Wednesday, November 23, 2016

Viết về Dì Hai / Phạm Sanh

Chỉ trong vòng 3 tháng, 2 bà dì đã ra đi, dì gái út và dì gái đầu của Ngoại, chắc lại rủ nhau theo ông cậu Tám, Cậu lại theo Ba. Lúc còn trẻ, Ba tôi rất quý và thương Chị Em bên vợ, nên chỉ 2 năm, tôi mất hết 4 người thân, chắc Ông già rủ theo cho vui. Dẩu biết ai rồi cũng phải ráng leo hết bậc thang cuối cùng của sinh lão bệnh tử, nhưng vẫn thấy ông Trời ác độc sao ấy.
Ông Bà Ngoại tôi có 11 người con, cậu Chín mất sớm, còn lại 2 trai 8 gái. Con đông cứ đặt tên đánh số thứ tự Hai Ba Tư Năm Sáu…, đến khi nào hết số. Sau này mấy bà dì đẻ nhiều, cũng đặt hết số. Dì Hai cũng Hai Ba Tư…, dì Ba cũng Hai Ba Tư…, và mẹ tôi không ngoại lệ. Bà ngoại sinh con dày, bệnh mất sớm. Lúc Bà mất, ông Ngoại và dì Hai đang đi về Phan Thiết lấy thêm tiền bạc đồ đạc gì đó, tụi Tây nhà thương Grall định đưa xuống nhà xác, báo hại mẹ tôi và cậu Vân nước mắt đầm đìa ôm chân Bà cứng ngắc để thằng Tây đen mủi lòng thương mấy đứa con nít không đem Bà đi được. Mẹ nói, mẹ học nghề cô mụ cũng từ cái chết của Ngoại. Còn cậu Vân học nghề bác sỹ, không biết phải từ âm đức của Ngoại hay không, tôi chưa hỏi Cậu, mà nếu hỏi chưa chắc Cậu nói, mấy Cậu rất hiền ít nói, mấy Dì cũng hiền nhưng nói hơi nhiều. Ở Phan Thiết, nói con gái ông giáo Lành, mấy gia đình “danh gia vọng tộc” ai cũng khen và muốn làm quen.
Mất bà Ngoại, dì Hai thay mẹ trông nom mấy em. Ông Ngoại bước thêm bước nữa, nghề giáo, cảnh gà trống nuôi cả bầy con nhỏ cũng khó. Bà Ngoại sau góp thêm một ông Cậu hai bà Dì, ông Ngoại hết số nên đặt tên theo chữ. Mẹ nói bà Ngoại kế tốt lắm, không có cảnh mẹ ghẻ con chồng như người đời thường ca cẩm. Rồi dì Hai gái lớn cũng phải đi lấy chồng. Tới dì Ba, dì Tư…, nhà nào làm xui đều môn đăng hộ đối, cha mẹ đặt đâu con ngồi đó. Mấy người con muốn “canh tân cải cách”, trai hay gái, Ngoại ghét lắm không thèm dòm mặt dâu rễ, như dì Năm, dì Sáu, cả má tôi và Cậu Vân. May nhờ lúc nhỏ, Ba tôi ưa chun rào qua nhổ tóc sâu ông Cố ngoại dụ Ông kể tích xưa, nên sau này ông Ngoại châm chước bỏ qua.
Ngọại cũng phong kiến lắm, chỉ quý con trai. Bầy cháu ngoại, chỉ biết mấy đứa trai đầu như tôi, anh Hai con dì Hai, thỉnh thoảng có anh Cu L., anh của chị Bảy ké vào mua rượu ông già chống gậy cho Ngoại những lúc tôi vắng. Sau này khi tôi vào Sài Gòn học đại học, dì Năm từ Cần Thơ về PT ở, cũng đi mua rượu tây cho Ngoại mà bị tai nạn oan uổng. Vậy là tôi mất người dì đầu tiên. Hôm đó ở cư xá Phú Thọ, Huỳnh Sáu mới từ PT vào cho hay gấp, đi ngang nhà thấy có đám tang, tôi chết điếng, đi vội xe đò Hiệp Thành về mà cứ khóc tức tưởi dọc đường. Trong đám cháu ngoại, tôi sống với các Dì các Cậu từ bé khi Ba Mẹ còn đang khó khăn bươn chải trăm bề. Sau cái chết dì Năm, thật lâu mới đến dì Sáu, bà dì khổ nhất và dì Ba, bà dì đẹp nhất nhờ giống bà Ngoại. Trong đám con, dì Hai, má tôi, cậu Tám giống hệt ông Ngoại, mặt xương nghiêm nghị nhưng hơi thô, không được đẹp như mấy người con khác.
Dì Hai giỏi lắm, nuôi bầy con cả dượng Hai (tôi kêu bằng dượng Mười) lúc dượng “hết thời”. Nghe nói, lúc trước dượng Mười phong lưu lắm, phải đẳng cấp mới gặp được dì Hai công dung ngôn hạnh. Thời gian ở với gia đình dì Hai, nhớ mãi dượng Mười sai bọn tôi đi mướn truyện chưởng Kim Dung chỗ ông già Trần Thanh Lê về luyện, võ công tôi sau này thâm hậu là nhờ coi ké dọc đường. Dượng rất khó tính, dì Hai nấu cơm phải bên khô bên nhão. Người bị dượng Mười đánh nhiều nhất khi dượng dạy luyện thi đệ thất cho mấy đứa là anh Sơn, vì sắp đánh là anh chạy nên dượng giận đánh thêm, chị TS không hề chạy, tôi thì dượng ít đánh hơn chắc nể em vợ. Sau này dượng Mười vài Sài Gòn, chuyện gì đến phải đến. Dì tôi lâm vào cảnh đàn bà đi biển mồ côi một mình, chịu đựng nhưng Dì kiên quyết dứt tình, đúng là con gái ông Ngoại. Có những lần, dì đi bộ xuống nhà bà nội tận Đức Long để xin vài bó lá cẩm bạc hà vài nhúm lá me. Giá mà bà Ngoại đừng mất sớm thì dì tôi không khổ tâm như vậy, phải nghỉ học sớm bỏ bầy em đi lấy chồng, phải thay mẹ trông em, rồi nuôi cả cháu.
Dì Hai nấu ăn rất ngon, nghe má nói nhờ bà Ngoại nên mấy dì lớn dì nào cũng phải biết nấu ăn, tam tòng tứ đức. Có lúc, dì Hai và má tôi nhận thầu nấu ăn cho căn tin đông người, còn chuyện nấu đám nấu giỗ thì quá bình thường. Mấy chục năm, ăn cao lương mỹ vị gì cũng không thấy ngon bằng canh chua cá kho do dì Hai nấu. Trong nhà dì, hình như chỉ có chị Tư là nấu ăn ngon giống dì, chị Bảy thì chưa biết.
Những người con của dì Hai sau này đều học PBC và thành công. Nhớ có lần dì nói với mẹ, anh Ba qua Canada không lo học cứ đi chụp hình ở trần ở truồng với con đầm nào đó, xem hình mới biết là Jane Fonda. Về già, Dì nhờ con vì Dượng ra đi không trở lại. Mong Dì yên nghĩ vĩnh hằng bên dốc cát hàng dương, sum họp đầm thấm với đại gia đình bên Nội bên Ngoại, người thân bạn bè.
Về thắp nhang cho dì Hai, tôi vẫn miên man không biết dì nào sẽ đi tiếp, ai cũng yếu hết, má tôi, dì Mười lớn và cả dì Tư. Chắc phải nhắc về dì Tư, vì sau này không biết có cơ hội viết về Dì hay không. Trong đám con gái ông Ngoại, chỉ có dì Tư và má tôi là được cho vào Sài Gòn học trường Áo tím, nhưng đầu tóc phải cắt bum bê giống con trai, Ngoại vẫn mơ ước có con trai. Chồng dì Tư là ông Chín chú của Ba tôi, lúc nhỏ lên nhà Dì, Dì bắt xưng hô kêu là Bà Chín. Về nhà, nghe kể lại mẹ giận nói, bả là chị tao chứ không phải thím tao, nhờ tao bả mới lấy được ổng. Rắc rối, hai chú cháu lấy hai chị em. Dì vẫn là dì mà ông vẫn là ông. Mấy đứa em nhỏ sau này đều nhờ ông Chín và dì Tư dạy dỗ, cả dạy học. Mong dì Tư sống dai hơn dì Hai. Mong ai cũng sống dai hết, để tôi không còn cảnh vội về PT, ngang qua đèo Mẹ bồng con ngang núi Chứa Chan, cứ nhìn mấy cây chuối rừng nhìn mây mù bao phủ mà nhớ về kỹ niệm thời còn nhỏ, nhớ đến mấy Cậu Dì.
Viết vội vàng như thấp thêm nén nhang cho Dì Hai, người nuôi nấng tôi một thời như mẹ, cũng là mẹ của 3 người khóa 72PBC (DV Sơn, Thúy Sương, con dâu trưởng Ché Mùi), có gì mong mấy bạn 72 bỏ qua nếu kể lễ nhiều quá.
Phạm Sanh, 72PBC

