Tuesday, December 8, 2015

Tản mạn về phong thủy



Có khi nào các Bạn tò mò tìm hiểu về phong thủy, một nghệ thuật nối kết giữa con người và thiên nhiên  đã xuất hiện cách đây khoảng 5000 năm, có nguồn gốc từ thời Trung Hoa cổ đại. Nhiều tác giả nghiên cứu Trung Quốc cho rằng đây là tác phẩm của người Hoa Hạ, nhưng mới đây cũng có nhiều tác giả người Việt lại cho là của Bách Việt, dẩn bằng chứng ghi lại trên các trống đồng thời các vua Hùng, và nghe nói ngay cả Lão tử cũng là người phương Nam. Xưa quá, lịch sử lại cắt khúc phức tạp nên cũng khó khẳng định, nhưng ứng dụng phong thủy vào đời sống hàng ngày thì nhiều người trên thế giới càng lúc càng say mê, trong đó chắc chắn có mấy bạn 72 PBC của mình.
Từ xa xưa, con người đã quan niệm thế giới là một hệ thống, trong đó bất cứ cái gì cũng có tương tác với cái khác. Tương tác giữa Trời, Đất và Con người trong không gian-thời gian là một ví dụ. Quan điểm này đã hình thành nên thế giới quan vũ trụ ngay cả cho đến khi được thay thế bằng những luận cứ khoa học. Đây là cơ sở cho ngôn ngữ tâm linh, thậm chí mê tín, đã được lắp đặt sẳn trong bộ não mỗi con người. Thời Trung Hoa cổ đại, trả lời cho câu hỏi bản thể học, cái gì đã tạo nên vũ trụ, được giải đáp bằng mối tương tác phức tạp về vũ trụ và vài nguồn gốc xuất xứ. Vô cực sinh thái cực, thái cực sinh ra lưỡng nghi, lưỡng nghi sinh ra tứ tượng, tứ tượng sinh ra bát quái, bát quái sinh vô lượng…(Kinh dịch). Hay Đạo sinh ra một, một sinh ra hai, hai sinh ra ba, ba sinh ra vạn vật (Lão Tử).

Nghiên cứu về phong thủy, có khá nhiều trường phái, thường có ba trường phái chính. Phong thủy cơ bản, dựa vào Trời, nói về thiên văn. Phong thủy hình thể (phong thủy địa hình), dựa vào Đất, nói về địa lý. Phong thủy la bàn, dựa vào Người, nói về siêu hình học. Mở rộng ra phong thủy hình thể là các phái Loan Đầu, Hình Tượng, Hình Pháp… chủ yếu luận về long mạch, lăng tẩm, huyệt mộ (Âm trạch). Hay tích hợp phong thủy cơ bản và phong thủy la bàn thành các trường phái lý khí (bát trạch, mệnh lý, tam hợp, phiên quái, tinh túc, huyền không…) dựa chủ yếu vào lý thuyết âm dương ngũ hành, bát quái, hà đồ, lạc thư, để tìm sự tương tác giữa các nhân tố, từ đó luận đoán sự tốt xấu hiện tại và tương lai, thường lý khí áp dụng trong tướng số, chửa bệnh, xây dựng thành phố làng mạc, chùa chiền, nhà ở (dương trạch ). Mới đây còn có cả phong thủy hiện đại, luận về môi trường, nội thất, cảnh quan, bố trí văn phòng, cả quản lý nhân sự. Các phái phong thủy có rất nhiều nhưng tụ trung đều quay quanh một lý thuyết hợp nhất, lấy Kinh Dịch làm căn bản.
Kinh Dịch là một hệ thống tư tưởng triết học kinh điển của người Á Đông cổ đại, dựa trên cơ sở của các quy luật bất biến cân bằng thông qua tương tác và biến đổi. Vì biến dịch cho nên có sự sống, vì bất dịch cho nên có trật tự của sự sống, vì giản dịch nên con người có thể kết hợp mọi biến động sai biệt thành những quy luật để tổ chức đời sống xã hội.
Kinh Dịch được cho là có nguồn gốc từ huyền thoại vua Phục Hy gặp con Long Mã tại sông Giang tử, Phục Hy là một trong Tam Hoàng của Trung Hoa thời thượng cổ (khoảng 2852-2738 TCN), được cho là người sáng tạo ra bát quái. Dưới triều vua Vũ nhà Hạ, bát quái đã phát triển thành quẻ, có tất cả sáu mươi tư quẻ, hay Tiên Thiên Bát Quái. Vào thời kỳ cuối của nhà Thương, trong khi bị giam cầm, vua Văn Vương nhà Chuđã nghiên cứu phát triển tiếp và Hậu Thiên Bát Quái ra đời. Trong thời kỳ Xuân Thu (khoảng 722-481 TCN), Khổng Tử đã viết Chu Dịch để giải thích Kinh Dịch, câu nói bất hủ "Nếu trời để cho ta sống thêm mươi năm nữa thì ta sẽ đọc thông Kinh Dịch…”, chứng tỏ ý nghĩa các quẻ Kinh Dịch quá thâm thúy khó hiểu. Những năm 1970 các nhà khảo cổ học Trung Quốc phát hiện các ngôi mộ cổ còn gần như nguyên vẹn từ thời nhà Hán vào khoảng thế kỷ 2 TCN ở Mã Vương Đôi tỉnh Hồ Nam. Một trong các ngôi mộ chứa bản Kinh Dịch gần như còn nguyên vẹn . Cũng nhờ các phát hiện này, người ta mới thấy câu nói Khổng Tử là đúng, các suy nghĩ của Ông chỉ mang tính diễn dịch nhưng không chính xác theo kinh dịch !!! Lại vô ngã vô định...

