định đi đâu?
-Đi đâu thì liên quan gì mà hỏi?
-Con ở nhà với mẹ, nhà cửa có, việc gì mà đi đâu. Con người ta còn mong được
làm gần nhà mà về đằng này mày làm gần thì cứ chuồi đi là sao.
Anh cả không nói gì cứ nhất quyết đi, mẹ lôi lại, anh hất ra làm mẹ ngã xuống
sân ngay cạnh chỗ mà Cội đang nghịch linh tinh.
Cội thương mẹ quá, Cội đứng dậy giơ quả đấm ra trước mặt. Cội định đánh anh
cả đấy, nhưng anh đã xô Cội ngã dúi ngã dụi xuống sân. Từ đấy Cội ghét anh cả
lắm. Mà anh cũng chẳng về nhà. Cội biết mẹ mong chờ từng ngày nhưng Cội thì Cội
mong anh đừng bao giờ về nữa.
Sáng. Trưa. Chiều. Tối.
Hàng xóm sang chơi. Sang mua bán. Ghé ngang qua. Ai cũng hỏi:
-Thằng cả đâu mà lâu rồi chả nhìn thấy mặt mũi nó là sao?
Mẹ trả lời những câu giống hệt nhau:
-Khổ thân thằng bé, công việc bận quá nên phải ở lại cơ quan ít khi về lắm ạ.
Có về thăm mẹ thì chỉ về một chốc buổi tối. Lúc ấy có khi các bác cũng ngon giấc
rồi.
Nếu ai đó còn vặn vẹo thêm:
-Thế sao thằng Đông con bà Thìn cũng làm ở chỗ đấy mà ngày nào cũng về qua
nhà đấy thôi. Hay là thằng cả nhà mình nó lại tụ tập đâu rồi. Thanh niên bây giờ
ghê lắm, không cẩn thận có ngày mất con như chơi đấy.
Mẹ sẽ tỏ vẻ khó chịu:
-Con nhà người ta khác, con nhà mình khác. Thấy nó bảo là cơ quan giao cho
công việc làm thêm ngoài giờ nên phải ở lại, chứ chúng nó chỉ lo làm ăn chứ còn
thời gian đâu mà tụ tập hả chị.
Chỉ mình Cội biết là mẹ đang rất hoang mang.
Đêm.
Mẹ khóc. Đấy là thứ âm thanh buồn bã nhất trong đời Cội. Trăng hôm nay chốn
rồi, mọi thứ cứ nóng ran lên khắp cơ thể. Cội muốn bò lại ôm lấy mẹ nhưng chỉ sợ
Cội lại làm mẹ thất vọng, chán nản thêm cuộc đời này.
Lần đầu tiên Cội biết ước ao thực sự. Ước được lành lặn như mấy anh em khác
trong nhà: Biết nói, biết cười tròn vành rõ tiếng. Có một đôi chân lành lặn muốn
đi thẳng được thẳng, rẽ ngang được ngang, mà ngay cả nằm bò cũng ra nằm bò chứ
không như Cội. Ước có một đôi mắt có thể nhìn thấy trăng.
Ước tất cả mọi thứ để khỏi là nỗi buồn của mẹ.
* * *
Sáng. Một ngày mùa màng đã xong xuôi. Mẹ lặng lẽ đi ra đi vào, thở dài thườn
thượt. Cội thấy nóng ran khắp người. Ngoài kia trời đang có gió.
Bác đưa thư gọi ồi ồi ngoài cổng:
-Nhà chị Lợi ơi ra mà lấy thư con gái này.
Mẹ đã bóc thư hay chưa mà cứ im lặng mãi. Cội không hỏi nhưng mẹ
bảo:
-Con Hạnh viết thư về xin tiền. Sao tháng này nó xin nhiều thế.
Cội mới ngẩn người ra nhớ Hạnh. Hôm nọ giỗ bố em Hạnh cũng không về, cũng gần
một năm rồi đấy.
Trưa. Cội tha thẩn chơi một mình dưới gốc khế, nơi mà ngày xưa Cội và em Hạnh
hay chôn các con vật xấu xố chết lúc còn nhỏ dưới này. Mỗi một cái mộ được đánh
dấu bằng một hòn gạch. Trưa nay Cội thấy ở đâu ra mà nhiều chó mèo lắm, cả lũ gà
con nữa. Chúng kêu inh ỏi lắm, chẳng biết mẹ có nghe thấy không nữa. Cội thì
không sờ thấy chúng chỉ thấy chúng kêu quanh quẩn mà thôi. Cội thấy nóng mặt
bừng bừng. Hay là các con vật hiện về, Cội không tin vào những điều nhảm nhí đâu
nhưng sao hôm nay kì lạ lắm…
Có người lạ đến nhà. Người ta bảo mẹ lên mà bảo lãnh cho anh cả và anh hai.
Cội chỉ nghe được có thế thôi. Mẹ ngất lên ngất xuống, Cội gọi ầm ĩ khắp mọi
người nhưng ai hỏi mẹ cũng chỉ bảo: “Tại tôi làm ngoài đồng lúc nắng nhất nên
chắc bị cảm thôi”.
Cội biết mẹ nói đúng một điều rằng hôm nay là ngày nắng nhất. Mặc dù ngoài
trời không có một hạt nắng nào gay gắt cả.
Tối.
Cội phải tự lê la mò mẫm nấu cơm. Rơm dễ bén quá làm bỏng cả ngón tay út. Cội
khóc, lâu lắm rồi lại khóc nhưng phải nín ngay vì sợ mẹ nhìn thấy. Mẹ buồn
phiền.
Cội năn nỉ thế nào mẹ cũng không chịu ăn cơm.
Mẹ thắp hương khắp nhà thì phải, Cội thấy mùi hương ám xung quanh người. Dù
Cội sợ mùi hương nhất trên đời nhưng không dám cản mẹ đâu. Mùi hương làm Cội
hoang mang lắm.
Mẹ khấn: “Ông ơi, thế là sướng nhất ông trên đời, đẻ con rồi chết đi
không phải chịu trách nhiệm gì về cuộc đời của chúng. Ông bỏ tôi lại một mình mà
gánh chịu bao cái tội nợ của cuộc đời. Các con ông hư hết cả rồi, ông về mà cứu
chúng nó cho tôi. Người sống không bảo được đâu, người chết như ông có khi còn
được việc. Chúng nó có mệnh hệ gì tôi làm sao mà sống nhìn bà con hàng
xóm…”
Cội ngồi một mình một góc lẩm bẩm: “Con không cha. Con không cha”
Câu này Cội học ở bọn trẻ trâu.
Đêm.
Mẹ không ngủ trong buồng như mọi bận. Mẹ mò xuống bếp nơi Cội nằm. Mẹ
bảo:
-Tối nay mẹ ngủ với con.
Cội hỏi:
-Các anh hư hả mẹ?
-Không. Các anh con vẫn ngoan. Ai hỏi cái gì con cứ bảo không biết. Đừng vạch
áo cho người xem lưng con ạ.
Cội gật đầu, rúc sâu vào ngực mẹ.
Chỉ có Cội là bé nhỏ thôi. Cội là con của mẹ, đứa con tật nguyền nhưng thương
mẹ nhất. Ước gì Cội có thể làm trăng, trăng lúc nào cũng mềm như nhung, trăng
không bao giờ làm cho người ta đau. Trăng là ân huệ.
Mẹ rúc vào ngực Cội khóc. Nước mắt của mẹ cũng tật nguyền như trăng. Trăng
tật nguyền như Cội vậy.
Vũ Thị Huyền Trang
No comments:
Post a Comment