Sunday, August 21, 2016

Tâm Tình Mùa Vu Lan 2016 / Phạm Sanh PBC72



Vu lan, lại nhớ Mẹ, nhớ gia đình, nhớ bạn bè Thày Cô. Tháng 7 Âm lịch, tháng đầy ý nghĩa tình cảm với người Việt, lễ Vu Lan báo hiếu với những chiếc bông hồng xinh xắn cài áo nhờ công Thày Nhất Hạnh và Nhạc sỹ Phạm Thế Mỹ, tháng cúng Cô hồn xá tội vong nhân, tháng mưa dầm đầy nước mắt của ông bà Ngưu Lang Chức Nữ. Chắc tôi phải viết thêm mấy chuyện yếu lòng đọc chơi cho vui.
Rồi hai đứa em gái cũng quay lại trời Tây, đêm trước Bảy đi, dắt theo bé Nhi, vợ chồng Tám ra tiển chị lẫn đứa con gái 12 tuổi, mẹ con của Chín cũng ra phi trường. Sân bay vắng người, mà đại gia đình đi tiển cũng vắng dần, Ba mất, Má lãng, anh chị em loãng. Tôi nhìn mấy đứa em gái nhỏ nay có đứa đã tóc bạc, nhìn mấy đứa cháu hồn nhiên, ráng không lộ ra nỗi buồn. Đêm sau đó, lại tiển Chín và bé Khang, phái đoàn đưa ra phi trường lại vắng người hơn nữa, chỉ còn tôi và Tám. May, sân bay TSN hôm đó lại đông người, ngập đầy các bé gái, đúng ra là các thôn nữ Đồng Tháp, ốm nhách nhỏ con trong bộ đồ đồng phục đi lao động cho công ty điện thoại di động HTV Đài Loan, mẹ cha anh chị em gọi nhau ới ới, vui ơi là vui. Thôi, làm công nước ngoài vẫn còn khá hơn, đở nhục hơn đi kiếm chồng.
Nhớ trước 75 lần đầu ra phi trường TSN tiển nhau, ai đó cứ nhìn tôi mà khóc, làm tôi cũng phải bật khóc. Hai đứa đều ấm ức, nhà bên đó quá nghèo, hai đứa còn chập chững những năm đầu đại học, có được học bỗng đi nước ngoài, tình cảm tuổi 18 chưa đủ sức mạnh kéo lại nhau. Hoàn cảnh chiến tranh không cho phép tôi du học, tuy chẳng muốn xa nhau nhưng trong thâm tâm, tôi vẫn muốn người đó có cơ hội học lên. Ngày đi chơi cuối của hai đứa với hai người bạn khác thành 2 cặp cho đở ngượng, dưới bóng mát các gốc cây xà cừ cổ thụ, nhìn hoa mười giờ, đọc các câu thơ tình ghi trên các ngôi mộ đôi tại nghĩa trang Mạc Đỉnh Chi…, cô ấy hỏi nhẹ, hay là em ở lại, tôi làm thinh, dại nhất trong đời.
Gia đình cứ để yên cho hai đứa. Cứ khóc, cứ hứa hẹn, ráng chờ bóng chiếc máy bay phản lực mất hút trên trời xanh mới thui thủi về cư xá nằm một mình… Rồi biến cố 75, thư từ tin tức mỏn dần, chuyện di tản, vượt biên, nộp vàng phương án 2, tôi đều không nắm cơ hội, tình xa dần theo bóng chiếc máy bay. Cứ đổi thừa số phận nhưng thật ra vì gia đình ba mẹ em út, tôi thường lưỡng lự, đến khi quyết định lại không may. Cả đời chỉ biết ham học, lại vướng cái nguyên lý cơ bản, nhất cự ly nhì tốc độ. Mối tình thời trẻ đã bay xa, xa thật xa, chỉ còn là dấu ấn theo nếp nhăn ngày tháng, tôi hứa không bao giờ đi tiển người nào nữa, tiển ai ra phi trường lo sợ mất luôn người ấy. Ngày Chín, rồi Bảy đi nước ngoài học, tôi không tiển là vậy. Vậy mà mấy đứa vẫn đi luôn, định cư rồi chồng con ràng buộc, thỉnh thoảng về thăm ba mẹ rồi lại đi, để tôi lại có dịp đưa tiển, lại nhớ về người cũ trường Phan xứ Phan năm nào. Phải chi được như Ngưu Lang Chức Nữ.

Lại nhớ về Thày Hiển dạy toán, trùng tên một ông Thày Hiển dạy Việt văn. Ông Thày chuyển từ trường Thiếu Sinh Quân Vũng tàu về PBC, bạn anh rễ Bùi văn Sang, cao nhòng ốm nhách, mặt trắng mắt sáng hiền khô, tay cầm cây bút ăng ten kéo ra thụt vào mỗi khi dạy toán cho học trò. Tôi rất ngưỡng mộ Thày, vì các bài toán Thày cho làm đều khó, nhưng có cái gì hay hay, bắt mình phải có lý luận logic, không một chiều như các bài tập trong nhiều sách toán khác. Sau này mới biết Thày thường dịch từ cuốn La Bosse. Gần ngày thi tú tài, Thày cho các bài toán khó dần, lấy từ các đề thi tuyển hóc búa vào các trường đại học nỗi tiếng ở Pháp. Năm 72, thi vào Sư phạm nhị cấp ban toán tại trường Gia Long, tôi ú ớ sao đó mà không xem kỹ thời gian thi, cứ tưởng là 3 giờ nên mãi mê làm câu toán khó, chưa xong câu nào, ông Thày coi thi báo chuẩn bị nộp bài, chỉ còn 15 phút. Hoảng hốt, xem lại đề thi chỉ cho 90 phút, đúng là sắp hết giờ. May quá, có một câu trúng tủ của Thày Hiển, tôi viết liền một mạch không cần làm nháp. Nộp bài nghĩ chắc chắn rới, ra phòng thi gặp mấy cô bạn B3 không giám nhìn, tức mình đi bộ mấy cây số về nhà dì Hai. Lần thi đó, tôi lại đậu, dù chỉ làm một câu, có lẽ nhờ Thày Hiển. Hay không bằng hên.

Nhắc về Thày Hiển không phải để nói về chuyện toán học, nói về cái tâm của Thày, mà vì Thày có cái gì đó giống giống mình trong chuyện tình cảm. Nếu ai tinh ý, khuôn mặt Thày bao giờ cũng buồn, cười mà vẫn còn thấy buồn. Có hôm ở nhà Thày, được nghe Thày kể về mối tình đầu không thành, tôi buồn theo, thắc mắc sao mấy người lớn lại cứ tan vỡ mối tình đầu y chang mấy câu chuyện tiểu thuyết lãng mạn, tự hứa mình chỉ một người, một và chỉ một mà thôi, và mong Thày thắng lợi cú sau. Kết quả mấy bạn thấy rồi đó, Thày Hiển thêm một mối tình vắt vai nữa, chắc cú vì đó là học trò tại chỗ của mình, nhưng vẫn trật tiếp. Tôi, học trò ruột của Thày, hứa hẹn đầu tiên cũng bắt nguồn từ các bài toán khó của Thày, giải cho cô ấy, nên chuyện thất bại… cũng là chuyện bình thường. Đừng tin vào mấy thằng cha nói láo với vợ, em là mối tình đầu, em là mối tình cuối. Đàn ông, hình như cả đàn bà, trên thế giới này đều dối nhau về chuyện tình cảm dại dột, chỉ có dối ít hay dối nhiều mà thôi, giống như mấy ông Bác sỹ đoán bệnh ung thư, nếu không dối đã không có xã hội loài người đông đúc vui vẻ như bây giờ.