Giữa Phật giáo và kinh dịch phong thủy cũng có điểm tương đồng và bất đồng. Phât Giáo không phủ nhận song cũng không khẳng định, vì kinh dịch phong thủy tuy có nguyên lý nhất định, nhưng không phải là chân lý tuyệt đối. Phong thủy chỉ là thấy được cái trước mắt chứ không thấy cái lâu dài, tăng sân si. Chẳng hạn, ở ngôi nhà hợp phong thủy nhưng không biết tích đức, không biết làm điều thiện mà trái lại làm những điều xấu xa độc ác, thì không thể nào có may mắn trong cuộc sống. Thật ra, nhiều tài liệu phong thủy cũng nói rõ, nhất số mệnh (bao gồm cả phúc đức), nhì thời vận và ba mới là phong thủy. Phong thủy chỉ hổ trợ cho cuộc sống tốt hơn chứ không quyết định tất cả.
Tại Việt Nam, sự có mặt phong thủy trên các lĩnh vực đời sống có từ thời dựng nước vua Hùng đến các triều vua nhà Nguyễn, từ việc chọn đất chọn hướng xây dựng kinh thành lăng tẩm đến ăn uống ngủ nghê học hành đi lại, đặc biệt các kỳ thi thời xưa đều có nội dung về phong thủy. Tuy nhiên, tài liệu và tác giả nghiên cứu kinh dịch hoặc áp dụng phong thủy khá hiếm, chỉ đếm được trên đầu ngón tay như Trạng Trình, Phan Bội Châu, Phạm Quỳnh, Ngô Tất Tố, Nguyễn Hiến Lê.
Phong thủy thì nhiều chuyện lắm, nói hoài không hết, chỉ bày cho mấy bạn một công cụ nghiền ngẩm cho vui, đó là con số và nhóm số của đời mình. Mỗi người chúng ta, tùy nam nữ năm sinh sẽ có một con số từ 1 đến 9, ví dụ nam sinh năm (1951, 1952, 1953, 1954, 1955) sẽ có các con số tương ứng (4,3,2,1,9). nữ sinh năm (1951, 1952, 1953, 1954, 1955) sẽ có các con số tương ứng (2,3,4,5,6). Nhóm số hướng đông sẽ là (1, 3, 4, 9), tương tự nhóm số hướng tây sẽ là (2, 5, 6, 7, 8). Các hướng phù hợp…
Số
Tiền của
Sức khỏe
Tình yêu
Học thức
1
2
3
4
5 Nữ
5 Nam
6
7
8
9
ĐN
ĐB
N
B
TN
ĐB
T
TB
TN
Đ
Đ
T
B
N
TB
T
ĐB
TN
TB
ĐN
N
TB
ĐN
Đ
T
TB
TN
ĐB
T
B
B
TN
Đ
ĐN
ĐB
TN
TB
T
ĐB
N

Về màu sắc, hình dáng, cây cỏ, công việc…, mấy bạn kết hợp thêm ngũ hành. Ví dụ mạng hỏa, cố gắng cái gì cũng đỏ và nhọn (hơi dữ dằn một chút, nhất là mấy bà hỏa).


Làm nghề xây dựng, không biết phong thủy là một tai nạn lớn trong khi tiếp xúc nói chuyện với chủ nhà. Nhưng ngẩm nghĩ lại, phong thủy không có gì là trái khoa học. Phong thủy nói về khí, khí tốt phải giữ lại tràn ngập thông thoáng các phòng, khí xấu phải cho đi nhanh, làm cửa chính thông thống với cửa sau hết tiền bệnh tật là chắc, làm toilet mà quên thông gió thì nghèo đói suốt đời, làm phòng ngũ vợ chồng mà có cây đà (dầm) vắt ngang qua giường thì nên ly dị sớm… Phong thủy nói về nước, nước phải chảy và tụ lại, hay nhất là nên có bể cá trong nhà, đặt tại những nơi góc khuất gió xoáy. Sau này khi nghiên cứu về thủy lực, khí động học, dòng xe tham gia giao thông, xây dựng nhà cửa cầu đường, quy hoạch đô thị…, tôi đều suy nghĩ về triết lý phong thủy. Thậm chí các lý thuyết chuyển động hỗn loạn Chaos, phương pháp quản lý chất lượng theo 5 S (Kaizen) của người Nhật, luyện tập khí công, tôi nghĩ cũng có cái gì đó ứng dụng kinh dịch và phong thủy.

Thế giới đang bàn về thay đổi khí hậu toàn cầu, Việt Nam đang nói về thời tiết cực đoan, thành phố lớn nào cũng nghẹt xe ngập nước. Ai cũng nói tự nhiên, môi trường sinh thái đang bị con người tàn phá nghiêm trọng. Phải chăng quan hệ cân bằng “Trời- Đất- Người” mà triết lý kinh dịch phong thủy luôn nhắc tới đang bị phá vỡ, do lòng tham và tôi lại nghĩ đến vô ngã vô định nghiệp chướng của nhà Phật. Mấy bạn 72, nếu trục trặc chuyện tình tiền… gì đó, mail hỏi PS, sẽ không tính công, vì chắc đúng đâu mà lấy tiền phải trả lại cho mệt.

Phạm Sanh,   P3/B2/72PBC

Sunday, October 25, 2015

Nhớ về khối Pháp Văn P3 / Phạm Sanh PBC72

Lớp học phía sau và dãy nhà đậu xe bên kia đường là 
Trường Bán Công Phan Thiết
Nhỏ lớn tôi chưa hề viết một từ kể truyện, nay vào được trang web hội ngộ của bạn bè góc phố Phan Bội Châu 72 Phan Thiết. Tôi ngồi xem cả đêm, nhạc có, thơ văn có, hình ảnh có, từng người bạn, có cả danh sách người đã mất cũng như các bạn bè còn sống, từng câu chuyện hiện lại đứt quãng trong trí nhớ của mình. Tự nhiên muốn viết một cái gì…
Tôi mạng thủy, hạp với nước, sinh ra lớn lên ở Phan Thiết, nhà Nội gần biển và nhà Ngoại gần sông, lớn lên vào Sài Gòn học cái ngành gắn liền với nước, đuối nước suốt đời. Tuổi thơ không gì dữ dội, trốn học bắt bướm vườn bông, tắm sông Động Làng Thiềng, bắt dế bắn dông ở Đầm, lặn hụp mò tôm câu cá. Hoàn cảnh Ba Má thường xuyên xa nhà, may mà có mấy Cậu Mợ Dì Dượng bên Ngoại nuôi dạy, quát mắng cả ngày lẫn đêm mới học xong tiểu học tại trường Đức Thắng. Mà sao tôi có duyên với “lịch sử” trường Phan Bội Châu, đọc trang Hội ngộ PBC mới thấy mình toàn được học tại các điểm trường PBC, trường Đức Thắng, trường Tiến Đức và trường Phan Bội Châu, chỗ nào tôi cũng đã từng dùng vật nhọn lén khắc họ tên mình vào vách, nhiều khi viết vẽ bậy bạ loạn xạ lên bàn, giờ chắc mất dấu hết rồi. Năm 1965, thi đậu được vào đệ thất Phan Bội Châu  là một kỹ niệm không bao giờ quên, ngày có kết quả tôi vẫn nghĩ mình rớt, đi ngang cầu sắt “câu giờ” đứng xem ông già Trần Nam Hương neo chiếc thuyền con câu cá, hôm đó chắc cá cũng đi xem kết quả và tôi lại phải buổn bả lếch thếch lên trường. Đến nơi, loa nhà trường đọc kết quả đã gần xong, vẫn không nghe tên mình, hết sức “bình thường” ráng chờ đến tên cuối cùng về đi câu biển. Thấy một chú lớn tuổi đang ghi chép, tôi đánh tiếng cầu âu mượn xem danh sách, thấy tên mình tôi hơi hoảng, hỏi nhanh phải đây là mấy đứa thi rớt không, chú ấy cười không thèm trả lời vì hỏi hơi ngu. Tôi chạy vội về rạp Ánh Sáng xem xi nê, lúc về nhà Dì Hai, lò bánh căn Má tôi mồ hôi ướt đẩm ngồi cạy đãi cả nhà ăn mừng đã sắp tắt lửa. Kỳ thi đó, cả nhà, ba anh chị em đều đậu, tôi và anh S. vào P3, chị TS vào P1. Ngày nhập học, nhớ lại bạn HVS (đã mất?) thi đậu vào hạng hai, dẩn một nhóm bạn A3 thì phải, qua xem mặt PS là thằng nào. Tuổi thơ bắt đầu dữ dội khi xuất hiện mấy bà bạn của chị tôi. Khi xem lại hình ở trang Hội ngộ PBC, thú thật, tôi không nhớ mặt những người bạn gái “một thời để nhớ”, chắc do tuổi già mắt yếu và lớn tuổi ai cũng đẹp lão, nhưng họ tên và kỹ niệm thì không bao giờ quên (cái này tôi dám hứa cho tới khi chết). Năm đệ thất, nhớ học pháp văn thày Kỳ, thày vừa luôn miệng mắng câu tục ngữ tiếng Pháp vừa luôn nhắc khen bạn GH. Mà sao các Thày Cô ai cũng để lại các tình cảm khó quên. Cô BTH, luôn yêu cầu bạn Mão hát vọng cổ bài Võ Đông Sơ Bạch Thu Hà, cô UBT vợ thày Bình hôm ốm nghén ở nhà làm cả lớp lo lắng kéo đến thăm tưởng cô lâm bệnh nặng, cô ĐTN dạy vạn vật đỏ mặt khi một bạn hỏi về hiện tượng Pavlov của con trai, thày Tuyết mời cả lớp đứng dậy để tìm ai dám kêu to tên thày ngoài đường rồi… bỏ chạy (chắc NPTH hay TTP gì đó), thày Chung (ba của LBQ) giận bạn BTN không cho lãnh thưởng cuối năm vì dám nói lái chữ Tâm Giao thành TD, rồi các Thày giám thị già ai cũng có chuyện để nhớ, thày Trác, thày Công, thày Mưu (ba của NXL), thày Chung (ba của TVB)... Lớp P3 không con gái nên học ngu và phá phách không có gì lạ. May nhờ chị TS làm cầu nối, lớp con trai P3 bắt đầu suy nghĩ mông lung, thầm thương trộm nhớ qua những cuộc đi picnic tại Thương Chánh Đồi Dương, Mủi Né Đá ông Địa, Đá dựng Hàm Tân… Lúc đó còn thơ ngây, chỉ đờn hát ngêu ngao, lén lút chụp vài bức ảnh, nghịch ngợm trêu chọc quậy phá, đêm về nghĩ ngợi lung tung, chuyện tình con nít bao giờ cũng dễ thương. Nói về biển Thương Chánh, nhớ MQ nhỏ nhắn…, nói tắm biển TC, lại nhớ chuyện GH mất dép, nhớ GH lại nhớ HB, rồi D. “Yamaha”, rồi Th…, nhiều cái tên liên tưởng, không biết ai còn nhớ hay ai đã quên. Nhắc biển lại miên man nhớ về ĐH (chị VH), hồi đó mình, HNL, NVT và nhiều bạn khác thấy thương cho bạn già HTQ mỗi khi xuống nước. Năm Mậu Thân cũng nhiều kỹ niệm, người lớn đánh nhau, con nít nghĩ học, mà nghĩ đến hai đợt để xem máy bay tàu chiến đạn nổ ỳ ầm. Các bạn ở phía bắc sông phải chạy qua nam sông, nhiều bạn tản cư ở nhà mình như NXL, ĐKQ…, ngày ngày ra bờ sông xem bắn nhau và xác người, riêng gia đình HNL “may mắn” ở nhờ gia đình Ba Mẹ MQ. Trở lại liên lớp 72 PBC khối Pháp văn thời đệ nhất cấp, theo thời gian cũng hao mòn nhiều, có bạn theo gia đình ba mẹ phải rời trường như MQ về Sài Gòn để tóc gió thôi bay, ND về Nha Trang hát bài Biển nhớ…, một số bạn trai vì “tuổi tác” phải xa bạn bè như VTN, HNH, TVP, LVM, DVS, NVT…, lại có bạn lớn tuổi phải bỏ lớp lấy vợ như TDP, sau này gặp lại đã lên chức ông cố. Thương nhất là đang học nhưng vẫn bị lạc đạn chết do chiến tranh, như bạn T. ở Đầm Vĩnh Thủy, bạn PCL ở đường lên Bệnh viện (còn tiếp)…

Tái bút: Buồn ngũ và hồi hộp quá, chắc mấy bạn góc phố PBC72 chờ vài ngày nữa nhớ thêm sẽ viết tiếp, chỉ mới mở đầu của chương mở đầu, chưa kịp nói gì bạn bè bên khối Anh văn, các lớp đệ nhị cấp, quý Thày Cô và đủ thứ chuyện về PBC PT.