Lại nhớ về bóng dáng Thầy Ân, khoác áo nâu sầm về chốn xứ Phan, chắc cũng từ một khúc tình duyên lận đận nào đó. Mới đây có dịp tiếp xúc người thân của Thày ở Huế vào thăm, mới biết với Thày, gia đình, sự nghiệp danh vọng chỉ là những bong bóng mưa dai phập phồng trước một bóng hồng hư ảo  tồn tại suốt đời. Thương Thày, hiện nay mỗi khi dạy sinh viên môn quản trị rủi ro, tôi đều đem chuyện tình cảm làm ví dụ, tán gái sợ gái bỏ, sẽ có 3 phương án, hoặc là bỏ gái, hoặc là bớt sa lầy mê muội, hoặc là san sẻ rủi ro cho ai khác. Về lý thuyết, thế giới khuyên bạn chọn phương án san sẻ, nhưng theo kinh nghiệm đời thường, tôi nghĩ, nhiều khi “tẩu vi thượng sách” là giải pháp hay nhất.
Rồi mối tình Thày Hiền với học sinh, ông Thày dạy Việt văn người Huế giọng to rổn rảng mà  tôi  nhớ hoài nhờ mấy câu thơ có mùi rượu, …Em ơi lửa tắt bình khô rượu, Đời vắng em rồi say với ai… Cũng không thành công, thua vẫn là thua, dù Thày có say, có cố gắng hát thì thầm bài ca con đường Duy tân cây dài bóng mát (con đường rất nhiều anh tài 72PBC đi qua và ở trọ !!!). Hầu như chuyện tình các Thày và các trò ở trường Phan Bội Châu đều không thành, hay là do tỉnh lẻ một người ho cả họ đều biết, hay tuổi tác chênh lệch, hay một chữ cũng là Thày mà nửa chữ cũng là Thày, sau này về nhà ở chung làm sao cải lộn, chả lẽ mắng Thày “hư”. Đã vậy, quê nghèo hết gió nồm đến gió bấc, không có bốn mùa xuân hạ thu đông sinh cảnh hữu tình, đi chơi chỉ năm ba chỗ quanh quẩn Gia Long Nguyễn Hoàng Vĩnh Thủy Mủi Né Đá dựng chùa Hang, ai cũng dễ bắt gặp, kỳ chết.
Thống kê chuyện tình thày trò khó thành công, tôi chỉ chịu trách nhiệm về tính chính xác ở trường Phan xứ Phan lúc nhỏ, còn ở trường khác xứ khác…, tôi không dám chắc. Nói vậy, để nếu các bạn nào đó ở xa đọc được bài này, phải cố gắng giám sát thường xuyên đối thủ là chắc nhất, để khỏi mất cái không thể nào kiếm lại được y chang. Nhớ, trên  đời này, không có điều gì là không thể xảy ra.
Sau này, lên đại học và đi dạy, chuyện thày không được tán sinh viên chỉ có ở những năm đầu sau 75, khi người ta cố tưởng tượng người Thày cách mạng phải như vậy, chứ sau đó thì thoải mái, thày trò đều là con người. Tuổi thày trò đại học, ít chênh lệch, tương lai nghề nghiệp cũng rõ, lại thường sống xa nhà. Những năm tôi dạy đại học, lòng còn vấn vương mấy cô láng giềng đồng hương đồng môn Phan Thiết, không chịu tìm hiểu chuyện yêu đương thày trò, nghĩ lại cũng tiếc hùi hụi.

Chuyện Cô với học trò lại là chuyện khác, yêu đương tùm lum chỉ có trên tiểu thuyết Nguyễn thị Hoàng. Các cô PBC rất mến học sinh của mình, cô Bạch Thu Hà cứ nhờ bạn Lê văn Mão hát vọng cổ đoạn tuồng Võ Đông Sơ…, cô Bạch Tuyết rất “thương” Cao Như Sơn vì học giỏi ca mùi, cô Quán thích các nhóm bạn thuyết trình hay. Tôi thì “thương” hết các cô, hình như cô nào dạy, tối nằm chiêm bao tôi đều tưởng tượng là mẹ của mình, thương nhất là cô Tươi, một đời cái gì cũng lận đận. Lễ Vu Lan này, tôi lại nhớ về những người Cô như Mẹ, lại nhớ về bông hồng đỏ và bông hồng trắng, Cô còn Cô mất, Cô khổ Cô sướng.
Thôi, bớt nói chuyện tình cảm gia đình Thày Cô ướt át mộng mị, nói về chuyện đời thường, kể về Sài Gòn đang thích mang tên Hòn ngọc Viển đông cho vui. Về cá, về chim, về chó, về Pokemon. Về cúng cô hồn.

Sài Gòn đang mùa Vu Lan, người Sài Gòn ưa phóng sinh chim cá. Chim thì bay lên vài thước té nhào xuống mà chết vì… đói. Con nào mạnh hơn, bay xa, cũng bị bọn trẻ bẩy ná dụ bắt, bán lại cho mấy bà bán chim phóng sinh gần các chùa. Thông minh nhất là bay vào sân golf ngay trong lòng phi trường TSN, quan tướng tá đại gia ăn chi ba cái con chim ốm nhách. Báo hại, cơ quan Hàng không đang có phương án “xã hội hóa” hơn 1.000 tỷ đồng đuổi chim bằng công nghệ FODetects. Thật ra chỉ cho phép bọn trẻ chuyên đi bắt chim vào sân bay tập huấn cho cán bộ nhà mình, vài ngày là chim không còn lông mà bay, không còn trứng mà ấp.
Chuyện phóng sinh cá cũng vui. Mấy ông lãnh đạo thành phố cứ thích thả cá “làm sạch môi trường” xuống kênh Nhiêu Lộc Thị Nghè, mỗi đợt lễ lạc vài chục triệu, một năm vài đợt, rồi cũng bị bọn thanh niên rảnh rỗi ban ngày câu cá chích điện ban đêm, cá mẹ cá con nào mà còn. Mà nếu còn, thì đầu mùa mưa, rác theo nước cống xuống kênh, giảm lượng oxy hòa tan, con nào lỳ lợm lặn sâu xuống đáy, ngập bùn dơ rồi cũng ngộp thở mà chết, nỗi lênh láng trắng cả dòng kênh. Mấy ổng hỏi mình, làm sao thả cá xuống kênh Nhiêu Lộc vừa không bị chết mà cũng không bị bọn nó câu trộm, tôi nói chỉ có nước nuôi cá sấu. Rất tiếc, không ai ủng hộ ý kiến của mình. Buồn thật như khi phải xa Phan Thiết.

Lại kể về chó. Chuyện là TpHCM  lấy đại lộ Nguyễn Huệ (Charner) làm con đường thênh thang  đi bộ lát đá hoa cương cho bằng thế giới, na ná Champs d’Élise của Paris, nhưng copy mà không sửa thì kỳ. Paris đi xe ở giữa, bộ hành mua sắm vui chơi  2 bên, Sài Gòn thì xe chạy 2 bên, đi bộ ở giữa. Ban ngày thì nắng nóng chang chang vì vắng bóng cây cổ thụ, ban đêm thì không có vui chơi giải trí, chỉ hóng gió đi tới đi lui một vài lần cho biết. Chỉ thấy Tây mới đến lần đầu và mấy đứa tuổi teen là vui, có chỗ đi bộ không sợ bị chửi, không gian rộng rãi bớt ngộp thở. Đã teen thì ưa bắt chước nhau trên mạng, quần phải ngắn củn , rồi phải dắt chú cún đi theo. Mà chó cưng thì ưa thoải mái đái bậy, ưa dí mỏm hửi vào vùng cấm ngườii lạ. Thế là lãnh đạo thành phố phải ra lệnh cắm dẩn chó đi bộ trên con đường gần 500 tỷ. Nhớ lại lần đầu qua Lyon, thấy bảng quảng cáo hình vẽ chú chó đang tè bậy, kèm theo câu … không có con chó xấu chỉ có người chủ tồi. Ở VN, cầy bị ra quán nhậu là bình thường, chủ hay chó xấu tốt gì không cần tranh luận mất thời gian như ở Tây.

Thôi, ra Tao Đàn bắt Pokémon vậy. Mới xuất hiện ở VN vài ngày, nhưng dân thành phố thích săn lùng con vật này quá sức tưởng tượng. Ngày đầu, Pokémon toàn ở trong các nhà vệ sinh nữ, làm mấy cô nhịn gần chết. May những ngày sau, bọn thú vào Tao Đàn và Thảo Cầm Viên. Sở thú ban đêm thì đố ai dám vào bắt Pokémon trong mấy cái chuồng toàn là cọp cái, dả nhân, vì vậy chỉ còn ra Tao Đàn, đi nhiều người từng nhóm để khỏi bị bọn đểu giựt dế xịn. Qua chuyện này, mới thấy người thành phố rảnh thiệt, 12 giờ khuya vẫn còn đông nghịt người trẻ già trai gái. Phải mà say mê học hành, lụi cụi công việc như say mê bắt Pokémon tìm Pokéstop, thì năng suất lao động VN làm sao gần chót thế giới, đến nỗi thua cả đàn em Kampuchia.

Thôi, hết ý rồi, lần sau viết tiếp. Mấy bạn 72 đọc có gì không đúng, bỏ qua, vì toàn là chuyện viết bậy bạ cho vui, mười phần thì chín phần sai, chỉ một phần hơi đúng. Mấy bạn ở xa, nhớ về VN thăm bạn bè, mới được nghe chuyện thật hơn. Rằm tháng bảy, đang tưởng tượng  tặng một bông hồng cho mấy bạn 72 của tôi còn sống.
Phạm Sanh, 72PBC

Monday, February 15, 2016

Tản mạn mồng 8 Tết / Phạm Sanh PBC72

Cao Trần Thu Vân và Hoàng Xí PBC72

Khi nghe tiếng rao lanh lãnh của mấy bà mua ve chai người miền Trung, cái xứ chó ăn đá gà ăn muối hay  đất cày lên sỏi đá theo cái giọng văn chương khỉ gió thời này, tôi biết đã hết Tết.

Năm Bính Thân không tốt cho người tuổi Tỵ. Chưa kịp húp miếng canh phơn phớt nấu cá lưới cước sáng mùng hai, chiều mùng một đã một mình dọc đường gió bụi vào lại Sài Gòn. Chạy xe dọc theo đường cái ven biển qua những xóm dân, thời trẻ con theo ông Nội chạy lựa kéo lưới rùng, như xóm Trạm hòn Vồ Kê Gà cửa Cạn cây Găng Tam Tân Lagi Cù Mi… Đường vắng tanh người, chỉ nghe gió bấc thổi lồng lộng lành lạnh, vừa đi vừa loáng thoáng nhớ lại những kỹ niệm ăn Tết đại gia đình lúc còn đông đủ. Dừng xe trên cầu Đá dựng, định điện thoại HB chúc Tết nhưng lại quên số, ráng chạy đến ngã tư quân cảnh, ăn tô mì xương hít thở lấy sức đi tiếp.

Tết năm nay sao là lạ, đúng ra người dân ăn Tết hơi kỳ lạ, không xung như mọi năm. Hôm về 29 tết, bông hoa cây trái vẫn lèo tèo, tội nghiệp mấy cô gái miền Tây vừa bán vừa ngủ gục. Năm nay, mai vàng ra hoa rực rỡ nhưng rơi rụng gần hết, đào hồng lại giữ dáng không chịu ra hoa, chắc chờ đến hết mùng. Chỉ có hồ điệp Thái Lan, Đài Loan là độc quyền khoe sắc, bán mắc kinh khủng. Trang trí, sửa soạn, cúng quẩy, ăn uống, lì xì con cháu cũng giảm dần, chắc là do yếu tiền. Tết chỉ còn tụ năm tụ ba, anh dô tui dô dưới các hàng hiên hay nam nữ xúm nhau la hét cờ bạc tại các sạp chợ vắng khách đầu năm.

Ngày Tết, năm “xấu” hạn chế ra đường, nằm nhà mở tivi ra xem, chương trình đón xuân 2016 cứ phát đi phát lại các vở kịch hài cũ, chán chết. Dám xơi luôn chương trình ca nhạc Anh Khoa hát, dịp về tết 2015 để nghe lại chào xuân 2016, nghèo và buồn thật. Nghe nhiều người nói, mới đại nhạc hội vùng miền, chờ mở hội cả nước, an bài xong cho gọn vui hơn. Có anh xếp lớn tuổi trâu già, bị mấy thằng trẻ trâu, thiên đình mới trở gió trở trời mấy ngày đã bị chúng trở cờ, đưa chuyện con cái, rồi chuyện kinh bang tế thế, lên kịch Táo quân đầu năm làm trò khỉ, lại còn đưa con khỉ lại cái Bắc Đẩu bắt chước nhái mình, tức chết thật. Có lẽ năm nay Tết nghèo do “ảnh” hết làm, không ai dám in thêm tiền như mọi năm, cứ tiêu xài trước cho sướng cái thân, để nợ cho con cháu sau này còng lưng trả, mặc kệ ông bà chúng nó. Thôi, giậu đổ bìm leo, sông có khúc người có lúc, biến hóa như Tề Thiên Đại thánh có lúc còn bị Phật tổ đè.

Mùng 4, mở mạng xem tin, nghe tin động trời từ một bạn gái “hải ngoại”, HX đã mất, thầm trách chắc mấy ông bạn PT còn đang say xỉn. Buồn cả đêm, trước Tết có nói chuyện với MQ, ĐT, Tết này về PT sẽ thăm HX. Nhớ MQ còn gửi gắm, nói HX nên dời sang chỗ ở khác, đợt HT,MQ về thăm mới đây, thấy nhà HX đang ở có cái gì lạnh lẽo “âm u” lắm. Chiều 29, sau khi lên nghĩa trang lầu ông Hoàng, thăm đốt nhang khấn vái mộ ông già và người thân, về lại tìm nhà HX nhưng chẳng ai biết, ác thật, định điện thoại MQ nhưng ngại cô nàng bận bịu nghĩa vụ đủ thứ mấy ngày Tết, …ân hận mãi. Không hiểu sao, những người thân thuộc bạn bè, ai mà tôi cứ gặp chuyện này chuyện nọ không thăm được lúc lâm bệnh, đều ra đi luôn biền biệt không về, cứ y như là thế giới cỏi âm báo trước điềm xấu. Lúc còn thanh niên đi làm việc ở PT, có lần HX hỏi nhỏ, PS có biết về … không, tôi ngạc nhiên mừng rỡ, hết sức cố gắng nói tốt bạn này cho bạn nọ, bạn nào cũng là bạn, cả hai cùng là bạn, lúc đó tôi cứ hy vọng có một ngày... Nhưng tại duyên số, hay tại ai đó, từng người cũng chỉ là bạn. Nay HX đi nằm trước tại vùng đất Phan Rí cửa, không biết có nằm cùng chung nghĩa địa với Ông Bà sơ tôi, cũng chôn tại đồi dốc Chí Công, có những bụi sim tím làm bạn với lưỡi long, nắng gắt gió lộng, chim kêu ríu rít quanh năm. Nhìn hình đám tang bạn mình, đọc những lời chia buồn của nhóm bạn gái 72, không cầm được nước mắt. Tuổi Tỵ, năm Thân.