Phạm Sanh, P3/B2

Viết cho các bạn PBC72 / Sài gòn mùa lội nước



 Trường PBC dãy phía sau nhớ về Đệ Tứ......
Sài Gòn đang vào mùa lội nước, í a í ới suốt ngày, định không viết nữa nhưng rồi thấy TPS kể chuyện thăm Hòn, lại nhớ bạn bè, nhớ lời hứa, cả đời lận đận cả trong các cuộc tình lỡ tôi đều chết vì “quân tử nhất ngôn”, không biết nghĩ sao viết tiếp.
Trước khi vào chuyện đệ nhị cấp, thành thật xin lỗi các bà bạn của chị tôi (sau này tôi sẽ viết tắt là các bà chị), do lúng ta lúng túng có rất nhiều người tôi chưa kịp kể hết, như ĐTB, VTM, KH, HL, BT, HX, KL, KH (Pháp)… Mong các bà chị lẫn các ông anh như TVH, PVM, K. trâu, NXT… tha thứ, biết đâu sau này sẽ có người khác tha thứ  bù trừ, cứ tin là như vậy.
Năm lên đệ tam, các lớp đệ tứ được sắp xếp lại phù hợp với quy luật tự nhiên trời đất, hễ có ra phải có vào. Các bạn ra vì nhiều lý do, nhưng nhiều nhất là các bạn trai tuổi hơi già phải xếp bút nghiên xa trường lên đường ra Đồng Đế, học xong đệ tứ nên thường ngồi bàn giấy hoặc vào binh chủng không quân “lau máy bay” như HNH, VTN, BTN,…. Các bạn trai tuổi mém thì phải vào Sài Gòn mua học bạ giả nhảy lớp như CNS, DVS, VKT, NVT, LVT… Riêng các bạn vào thì nhiều môn phái lắm, các bạn cao thủ nhất nhì lớp của Bồ Đề, Tiến Đức, Chánh Tâm, Bán công như NVT, NNH, BVS, BTD, TTL, TM…, hoặc các bạn phải vào PBC vì không còn trường tại chỗ để học không muốn cũng không được, gồm các trường Thạch Long Mủi Né, Lương Sơn,  Sông Mao, Hàm Tân, Phan Rí… như PĐ,TNT, ĐVĐ, LHĐ, VTT, NT…, cả có bạn chuyển từ thành Gia Định về như ông cụ TPS, ngây ngô nhưng áo quần giày tây chểm chệ. Năm này các lớp tứ P1, P2 và P3 cũng nhập lại thành lớp tam B2 cho những ai làm biếng học vạn vật nhưng cứ nghĩ mình giỏi toán, thành ra hội tụ khá nhiều cao thủ võ lâm, giang hồ kỳ hiệp nhiều (như NMĐ, HVT…), lục lâm thảo khấu như D. cọt, X. tóc đỏ, H. béo… cũng không phải là hiếm. 

Hàng trên ghe từ trái qua Hứa Thi Nghi (Chicago USA) và Lê Thị Hồng BA (VN)
Hàng dưới ghe từ trái qua Lê Thị Lộc và Nguyễn Kiều Thu Hương 
Năm đệ tam quá nhiều kỹ niệm, không cuộc chia ly nào là không buồn, nhưng khi có cuộc tình mới người ta lại vui hơn, tôi nói hơi phủ phàng nhưng thực tế vẫn là chân lý. Lớp B2 lại có thêm ba bạn D, L và TM không phải là con trai, thế mới khổ cho Ban giám hiệu giám thị Thày Tùng Thày Vũ và các Thày Cô nhị cấp, các bạn tôi không lo học cũng chẳng lo mơ mộng, chỉ thích phá phách mấy tà áo dài trắng suốt ngày. Ba bạn gái ngồi chung bàn đầu, mỗi lúc ra chơi khép nép cắm đầu xem sách vở hoặc thì thầm to nhỏ gì đó, các bạn D. cọt, H. đen (đã chết)… không tha khều guốc dép đem dấu ngoài hiên, có lúc bạn “vàng” BVS cũng là nạn nhân. Nhớ nhất, có lần ai đó lén cột vạt áo dài bạn L. với bạn khác, khi đứng lên bị vướng rách cả áo dài, tỉ tê tức giận khóc đỏ cả mặt, đám con trai cười tàn nhẫn dù chắc là không thấy ai lộ hàng gì hết. Có thể vì chuyện này, các năm sau ba bạn gái của tam B2 chạy mất cả dép để khỏi tốn tiền khâu áo. Nhắc D. cọt, H. đen, chợt nhớ chuyện nhân quả, ghét của nào trời trao của đó. Như LVS, D. cọt chuyên chọc ghẹo TPS, sau này lại là em rễ của hắn, H. đen chuyên chọc BVS thì lại trở thành ông anh vợ nghiêm chỉnh, rồi S. khùng lại  làm em rễ TVH, H. móm làm em rễ anh Ngọ… Thửa nhỏ tôi kỵ nhất là tán em của bạn hoặc chọc bạn của em, nên không may mắn như mấy bạn mình, thú thật sau này cũng phạm sai lầm cơ bản nhưng hơi tự ái khó kể ra cho mấy bạn. Bền vững hạnh phúc nhất là các cặp đôi khóa 72 như T-M (A), P-AT, Đ-XL, S-H, T-T..., love story cảm động nhất là căp Đ-XL, rồi tới T-T, P-AT,  các cặp còn lại hơi bất ngờ phút 89. Cùng đồng môn lấy nhau cũng hay hay, không dấu diếm được các mối tình lụn vụn vắt vai, lại còn sung sướng khi nhắc tới bạn bè xưa có người gần bên chỉnh sửa nhắc dùm.
Lớp đệ nhị, năm bắt đầu thi cử, chuyện lính tráng thay cho chuyện trai tráng. Đi đâu cũng nghe rớt tú tài anh đi trung sỹ, ra khỏi cổng trường là thấy thiếu úy Thọ. Có thoáng mộng mơ cũng chỉ láng giềng gần như lén nhìn các bạn gái B3, manh động lắm cũng chỉ dám xô đẩy chọc phá, chửi tên cha mẹ. Nói năm thi cử, lại nhớ về các Thày Cô đệ nhị cấp. Suốt cuộc đời đi học đi dạy cả Tây lẫn Ta, tôi vẫn “bái phục” mang ơn không bao giờ quên. Toán có các Thày Bình, Thày Diên, Thày Thịnh, Thày Hiển. Lý hóa có các Thày Hinh, Thày Lực. Vạn vật có Thày Ân. Triết học có Thày Tùng. Pháp văn có Cô Toàn… Mỗi Người Thày Cô đều để lại cho khối lớp 72 PBC quá nhiều tình cảm, ký ức và cả gói hành trang nho nhỏ vào đời. Khóa 72 thi tú tài một, nhiều ưu nhiều bình, ít rớt, có cả GH tối ưu cũng là nhờ công sức các Thày Cô. Sau 1975, ai cũng khổ đủ kiểu. Bây giờ, có người ra đi, có người đi xa, có người sắp…, khi nhìn hình một số Thày Cô qua trang hội ngộ PBC, không khỏi bâng khuâng chạnh lòng và muốn nhìn mãi. Nghĩ nhiều về Thày Hoàng Xuân Diên, khi nhớ lại đề thi toán tú tài 1 ban B năm đó cho bài hình học tam diện hơi khó chịu. Bài thi Lý Hóa thì nhớ các buổi học tủ “ta ta, mi mi” tại nhà Thày Ân (bây giờ chỗ đó là trường Dục Thanh, mới linh thiêng dữ). Xong tú tài 1, lại tiếp tục chia ly, đứa về Sài Gòn người theo quân ngũ. Cho tôi gửi nén hương đến NVM, con Thày N., em chị L. chị T.