Những ngày cuối mùng, người dân các Tỉnh trở lại Sài Gòn. Tin vui, các bến xe đò hết sức trống trãi, văn minh lịch sự, không còn cảnh chen lấn như mọi năm, chỉ có sân bay TSN hơi quá tải, máy bay HN vào phải bay lòng vòng cả tiếng đồng hồ mới có chỗ đáp. Tin không vui, các bến phà, cầu lớn, đường từ miền Tây, miền Trung về Thành phố đều nghẹt xe 2 bánh kinh khủng, như PT vào nghẹt từ trạm thu phí Sông Phan. Hiện tượng mới có năm nay, về quê 2-300 cây số toàn bằng xe 2 bánh. Giống mình, thích tự do ngắm cảnh ngắm người. Khác mình, có lẽ dân tình ít tiền phải tiết kiệm. GDP tăng nhưng số đông nghèo hơn, dễ hiểu.

Thôi, nói chuyện khác cho vui, lấy hên đầu năm. Sẽ nói về một số cái nhất của Việt Nam khiến thế giới tâm phục khẩu phục.

VN là một trong những xứ thích lang thang trên facebook, nhiều hơn 15% so với trung bình thế giới, trên 20 triệu người truy cập mỗi ngày, mất khoảng 2,5 giờ cao hơn 2 lần thời gian xem tivi nghe đài. Đa số là giới còn trẻ từ 18 đến 34 tuổi, đàn bà lên facebook nhiều hơn đàn ông. Các số liệu thống kê gần đây đều xếp VN vào tốp 10 cho facebook và tốp 20 cho internet. Tuy nhiên con số này chưa chính xác, chắc chắn cao hơn, vì rất nhiều người VN sử dụng chung một ID thiết bị. Ở VN, vào facebook phải cẩn thận, đừng nói xấu lãnh đạo cũng như đừng dại dột a dua like theo, dễ bị CA theo dõi trình bẩm, rồi đám hoạn quan nịnh bợ ra quyết định xử phạt tào lao. Mà quên, còn phải đề phòng các cặp đôi dùng chung facebook có khiếu trinh thám, có tật suy nghĩ vẩn vơ lung tung, dễ rối như canh hẹ. Tôi thì vào facebook nhanh như ăn trộm, liếc vội rồi thoát ra ngay, đám học trò biết thày lên facebook, rủ rê xin điểm xin đề xin địa chỉ nhà, lại khổ tâm thân già.

Lò ấp trứng vàng ngân hàng Việt Nam Thương Tín 

VN là một trong những xứ nhiều tiến sỹ, đã có khoảng 25.000 TS và thạc sỹ thì còn gấp 4 lần con số đó. Đang báo động đỏ, các trường đại học chỉ cố gắng dung nạp được 10.000 TS, đang lập danh sách giảm biên chế mấy thày cô, do số lượng sinh viên đầu vào giảm nhiều, đầu ra vẫn cứ thất nghiệp dài dài. Năm 2015, con số 250.000 ông cử nhân thạc sỹ lẫn giáo sư tiến sỹ, không có việc làm ổn định vẫn chưa chịu dừng lạ. Còn tinh thần đâu mà học học nữa học mãi. Đã vậy, mấy vị giáo sư đầu bạc về hưu mở trường kinh doanh giáo dục lấy tiền đâu ra để trả lương cho đám TS giấy không chịu ”ngu như kiến”. Hậu quả một nền giáo dục kinh tế thị trường định hướng xã hội chữ nghĩa, định mức 4 trò 1 thày (trong đó 4 thày phải có 1 TS, 3 ThS), rồi còn tự khen các khẩu hiệu vớ vẩn như đến năm 2020 cán bộ do thành ủy Hà Nội quản lý phải là 100% TS. Từ đó, nhà nhà TS, người người TS, ra đường là thấy TS, ngủ một đêm tỉnh dậy từ phó TS (một học vị của Liên Xô thời chiến tranh lạnh, tương đương thạc sỹ các nước) bỗng vươn vai Phù Đổng hóa thành TS. Rồi TS hữu nghị, TS online, TS dởm (học giả bằng thật), TS giả (học giả, bẳng cũng giả), TS múa lân, TS cải lương, TS xây dựng Đ... Tiến sỹ cái con khỉ, đông như bầy sâu, chỉ còn biết lấy cái bằng ráng chun vô cơ quan Đ. nhà nước chờ thời. Hàm thứ trưởng trở lên, số TS của VN cao gấp 5 lần Thái Lan. Bộ CT bầu bán vừa rồi, 9/19 “đồng chí” là TS, Ban chấp hành TW Đ. có 64 TS/200 vị (chưa kể số TS của phía quân đội). Nền giáo dục VN quá tuyệt vời, cả Obama, Angela Markel, Giscard d'Estaing, Netanyahu, Putin, lẫn Tập Cận Bình có mơ cũng không dám thấy.

VN là một trong những nước có tửu lượng lên cao vùn vụt như tên lửa Triều Tiên, tăng trên 15% hàng năm. Năm 2015, người Việt Nam mỗi năm uống 3,4 tỷ lít bia và 70 triệu lít rượu được sản xuất từ trong nước (có nghĩa là chưa kể số lượng bia rượu ngoại nhập đang bày bán đầy đường), gấp 4 lần bình quân thế giới. Dự báo đến 2020, người Việt uống rượu bia vượt xa lắc các nước Nhật, Singapore. Mỹ, Pháp… Trong khi thu nhập GDP tính trên đầu người so với người ta, lại là tỷ lệ nghịch. Khắp trên đất nước VN, trẻ già trai gái, sang hèn giàu nghèo, hỉ nộ ái ố, từ nhà ra quán, đâu đâu cũng thấy nhậu. Bàn nhậu là nơi bắt đầu, cũng là nơi kết thúc cho tất cả mọi chuyện, kể cả chuyện tình. Nói về nhậu, chắc không ai bằng nhóm bạn trai 72PBC của mình trong nước, chưa thống kê được số bệnh chết do nhậu và số tiền trả cho bác sỹ thẩm mỹ khâu vá do say té đường xa, nhưng nếu kể chuyện say xỉn, phải tổ chức gặp hội ngộ kéo dài cả năm, vài năm may ra mới được nghe chuyện gần hết. Những ngày đầu xuân tết Bính Thân 2016, mỗi ngày VN có khoảng 5000 người nhập bệnh viện do tai nạn giao thông, với gần 700 ca chấn thương sọ não. Trên 2/3 tai nạn giao thông là do say rượu. Riêng uống rượu xong rồi lời qua tiếng lại tự ái đánh nhau, đánh cả bố vợ lẫn bố ruột, đánh “lộn” đủ kiểu, cả nước có trên 30.000 trường hợp, báo hại 10.000 ma men phải vào bệnh viện nằm ăn Tết với mấy con ma nhà xác.

Sẳn nói luôn, VN lúc này còn nhất hạng về chém lộn (loại chém này không phải chém gió chém vè chém đẹp ở VT gì đó, đúng ra là chém không lộn, nhưng ông bà mình lỡ ưa ăn nói ngược ngạo, con cháu phải nghe theo). Cái gì cũng chém, thích là chém. Đang đi ô tô, thấy bọn trẻ dàn hàng ngay cản đường, bóp còi xin qua mặt, cũng bị chúng chém chết. Luật sư vào ngõ xóm nắm bắt thông tin kiện tụng, dám đi xe ô tô gây ồn, phun khói bụi, phải chém cho bỏ ghét. Uống cà phê, thấy 2 đám trẻ gây lộn rồi hết, thật thà hóa dại, không chịu bỏ đi, chúng quay lại xách thêm mã tấu, chém “lộn”. Ngày Tết, chồng xỉn, về nhà xin vợ tiền mua thêm rượu uống với bạn, bị vợ chém chết liền tại chỗ, cũng có trường hợp chồng đành phải chém vợ trước. Giống như chuyện trộm chó, nếu đám trộm không chém gia chủ tiếc con chó đuổi theo thì cũng bị nhiều thằng khác chạy theo chém hùa, chết không kịp ngáp. Công an lục cốp xe bọn trẻ, 99% có sẳn đồ chơi, tự chế hay TQ Campuchia gì đó, vài triệu là có hàng nóng súng ống đủ hiệu đủ kiểu. Gặp chuyện, thuê giới giang hồ đất cảng, chém không đẹp không lấy tiền, chém trật còn được trả lãi theo lãi suất ngân hàng, bọn này làm ăn nhanh nhạy uy tín hơn xa các anh hùng Lương Sơn Bạc hay giới cowboy thời xưa bên Mỹ.