Lớp đệ nhất 12B2, ai cũng thấy lớn nhất trường, áo quần kỹ càng hơn, không còn rách áo sứt nút thậm chí tét cả đáy quần như chuyện tai nạn nghề nghiệp của ông già HTQ. Một số bạn đã biết thập thò làm thơ đàn ca tán gái, cũng chỉ dám tán các đàn em lớp dưới, nổi tiếng có chuyện TTP tán nữ sĩ MN. Sau này cũng có bạn lập gia đình với các “em” lớp dưới như HVT…, nhưng chắc hoạt động bí mật, lớp không biết. Lên lớp 12, người đã lớn, thích ngồi uống cà phê Đào Viên, nghe nhạc Phạm Duy, Trịnh Công Sơn, cả Ngô Thụy Miên, Vũ Thành An, Từ Công Phụng, nói chung là nhạc buồn và mơ mộng xen lẫn tính thất tình. Em tan trường về thì khó theo nhưng rình canh giờ đi học lại dễ dàng hơn, các bạn gái liên lớp 12 ở đường ĐK, GL, CT, HTLÔ… qua đường NH đều có người hồi hộp xem giờ, có người ăn phở CV chờ “nàng” theo bước kẻ trước người sau. Các bạn gái khối 72 PBC nếu cần biết có ai theo đuôi cho vui tuổi xế chiều, nhớ liên lạc, không công khai được do hơi tế nhị và nhạy cảm. Vào trường, chỉ còn phá phách đám bạn gái 12B3, mỗi khi ngang qua hành lang B2 là đi như ma đuổi. Lớp 12B3 hiền lắm, chắc nhờ có con gái nhiều người hiền đẹp học giỏi như HL, KH, Th, T…, có hôm mấy bạn D, H của B2 phá phách leo cửa sổ trộm hoa B3 cắm cho thày Tùng làm một bạn trai ra mặt lạnh qua lấy về, vui thật. Năm 12, lớp B2 gặp mấy Thày quá giỏi quá đã. Như Thày Hiển từ Vũng Tàu về dạy toán toàn dịch từ sách toán của Pháp, vào Sài Gòn thi Sư phạm đệ nhị cấp ngành toán trúng tủ 1 bài Thày đã cho lớp làm. Thày Lực, anh của CM, dạy lý hóa quá hay, điểm thi Lý Hóa tú tài 2 năm đó tôi may mắn được 19, 75 nhất nước, sau này khi dạy đại học tôi vẫn theo cách diễn đạt trình bày của Thày. Rồi Thày Tùng dạy triết, sách Vĩnh Để học thuộc làu, đứa nào thi cũng cao điểm. Kết quả thi tú tài 2, thi đại học của lớp 12B2 đã nói lên công lao của các Thày Cô. Năm 2001, lúc ở Lyon, Thày Tùng có mail nhắn sẽ qua Pháp du lịch, tôi chờ, hủy chuyến thăm Làng Mai Thầy Nhất Hạnh, nhưng không gặp được Thày Tùng và Cô Lệ, áy náy cả hơn chục năm nay.
Lớp 12 quá nhiều kỹ niệm, năm đó rớt đi lính là chắc, đứa nào cũng sợ. Các bạn thường học chung. Như  tôi, HNL, HTQ chơi thân một nhóm (NMĐ đã vào SG học), rồi PĐ lại học với HNL vì gần nhà, NVT lại học với NNH… Riêng Má của D. cọt gửi  xuống ở nhà tôi để cùng học thi chung, nhớ nhất có một đêm tôi tìm D. ôn bài, tìm hoài không ra sợ gần chết, sau phát hiện D. trốn dưới gầm bàn ngũ mê vì quá mệt mỏi buồn ngũ, tôi vẫn nhớ hoài ánh mắt hối lỗi của D. cọt bấy giờ. Năm đó, D. rớt lần 1, phải nhập ngũ, tôi vẫn nghĩ chưa ra. Mùa hè đỏ lửa năm 1972 cũng nhiều chuyện nhức đầu, đang học chuẩn bị thi tú tài lại nghe tin đi lính. Mơ mộng tương lai, chuyện tình cảm mới chớm, tin vui học hành nhằm giảm bớt nhọc nhằn Ba Mẹ, chắc là bay mất. Mấy đứa bạn trai sinh năm 1953 đều hoang mang, ngồi cà phê nghe Khánh Ly Thái Thanh nhiều hơn, có đứa nghĩ đường Thủ Đức Đà Lạt, tôi thì được Ba Mẹ chuẩn bị con đường đi học làm Cha cố tận La Mã (gia đình tôi đạo Phật mới là kỳ lạ). Cả lớp học hành nhếch nhác, chỉ tập trung các môn chính, bỏ các môn phụ như Sinh ngữ, Sử Địa…, may nghe thông báo được thi tú tài, học nước rút và vẫn đậu ngon ơ. Lớp 12B2 thi tú tài 2 đậu vượt sức tưởng tượng, chắc nhờ bị hăm dọa đi lính nhiều quá, cả kết quả thi đại học sau này, đậu hơn nửa lớp, đậu nhiều nhất trường và nhiều nhất vào Phú Thọ. Hay không bằng hên…
Lại hết ý và buồn ngũ nữa rồi, hy vọng tôi sẽ viết tiếp cho đến khi nào mất dấu trang hội ngộ PBC hoặc mấy bà bạn nói “bí mật” không được tiết lộ nữa.

Phạm Sanh P3/B2

Bốn Người Bạn


Sáng 23/9 theo lệnh MQ, họp mặt bạn bè tại quán cà phê De la Poste gần nhà thờ Đức Bà, có đứa trên 40 năm mới gặp, già hơn mập hơn, nhưng vẫn đùa giởn như xưa. Tối về nhớ ai ngũ không được, lại mở trang hội ngộ PBC, xem hết chuyện này đến chuyện khác, gặp chuyện 3 người bạn có nhắc về người cậu vừa mất ở Mỹ của mình, đọc đi đọc lại không chán, xem hình có cậu Chính cậu Chà… Tự nhiên lại muốn viết về chuyện 4 người bạn. Chuyện bắt đầu từ đệ tam, sau những cuộc chia tay và hội ngộ quần hùng đệ  tứ. Nhưng nói trước, chuyện kể này hơi buồn, chỉ dành cho các Bạn đang không được vui, xem cho buồn ngũ thì tốt hơn.
Bốn người đếm cho ngắn chứ bạn bè năm châu nếu kể cả luôn vợ chồng bồ bịch phải hơn bốn trăm, chưa kể mấy đứa mất dạng biền biệt như NVT, CNS, VKT, PVM, TDP, TPP, TNL…, dài lắm nhớ không hết. Bốn thằng gồm MĐ, TQ, NL, đương nhiên phải có tôi, nếu không ngu gì kể lễ. Thân nhau 3 đứa từ đệ thất thì có TQ và NL, đến đệ tam thì có thêm MĐ, và cũng đến đệ nhất thì MĐ vào Sài Gòn học, sau đó đi du học nước ngoài không biết nay về đâu, hy vọng còn sống vì không nghe ai nói đã chết, vái đừng tàng tàng như NDHD, học kỹ sư xong ngồi nhà mò ô chử Sudoku. Bốn đứa thân nhau, thân đến nỗi nhớ tên nhớ chuyện ông bà cha mẹ (cả mẹ kế) anh chị em từng đứa, sát sao nhất là tình cảnh mấy đứa em gái, luôn châm chọc cho bạn giận để vui là chính. Được quan tâm nhiều nhất là HH, em TQ, học sau một lớp, hiền nhút nhát chỉ cười ít dám nói tiếng Việt, sợ trật. Các năm thi nhóm bạn thân thường kéo nhau về nhà học chung, nhiều khi ngũ chung. Má TQ nấu cơm cho ăn để học, lần đầu tiên biết ăn cơm gia đình người “Tàu” phải tự bới tự gắp. Mẹ NL thì nấu khoai nấu bắp, cũng ăn để mà học. Mẹ MĐ thì mỳ quãng, bánh canh…, cũng nhắc ăn nhiều để học giỏi. Chán thật, sao lúc nào cũng ăn, cũng học. Giờ, ba bà mẹ đã đi xa, HNL cũng đã theo mẹ, TQ và MĐ không theo mẹ ruột mà theo mẹ mấy đứa nhỏ thật xa ở xứ người, tôi vẫn ngày tháng ê a bắt mấy ông bà nội sinh viên thế hệ HCM ráng học để mà ra trường có ăn.
Nói chuyện ăn học là tôi lại ngán tới cổ. Nhà nội Xóm Câu Đức Long, xứ biển nghèo thích ăn hơn học. Nếu không nhờ bên Ngoại Đức Thắng Phú Trinh có ăn lẫn học, chắc tôi bây giờ nếu không là chủ ghe lưới cào cũng là tài công tàu gỗ đánh bắt cá ngừ đại dương xa bờ ở tận Trường Sa hoặc câu cá mập tận xứ Philippin. Tiểu học ở với bên Ngoại. Nhờ ở với cậu Tám mới biết cậu Chính cậu Chà, nhờ ở với cậu Vân mới biết Thày Tùng từ nhỏ. Các bạn của 2 cậu, cứ gặp nhau ở nhà đường Duy tân là nhảy đầm, uống rượu Tây, đánh bài, bàn chuyện tán gái. Tôi chỉ loáng thoáng nghe lóm chuyện người lớn vì không hiểu tiếng Tây và còn phải canh cửa, chạy đi mua bài mua rượu mua thức ăn cho mấy cậu. Ở với Cậu Dì từ nhỏ, tôi bắt đầu nghe chuyện ăn học, nhập tâm từ từ. Sau này nói ăn học là tôi luôn nhắc mấy đứa em phải mang ơn nhà Ngoại. Không có nhà Ngoại chắc tôi không thấy được trường Phan Bội Châu, nói chi có cả đám bạn trai thanh nữ tú (lúc còn nhỏ).
HNL rất hiền, ba làm công chức Ty Công chánh, mẹ L. vợ công chức thời trước 75 chỉ lo nội trợ. Nhà HNL đông con không thua gì nhà tôi, anh em đều vào PBC, có cả HNH cùng học khóa 72, lớp P2 chị TS thì phải. Chơi thân, HNL. có nói dòng dõi gia đình gốc quan lại ngoài Huế, chỉ có ba của L. theo nghề trắc địa qua tận Kampuchia gặp được mẹ L., tôi nghĩ thầm hèn chi anh em đều được “ăn học” và hiền. Nhớ câu chuyện L. kể về tính thanh liêm của ông già, có lần nhà thầu giả vờ gửi lại dưới gầm bàn một gói tiền lớn, ông cụ xin phép trả lại không lấy. Sau này ra đời mỗi khi ai làm tương tự điều này với tôi, tôi nhớ đến ông già L. và cũng từ chối không nhận, tin hay không là tùy mấy bạn. HNL có ông ngoại trước sống ở K. , cáp duồng chạy về VN, hàng ngày ông đi lang thang, thu lượm giấy vụn đem về nhà, không phải để dành bán ve chai, mà đốt sạch vì cho rằng không nên để chữ nghĩa Ông Bà lăn lóc dơ dáy ngoài đường, cũng là chuyện ăn học. Vào Sài Gòn, HNL, HTQ, VTT học chung trường Nông Lâm Súc với Minh (A), ở chung nhà trọ chợ Nanchy (có cả NT, sau này đổi sang họ Mai…). Mỗi lần xuống thăm chơi là thấy mấy bạn ôm cour thực vật sinh vật gì đó dày cui toàn chữ La tinh ngoằn nghèo, uống cà phê vợt lén nói xấu M., lúc này nổi nhất trường NLS, mấy lớp đàn anh theo cả bầy đàn. Thỉnh thoảng các bạn rủ tôi lên thăm trường NLS, giới thiệu “lầu xanh”, ăn chè rồi về lại SG, rảnh thật. Sau 75, HNL chuyển qua BK học Thủy lợi chịu trễ 1 năm, HTQ, NTM vẫn còn tử thủ NLS.
Những ngày trước khi HTQ ra đi, nhóm bạn thân cũng rất buồn. Học xong, không được phân công nhiệm sở. Bà con, gia đình đi hết chỉ còn người cha từ lâu không còn sống chung ở lại BMT thì làm sao Q. ở lại, tình bạn không đủ sức giữ bạn tôi trong những ngày Sài Gòn vô cùng hỗn loạn. Những lúc theo Q. lên nhà quen mượn vàng để nộp, những lúc ngồi cà phê tại nhà vợ L., những lúc nằm ngũ chung tại ký túc xá Bách khoa, tôi có cảm giác Q. có cái gì muốn nói nhưng không thể nói. Ân hận mãi, ngày Q. cùng gia đình ra đi, tôi không có mặt tại bờ biển PT, hình như chỉ có L., có T…
Chuyện HNL ra đi cũng vậy. Mấy chục năm không nghe L. nói về căn bệnh ung thư. Đang đi dạy Cần Thơ, nghe điện thoại TVH, ngở ngàng nhưng như vậy là xong rồi. Về SG, lại nghe TVH gọi điện nhắc khẩn hơn, vội điện thông báo cho các bạn bè đồng nghiệp ngoài PT vào thăm, dặn dò đừng cho L. biết. Vào bệnh viện thăm, trúng ngay phòng một người thân trước đó đã nằm và đã mất, thấy lành lạnh. Những ngày còn lại nằm ở nhà, L. khá tỉnh, vợ L. cũng khá tỉnh, tôi thăm L. cũng tạo ra vẽ khá tỉnh, khuyên Lộc nếu khỏe lên ông Thày ở chợ Long Hoa Tây Ninh lấy thuốc Nam uống để an tâm hơn. Ra khỏi nhà L. là nước mắt cứ muốn trào, giờ phút sinh tử biệt ly sắp đến nhưng bạn tôi dường như chưa biết. Vài hôm sau, đang ở VT, L. điện thoại hỏi lại địa chỉ ông Thày, nói tôi gặp L. để bàn giao hồ sơ sổ sách tiền bạc Công ty mấy đứa làm ăn chung. Tôi nghẹn nhưng giả vờ nói mày còn khỏe không chết, bàn giao làm gì. Thật ra tôi dối, để bạn mình không nghĩ rằng sắp chết, mong rằng ơn cao Trời Phật cứu độ kéo dài mạng sống bạn thân nhất của mình càng lâu càng tốt. Nhưng bạn tôi vẫn chết sau đó vài ngày. Hôm đám tang L., bạn bè PBC đủ nhất, BK thì vắng nhiều, thôi kệ ai cũng có công việc riêng và lý do của mình. Tôi lên nghĩa trang Đa Phước sớm, ra ngay chỗ L. sẽ nằm, nhìn mộ người, nhìn trời mây, nhìn 2 lô đất mua sẳn của vợ chồng L. mà tôi khóc. Hôm đó có cả X. vào đưa đám, hỏi anh có nhớ em không, tôi cười nhẹ nhìn hình L. như cũng đang cười, muốn nhắn tôi nhớ bí mật đừng cho vợ L. biết. Ba tháng sau, Ba tôi mất. Về tang Ba, lại nghe H. đen, H. béo cũng vừa mất sau L.
Bạn bè 72 PBC đến lúc chia tay nhiều, tôi chỉ trách đường xa sao đi vội…
Phạm Sanh, P3/B2