Bàn về chuyện chém lộn, các chuyên gia tâm lý giáo dục xã hội VN thường đổi thừa cho bọn trẻ, ít giáo dục, kém ý thức, ba mẹ bỏ bê, môi trường internet phim ảnh phức tạp. Cao siêu hơn nữa là tàn dư đế quốc thực dân phong kiến, là hậu quả kinh tế thị trường, là bọn trẻ bây giờ không chịu bay cao như đàn anh ngày xưa… chân dép lốp đi vào vũ trụ. Nhắc nhỏ, chưa ai dám làm đề tài nghiên cứu đổi thừa do IS.

Tôi thì suy nghĩ khác mấy vị này, thượng bất chính hạ tắc loạn, mà con trẻ cũng do mình đẻ ra, rồi còn dạy dỗ mệt nghĩ mấy chục năm trời, vậy là do người lớn chứ không phải do con nít. Thấy hiện tượng bọn trẻ làm, nếu có bậy, chỉ là “quả” chứ không phải là “nhân”. Nghĩ lại, nên bớt nói tốt về người lớn VN, mà nên nghe thêm nghĩ nhiều về các thói hư tật xấu, hiện ra lồ lộ trong nhiều năm gần đây như độc ác, thù hằn, tham lam, hoang tưởng, khoe của, lừa dối…

 Việt Nam cái gì cũng nhất


Độc ác: Chưa bao giờ người ta lại ác độc với nhau như vậy. Ham tiền, đưa hóa chất độc hại gây mầm mống ung thư vào mọi loại rau quả thực phẩm. Anh em ruột sẵn sàng giết nhau chỉ vì miếng đất nhỏ cỏn con. Thậm chí, “tính giang hồ hảo hớn” chỉ xuất hiện tức thời do mỗi chuyện va quẹt xe nhỏ nhặt không biết lỗi phải đứa nào, hay hiểu lầm cái nhìn vô tình vào cô bạn gái mới quen trong quán cóc nào đó. Người lớn chém nhau ngoài phố. Trẻ con đánh nhau trong trường, đánh hết bạn, đánh cả thày cô. Con cái đối xử nghiệt ngã với cha mẹ. Cái ác bay lơ lửng, có thể rơi xuống bất kỳ lúc nào ở đâu. Xã hội, hay chính người lớn, đã làm hỏng “hệ thống phanh” đạo đức- luân lý- background gia đình có chức năng miển nhiểm, chặn lại tâm lý gây ác trước khi bước qua ngưỡng cửa tội ác.

Thù hằn chia rẽ: Độc ác đi kèm với thù hằn. Người ta sẵn sàng hằn học độc ác với nhau sau những trò ru ngũ, những đoạn lịch sử cận đại cắt ghép, những cặp bạn-thù tưởng tượng từ ý đồ một nhóm người. Tâm lý thù hằn oán ghét như những hạt mầm gieo thêm cái ác, gây thêm sự chia rẽ vô cớ. Sự thù hằn nguy hiểm nhất là “thù hằn tư tưởng”. Bốn mươi năm, vẫn còn chuyện cộng điểm đối tượng ưu tiên khi các con cháu bước vào ngưỡng cửa đại học. Làm nghành dầu khí phải là người Nam Định. Làm nghành CA phải là dân Củ Chi, Nghệ An, phải là lý lịch ba đời. Xuất khẩu đi lao động nước ngoài phải ưu tiên cho các xứ đàng ngoài… Vào xem comments các status bàn về chuyện có hơi hám chính trị, sẽ thấy tâm lý thù hằn quá khích. Nó không thể được xóa đi bởi nó vẫn được tích tụ. Đó mới là điều thật sự đáng sợ.

Tham lam: Lòng tham hiện diện khắp nơi. Lòng tham không có giới hạn do không còn bóng dáng đạo đức thánh hiền, không còn niềm tin tối thượng vào tôn giáo tín ngưỡng, mất hẳn khái niệm liêm sỹ tự trọng. Tham lam từ những cái rất nhỏ nhặt đến cả tài sản tài nguyên quốc gia to đùng. Trộm nhau con chó, đạp nhau cướp cho được “phết” lễ hội, chen nhau giành một suất sushi miễn phí, “hôi” các tài sản của người đi đường bị nạn, giành thức ăn trong buffet… Rồi những khu đất vàng, các mỏ tài nguyên, những dự án khủng, từ vài tỷ đến vài chục tỷ đô la Mỹ, vay nợ khá dễ dàng để vài chục năm sau trả bằng tiền thuế mồ hôi công sức con cháu. Lòng tham còn đang được cho ra nước ngoài. Hiện tượng ăn cắp tại các cửa hàng siêu thị, buôn lậu, sản xuất ma túy, thậm chí lừa gạt lao động ra nước ngoài, lừa bán các thiếu nữ nghèo nhẹ dạ lấy chồng TQ Đài Loan…, đang trở thành phổ biến. Tham lam đang diển biến phức tạp, lan tỏa cho cả bầy đàn, địa phương, dòng họ, rồi chuyện con ông cháu cha, con quan thì được làm quan, gia đình “truyền thống”. Lòng tham không thể ngừng lại khi chuẩn mực đạo đức vẫn còn bị ngăn cấm xa lạ đâu đó, khi bầy sâu tham nhũng vẫn còn lúc nhúc, từ tay bảo vệ vô học gát cổng ủy ban Xã Phường đến từng ông anh vĩ đại tận thủ đô Hà Nội.

Hoang tưởng: Ngày càng có nhiều người Việt hoang tưởng. Hoang tưởng về sự nổi tiếng, về tài năng, về sắc đẹp, về giàu có của mình. Hoang tưởng về “thiên tài” con mình. Rồi hoang tưởng về dòng tộc, quê hương, dân tộc, đất nước… Hoang tưởng là một bệnh lý. Tác nhân gây ra nó bắt nguồn từ thói sùng bái cá nhân và bệnh hình thức phong trào “lấy thịt đè người”. Không đâu dễ thấy hiện tượng này tại các phương tiện truyền thông quãng cáo ở các nơi không gian công cộng, họp hành lễ hội, thông tin báo đài, thậm chí Facebook, nơi người ta có thể đọc được những comments tâng bốc, “Đất nước này không thể thiếu anh!”. Có lần, tôi dự lễ kỹ niệm 50 năm thành lập trường Bách Khoa, chị hiệu trưởng phát biểu, phấn đấu đưa trường vào tốp 500 các trường đại học nỗi tiếng thế giới, giải lao gặp chị, tôi hỏi, hiện nay trường mình đang ở tốp mấy, chị cười bẻn lẻn, có biết ở tốp nào đâu. Cứ tưởng tượng và hứa hảo cho xong chuyện. Một xã hội hoang tưởng, chỉ nhìn thấy cái bóng phóng đại hơn là ảnh thật trong gương, không bình thường, cứ như câu chuyện dụ con ngựa cứ chạy hoài theo bó cỏ treo trước mỏm.

Khoe của đua đòi: Giày dép, quần áo, giỏ xách, biệt thự, siêu xe …, chúng ta đang thấy thói quen khoe khoang phô bày vật chất lên đến tột đỉnh. Năm 2015, dân chơi xe VN bỏ ra 10.000 tỷ, nhập các xe đời mới, nhiều hơn cả Singapore. Các hotgirl khi đi mua sắm phải là hàng hiệu và không được đụng hàng. Nguyên tắc bất thành văn này cũng đã được áp dụng khi mua tặng quà cúng biếu cho các quan chức. Không chỉ khoe khoan đua đòi, người ta phải còn tự khẳng định mình trong một xã hội giao thời đầy những nhân vật Xuân tóc đỏ. Trẻ con phải học trường quốc tế. Người lớn phải biết tennis, chơi golf…, để còn có cơ hội gặp được đủ các anh, hai ba tư… út bé… đều có, tranh thủ nằm bên nhau bàn chuyện làm ăn, chuyện dự án, thậm chí chuyện trai gái nhân sự. Các bà rủ nhau sang Thái Lan xem mấy anh chuyển giới, sang Hồng Kông sắm hột, sang Sing sửa mặt sửa mông. Phải thật đẳng cấp.



Lừa dối: Trước hết là dối trá, sau thêm lừa đảo, nói gọn thành lừa dối. Dối từ trẻ lên già, theo từng cấp học, theo dòng đời. Dối từ trong ra ngoài, từ trên xuống dưới, từ nhỏ đến lớn. Lừa cũng theo bước đi thứ bậc đó, ác độc hơn do xuất hiện lòng tham, đã có toan tính lợi ích riêng cho cá nhân, cho băng đảng, cho dòng tộc gia đình mình, bằng cách hại người khác. Sợ nhất là dối lịch sử, khó sửa. Như nhân vật tưởng tượng Lê văn Tám, tẩm xăng đốt chạy vòng vòng, lở đặt tên đường, tên trường, tên đủ thứ, làm sao dám đính chánh nói thật. Còn nhiều chuyện dối còn vui hơn nữa, đúng ra là ba sạo, như chuyện anh hùng Núp dùng nỏ bắn rơi máy bay Mỹ ở Ninh Sơn Ninh Thuận, có lần gặp nhau khi làm đường lên vùng Bác Ái, tôi hỏi có thật không, ông già “anh hùng” trả lời, tự nó rớt do “thằng Mỹ” hết xăng. Thét rồi, dối là bình thường, cán bộ ta thường ngụy biện, dối vẫn tốt nếu có lợi cho mục… tiêu “cách mạng”. Đến bậc giáo sư tiến sỹ cũng còn lừa dối, năm nào cũng lấy tiền thuế người dân nghiên cứu mấy cái đề tài bá láp sơn đông mãi võ… Bệnh lừa dối ngán nhất là các ông bác sỹ công nghệ thông tin, dùng ipad, iphone, facebook…, trên trời dưới đất ổng biết hết, cả cái sóng hấp dẩn bé xíu vẫn phát hiện được huống chi chuyện dối trá to đùng sờ sờ ra đó mấy chục năm.

Tôi vẫn giữ quan điểm, người lớn hư làm con nít hư, khi người lớn tốt, con nít sẽ bớt hư. Hay vẫn suy nghĩ, dân gian do quan tham, chứ nếu quan hết tham nhũng thì đố dân đen dám còn gian dối.

Thôi, nói xấu người Việt nhiều quá mấy Bạn buồn, rồi sinh ra chán nản, phải dừng bút. Cứ tin cốt khỉ vẫn hoàn cốt khỉ, người Việt Nam mình tốt, giỏi, lanh lẹ, biết sống, nhân hậu tử tế…, thì trước sau gì, ác độc tham lam hoang tưởng lừa dối… cũng phải ra đi. Như các Bạn 72, đi đâu rồi cũng trở về bằng máy bay đàng hoàng vui vẽ, chứ không loanh quanh mỏi mệt như cái ông nhạc sỹ TCS suốt đời ca cẩm.


Phạm Sanh, 72PBC

Monday, February 1, 2016

Chuyến về của Hồng Thúy và Giáng Hương (Tiếp theo và… hết)



Về ngũ không được, buồn tức, sao không hát cho các bạn nghe, hát hay đâu bằng hay hát, mà hát dở cũng có phe mình vỗ tay tặng bông hồng, sợ gì. Nhỏ dại nhát gái, già khôn dạn dĩ nhưng muốn cũng không được… sức người có hạn. Thôi, cái gì đã qua khó quay trở lại, như chuyện Kinh Kha, ráng ngũ. Tờ mờ sáng, mở mạng internet, lướt vài tin tức, uống cà phê “nghĩa vụ” nhanh để đi gặp bạn 72. Đến nơi, xem tin nhắn điện thoại, hết hồn, hơn 11 giờ khuya đêm trước, MQ đã hủy cuộc hẹn, diển viên chính không đến được, chắc là ngại đường xa ướt mưa, sợ lấm chân bùn. Lở số đen, kêu ly cà phê đen uống thui thủi một mình. Một chốc, có thằng cha tự nhiên đi ngang dừng lại đứng nhìn, lại còn cười, dễ giận. Nhìn kỹ, té ra là chồng XH, cũng đi uống cà phê với mấy ông bạn trai lạ quắc không có bà xã đính kèm, nên thôi, bonjour see you again. Chợt nghe điện thoại MQ hẹn tiếp, bớt rầu rĩ, lấy xe chạy lòng vòng xem bông hoa chợ tết Thành Thái, câu giờ để đến gần trưa ra thẳng cà phê La Poste. Năm nay, chợ hoa lèo tèo, chưa đến đêm 30 mà đã vắng lặng như tờ, nhớ mọi năm cứ sau rằm tháng chạp là bông hoa cây trái mai đào đã đổ xô về SG bán Tết. Nghe nói, bạn hàng rủ nhau ra phía Bắc, ngoài đó khách mua nhiều và sộp hơn.

Đến La Poste, đã thấy tam cô nương ngồi chờ, GH khuôn mặt bầu bỉnh trắng hồng ăn mặc áo bà ba cách điệu, giản dị giống hệt gái quê. Hôm nay, không phải ngày tam nương mà sao ấy, gọi ĐTT, TPS, KĐP, M-T… ai cũng có việc, đi xa, giữ cháu…, gọi TVH vẫn còn cúm sợ lây bệnh nên chỉ gửi lời thăm, chợt nhớ Hà Bình vẫn còn ở Sài Gòn. Chắc phải lấy tên GH ra làm “mỡ” để nhử dụ “mèo” đến. Nhờ MQ lục số điện thoại, gọi nhanh, bói trúng y phóc. Vào quán, HB nhận ngay ra GH, trước đây hắn thuộc quân số tiểu đội “phe ta”, cái tiểu đội canh GH tắm biển Thương Chánh ngong ngóng chờ nàng mất dép… Nhưng với HT thì HB quên thật, có thể đường xa mắt mờ, lại tưởng là cô bé ở đảo Phú Quốc nào đó theo lời giới thiệu ba sạo của PS-MQ, thử test lại trí nhớ bạn già.
Lại nói về tam cô nương đổ nước nghiêng thùng của 72, nhờ công nghệ hiện hại, mấy chục năm vẫn ăn ảnh hơn xưa, chờ vài trăm năm nữa ăn đứt tam nương thời Trung Hoa cổ đại là chắc. Thôi, cứ phong cho MQ, lúc này ưa ho, làm Đắc Kỷ, GH là Muội Hỉ cũng hay, vì phát âm  chữ Hạ và Hà cũng như nhau, còn lại nàng HT làm Bao Tự cũng tạm được, chỉ cần nghiến răng bớt cười. Nói nhỏ, mấy bạn gái 72 về lần đến sẽ được phong ngũ long công chúa, mới có nhất long là AT qua Tết về, còn khá nhiều chỗ cho bốn long. Sau đó, chỉ còn tuyển hai tỳ nữ mà thôi (xin vui lòng đừng dịch qua tiếng hán việt, dễ gây hiểu lầm), khối 72 không có nhu cầu chọn công chúa hay dâng mỹ nữ cho ai nữa, hết tuổi xuân thì.

Trở lại party 5 đứa, đúng là ngũ quỹ, tranh nhau nói liên tục từ 10h30 sáng đến 5h30 chiều, 7 tiếng đồng hồ ít gì, trừ những lúc ăn nhẹ, uống lấy sức và … (tự hiểu ). Nhỏ lớn, tôi chưa bao giờ có một khoảng ngắn trong đời quá xá vui, nói dai nói dài nhưng không nói dở, miệng không mỏi tai không mệt, càng nói càng hăng…. Ngẩm nghĩ, chỉ có tình bạn trong veo mới lập được kỷ lục guinet như thế này, bị nghe nhiều nhưng không buồn ngũ. Đời dạy học, nam phụ lão ấu, nghe mình giảng liên tục chừng hai giờ là đã ngũ gần hết lớp. Kiếp làm chồng, nghe bạn đời nói chừng một tiếng đồng hồ là đã muốn đột quỵ chấp cánh bay xa, thề không sai lầm nữa. 