Câu Cá Biển Phan Thiết



Những khi Sài Gòn Hà Nội mưa ngập, người ta kể chuyện xăn quần bắt cá rô phi cả rỗ, thấy hơi tự ái,  viết bài về câu tôm câu cá gửi mấy bạn 72PBC đọc cho vui.
Phan Thiết câu tôm cũng được mà câu cá thì cũng hay. Nhỏ, lên đập Phú Hội, các búng ven sông Cà Ty, sông Phú Long, sông Lũy, hoặc suốt Cát…, ngồi lùm tre câu tôm càng xanh nước ngọt. Mồi câu tôm chỉ cần đào trùn, phải là trùn sửa hoặc trùn đỏ bắt về cho vào đất cát trắng vài ngày. Lưởi câu mua dây đờn vọng cổ số 4 hay số 5, về mài nhọn dùng kềm uốn. Cần câu thì cần trúc là tốt nhất, vừa dẽo dai vừa cây nhà lá vườn. Những lúc mưa lớn lũ trên nguồn về, câu được toàn tôm ông cụ, đôi càng rong rêu gai xanh bóng ưởng dài gần nửa thước, mỗi ngày đi câu chục ký tôm là bình thường. Mùa mưa Bình Thuận, trời đất âm u mịt mù, lạnh cóng co ro, tôm ăn mồi lia lịa, tham ăn nhất là các cô tôm bụng ôm đầy trứng. Làm biếng đi xa, có thể câu, đâm hoặc mò… tại bờ kè vườn bông lớn château d’eau cũng có tôm càng, nhưng phải canh con nước chè hai, tôm bị cay mắt núp vào hốc đá chỉ ăn mồi vào ban đêm. Câu tôm càng tại bờ kè vườn bông, thường câu được cả cá hanh choán, hồng chấm. Tôm càng xanh câu về, nướng số một, sốt ram số hai, rồi mới đến hấp, kho rim mặn nước dừa để dành ăn cơm nóng.


Sông Cà Ty những năm trước 70, có rất nhiều cá. Bên Trưng Trắc là vớ kéo, bên Trưng Nhị  ngồi câu trên kè, trên cầu dẩn hoặc trên be tàu hàng đậu dọc kè. Câu cá phải tùy mùa, tùy con nước, Ông Bà vẫn nói “chim chết vì ná, cá chết vì nước”. Mùa hè gió nồm chỉ có cá nhỏ nằm vùng như cá đục, cá bóng, cá dồ, cá căn, hồng chấm, có cả cá sơn, cá nóc. Nhưng mùa bấc thì hanh lở, hồng, mú, chẻm lá vào các rạng đá hoặc các hốc khung cầu gảy nằm dưới cầu sắt qua sông Cà Ty, để ăn cá đối ăn tôm ăn hào. Mùa này, người lớn dùng cần bạc mồi tôm sống còn búng đành đạch rình cá lớn, con nít lấy lon quấn cước mồi tôm chết xắt nhỏ ngâm muối cho cứng, giựt lia lịa cá nâu cá rìa. Các loại cá mắt to mình dẹp da nâu lốm đốm này, bị mang vây cá xóc vào tay nhức lắm đau không chịu nỗi nhưng câu được đem về chiên giòn, um, luộc cuốn bánh tráng nước mắm me hoặc nấu canh chua thì hết xẩy, quên đau nhức. Xưa ở quê nhà, nhiều người nói ăn cá rìa, trị nhức mỏi tốt lắm.


Nhưng câu sông lại không hấp dẩn bằng câu biển, đêm vắng trăng thanh nhìn sóng biển trắng xóa chạy thẳng vào bờ, chờ đúng giờ cá ăn nhớ đến bóng hình ai ở chốn xa xăm nào đó, không sao diển tả được tâm trạng mòn mỏi chờ thời lẫn chờ đợi của mấy ông câu.


Câu biển, trước hết nói về câu cá đục. Lúc tôi học tiểu học, cứ ra cửa biển Cồn Chà, cởi áo cởi cả quần (dài) lội ra lạch, mồi thì có sẳn cồi sò, lúc cá ăn nhiều, phải gở cá ngậm vào họng cho kịp. Nhưng cá đục cửa sông thường không lớn, lại hơi “đen”, dân câu xịn phải đi dọc biển để câu đục nanh vàng ửng trắng buốt. Suốt từ Kê Gà, Tiến Thành, Phú Hài, đá ông Địa đến Hòn Rơm, những chỗ đáy biển cát mịn có ít đá, trong ao ngoài cồn, gió mạnh đẩy thủy triều lên, chắc chắn có cá đục nanh ăn mồi. Mồi câu bằng chang chang (khác chang chép) hoặc trùn biển là hết ý, đục nanh thường nuốt nguyên mồi câu vô ruột, đứt cước tuột lưỡi câu dài dài. Có lần ra Hòn Rơm, khi thủy triều lên cá đục nanh còn lên bờ nằm ngóc đầu chờ cơn sóng tràn lên rút xuống kéo theo thức ăn, thấy bóng người lạ mới ùa chạy xuống nước. Nay chắc không còn cảnh thần tiên này, Tây Ta tắm nhiều quá, nhìn cũng đủ chết ngộp. Cá đục câu về, nấu canh chua, kho tiêu, nướng cuốn bánh tráng…, nghe đồn miệng đây là loại cá hiền cho mấy bà sau khi sinh nở, ăn vào khỏe mạnh lại ngay.


Câu cá hanh biển cũng khá thú vị. Giống cá đục, cá hanh có dọc biển Phan Thiết, nhưng thường ở chỗ rặng đá lởm chởm có nhiều hàu. Câu bằng mồi tôm tít, trùn biển, cua lột, cá trích, kẹt lắm tôm chết, sò huyết cũng được, thường ăn khi con nước xuống lúc hoàng hôn sóng bạc đầu. Từ cửa biển Phú Hài lên đá Ông Địa có rất nhiều hanh tráp, kéo rất sướng tay. Thịt cá hanh dai mắc tiền, nấu cháo hoặc chiên um đều ngon. Mùa cá hanh cũng là mùa cá dồ, có điều câu cá dồ rất dễ, mồi sao cũng được (người ta nói ăn như cá dồ) càng không được tươi càng tốt, nước lên nước ương buổi tối cá dồ ăn mồi nhiều hơn nước xuống. Câu đêm ở biển Phú Hài khu vực núi Cố được cá dồ vui lắm, lên động cát tìm nhà dân mượn xoang nồi xin gạo nấu cháo, đêm sương lạnh húp nước cháo nóng ngọt làm sao. Còn nhớ, nhóm câu Phan Thiết có PS, HNL, anh Q., em P. có hôm chỉ được một con cá dồ dài đúng gang tay, nồi cháo phải cho bốn người ăn, đó là những bửa đi câu ra ngỏ gặp đàn…, bà chủ nhà cười nói đáng lẽ phải đi vô rồi lại đi ra, thật là rắc rối. Cá dồ còn được nấu canh măng.
 



Cá chẻm là loại cá khôn kinh khủng, có lẽ chỉ thua cá Ông Nược (cá Heo?). Nhiều lần, ngồi xem cả chục người câu cá chẻm sát chân cầu sắt, mồi câu toàn tôm càng sống, cá chẻm ăn sứt đầu sứt chân con tôm nhưng không dính câu, nếu dính lưỡi câu lại chạy vào các trụ khung cầu cũ đợt lũ năm Nhâm Thìn, hàu cắt đứt cước mất cả chì lẫn mồi. Sau này, ra biển câu, rình chẻm từ rạng đá bến đò Hưng Long Thương Chánh, đến đi dọc biển ra tận gành đá Thạch Long, từ thua đến thua. Cá chẻm theo con mồi sống, cá đối hoặc tôm,  phải gần cây số, coi có phải là dởm không, mới quyết định ăn hoặc cắn đầu chơi cho biết. Có lần, tôi gặp và hỏi chuyện một ông lão ở chợ Phú Hài chuyên bắt cá chẻm bằng lưới vải, ông cho biết nhà ông ba đời săn cá kiểu này, bình minh đã ra đi theo từng bày cá đối, núp sau các rạng đá hút thuốc rê rình bóng cá chẻm, nếu thấy cá phải nín thở đi theo cá chẻm vài chục mỏm đá, chờ con cá ham ăn cá đối theo sóng tràn vào hốc đá mới tung lưới, nhiều ngày về không. Giờ ông lão này chắc chết rồi, thất truyền cũng là chắc chắn. Cá chẻm là loại vua cá biển, thịt vừa mềm vừa thơm, canh um chiên mặn đều khỏi bàn, đi ăn đám cưới thường có món cá chẻm Tứ Xuyên, chỉ sợ ít tiền hoặc không có cá mà mua.


Câu cá biển Phan Thiết còn có cá liệt dầu, nhiều nhất ở đá ông Địa và gành Thạch Long Mủi Né. Câu cả giỏ là chuyện bình thường, con nào con nấy to bằng bàn tay, về nấu canh phơn phớt hành ớt hoặc kho lạt thêm chút tiêu cay thì khỏi chê vào đâu. Nói canh phơn phớt, lại nhớ câu cá căn, loại cá này biển dơ nước đục ngầu là có, hiện nay ngay biển Đồi Dương cũng còn cá căn nhiều.
Những năm Phan Thiết còn bến cầu tàu Mỹ cũ ở dinh Cô Bác Đức Long, đi câu mùa gió Nồm ban ngày còn gặp cả ổ cá trê biển, giống con cá trê thường nhưng có ngạnh ở lưng (không phải cá ngát), rồi từng bày cá bè cu to như cá chim, cá đối to bằng chẻm lá. Mùa Bấc buổi tối, xuống hòn Dồ Tiến Thành còn câu được cá dứa (mồi…, khó nói) và cá nhám, cá đuối. Các loại cá này, tôi vẫn chưa nghĩ ra cách chế biến sao cho hợp khẩu vị mấy bà xứ Phan, chắc phải tư vấn thêm bạn D.

 
Còn rất nhiều chuyện câu biển nhưng sợ bài viết đã dài, không dám lê thê. Chứ tôi rất muốn viết, đó là câu mực và câu cá mập ngoài khơi Phú Quý, thấy được mờ mờ các đảo của Philippine… Nhưng mà, chuyện tôi kể đã lạc hậu rồi, bây giờ câu kéo toàn đồ chơi công nghệ cao, mồi giả dụ cá còn bá phát hơn mồi thật, phải thuê thuyền máy câu xa bờ tận các hòn đảo cù lao, mỗi chuyến đi câu vài triệu tiền dầu. Chứ ngay tại kè chắn sóng Thương Chánh, kè La Gi, kè Phú Hài, kè Phan Rí cửa cũng không còn cá, nói chi kè sông Cà Ty. Có lẽ tôm cá cũng đi xa theo các người bạn thiếu thời của tôi.

Phạm Sanh, P3/B2