Cũng vui, đời sống quay mòng mòng trên 40 năm, nói gọn vỏn vẹn một buổi chiều, để thấy rõ cái tâm về tình mẹ tình bạn tình thày trò tình đủ thứ… Nhiều bạn gái 72 thật giỏi và hay hơn tôi tưởng, quá tốt bụng hơn cả triệu người mà tôi đã gặp. Ước gì mình là văn sỹ “tuổi ngọc” như ND, thi sỹ “mắt nai” như NT, hay ít ra cũng được như nhạc sỹ “chẻ núi” họ Trần, hét lên cái gì đó cho ra hồn về tình bạn cái xứ món ăn cái gì cũng nêm nước mắm. Tiếc thật, bởi vì đời thường nhiều khi không là mơ, trí nhớ U… già lại loãng dần theo từng giọt nước cà phê, chỉ ráng nâng niu níu kéo cái phần chưa trọn vẹn.
HB đi ra nước ngoài thật sớm từ những ngày “cá tháng tư” 75, hình như theo các Cha ở cư xá Phục Hưng. Rồi cũng về thật sớm, dạy kèm tiếng Anh cho những người lại muốn ra đi hoặc lỏm bỏm xin việc công ty nước ngoài. Nói chuyện với GH, hắn làm cả tư vấn môi giới đầu tư security gì đó. Đầu hớt trọc lóc, nói to và nhiều, nét già dặn phong trần trên đôi kiếng cận theo lén ai ngày nào. Nhớ nhỏ, học thêm pháp văn, thày Châu thương HB lắm, giống thương GH, ND. Anh chị em HB, nhiều người cũng học PBC, truyền thống chung của các đại gia đình 72 có ông bà già ham vui đẻ nhiều, thích học, mà học rất chăm, môn gì cũng giỏi, trừ sinh ngữ.

Những ngày sau, HT, MQ đi Phan Thiết hội ngộ bạn bè và dự đám cưới con bạn? GH thì theo chồng, ra Nha Trang ngắm biển ngó hòn. Những người bạn SG ở lại thấp thỏm chờ, chỉ D. Yamaha là đi phượt bằng xe gắn máy theo HT, không còn chiếc Yamaha ma tốc độ ngày nào chở ai đi ăn bánh hỏi lòng heo Phú Long, nhưng vẫn chứng tỏ mình vẫn còn đủ sức ya…ma…ha. Nghe MQ nói lại, gặp các bạn 72PT nhiều lắm, Văn Bảy, D., BTN, LVN, BVS… Bé Nam “nháy” ngày nào đã gắn thêm răng, rồi sứt răng, may mà tìm lại được răng. Lạy ông Trời và ông Địa ở khúc cua đá ông Địa, phù hộ cho mấy bạn tôi hết nhậu, mà nhậu thì không say, mà say thì không bị té xe té… Nghe nói, ông Địa bằng đá nay không còn, bạn tôi vẫn nhậu và vẫn té.
Chuẩn bị cho buổi tiệc mừng HT, GH về lại Sài Gòn và cũng lại sắp ra đi. Thắng Golf tội lắm, định làm câu chữ dán lên tường, nhờ tôi góp ý nội dung, tôi mắc hồn nói T. nên bỏ chữ chia tay thay bằng chữ hội ngộ gặp mặt gì đó. Nói chia tay dễ xa luôn lắm, kinh nghiệm mấy chục lần đều đúng. Đặng Tỵ thì cứ điện nhắc, nhờ điện thêm cho nhiều bạn. Khối 72 mình rất ngộ, có tính sợ… và tự ái dai, ai đã tới thì vẫn tới, mà đứa nào đã bận rồi thì bận suốt đời, bận giữ cháu nội cháu ngoại, vài năm nữa còn bận chờ cháu cố sắp đẻ, chờ sui gia sắp chết. Mình ghét câu nói ngược, giang sơn thay đổi nhưng bản tính khó dời, nhưng rồi lại suốt đời gặp đám bạn đẻ ngược. Nói vui thôi, chỉ chọc tức cho các bạn ra khỏi nhà để có vượng khí. Mấy thày phong thủy vẫn khuyên, phải cho khí lưu thông, sợ nhất là khí chỉ quanh quẩn suốt ngày bên ô cửa hẹp.

Đúng ngày tam nương, gặp mặt tại Đào Viên kết nghĩa, nhớ lại quán cà phê ĐV vườn bông lớn, cô bán quán có cặp giò thật dài. Bửa ni, có HT nhưng vắng GH, lá số con ngựa cái, thiếp phải canh chàng. Bạn SG đến đông đủ, có vợ chồng Minh-Thức, vợ chồng Tường, vợ chồng Sơn quậy, Thắng, MQ, ĐT, HB, VTM. Thấy HT tội nghiệp, hối hả 200 km từ PT về để gặp bạn, ăn uống qua quýt, rồi tất bật chụp vài tấm hình vội ra phi trường làm thủ tục cho kịp chuyến bay về Mỹ. Thức ăn không dở nhưng thấy ăn không ngon. Thời gian trôi nhanh quá. Cứ sợ HT không về VN được nữa, lúc nào cũng nhắc và HT cũng hứa sẽ về ngay trong năm sau, chỉ ngại các bạn “chán”. Tôi thì không bao giờ chán, nhưng bắt đầu thấy ngán cho sức khỏe bạn bè, nhất là đám bạn trai 72, chắc chắn yểu mệnh hơn đám bạn gái. Rồi còn công việc gia đình, tiền bạc thời gian, còn nhiều thứ khác phải lo, không đơn giản chút nào nếu không có dũng khí dân PBC. Dạy môn risks management, tôi luôn mở đầu câu kinh điển, thế giới chỉ có một điều chắc chắn, đó là cái không chắc chắn. Mong có ngoại lệ với các chuyến về của bạn tôi. Thôi cứ ca hát.

TPS mở đầu chương trình văn nghệ cây nhà lá vườn bằng một bản nhạc sáng tác kỹ niệm gặp nhau tại cà phê SG Trade Center, sau một thời gian dài biền biệt không thấy tăm hơi. Nghe bạn ca tự đệm guitar, tôi miên man nghĩ về khoảng trống phi lý có thật, đam mê ma trận tensor, ngập nghẹt thành phố, nghĩ tội cho số đông “chủ nhân”, quên dành thời gian ít nhiều cho bạn. Dù rằng mấy chục năm, tôi vẫn tìm MQ, KĐP, HHT, CNS, VTN, TVH, M-T, S-H… trên đất SG. Dù rằng, mỗi khi ngang qua cư xá BHTQ, tôi vẫn nhìn lên, hy vọng gặp NQT nhìn xuống. Bài hát nhẹ êm phảng phất tình bạn, cứ muốn nghe TPS hát hoài. Các bạn khen, muốn sử dụng làm bài hợp ca sau này cho nhóm 72PBC, TPS. hát thêm bài thứ hai, nhịp hành khúc pipop dồn dập hơn, lại phải lựa chọn vì bài nào cũng hay như nhau, đúng là trình độ âm nhạc của mình có hạn. CNS cũng cầm đờn ca, giọng trầm ấm từng làm chết giả mấy cô giáo thửa nào. Rồi giọng ca liều trai ĐT, hát một bài của Đức Huy, giọng Khánh Ly pha lẫn Thanh Thúy... Ai cũng muốn tặng cái gì cho HT, cả vợ chồng Tường, phải đi trước tiển em ruột ra phi trường, ráng tặng một món. Thú thật, tôi cũng chưa biết là món gì… Cuối cùng cho một tình bạn trong chuyến về SG đợt này của HT là chụp hình trước các cửa hàng ông đồ, có các câu đối Tết. Hạnh phúc nhất khi được Minh A kêu đứng gần để che bớt…Không ai vui bằng mấy bạn tôi, chia tay mà vẫn vui, vui thiệt là vui.
 
Tôi vẫn nghĩ, thiếu tình bạn 72 trong cuộc sống, chẳng khác gì Phan Thiết không còn Thương Chánh Cà Ty. Ai đó nói rằng, mọi người có thể đi qua những khoảnh khắc tối tăm của cuộc sống, nếu họ biết rằng có những người bạn vẫn đang âm thầm thắp ánh đèn leo loét chờ mình.
Nhớ về HT, GH…, LVN, D, HX… và Thày Ân.
Phạm Sanh,    72PBC