Chợ tóc chỉ họp duy nhất một ngày trong năm ở cạnh bến đò. Những người mua tóc từ khắp nơi đổ về vào ngày hai ba tháng chạp. Những người đàn bà ra sông không chỉ để thả cá chép mà còn để giấu chồng tỉa bớt đi mái tóc. Có người năm nào cũng đến chợ cắt pheng mái tóc dài đến ngang lưng rồi cầm vài trăm đi sắm Tết. Gió sông thổi bay tung tóe mái tóc mới ngắn ngủn đến mang tai. Vài người thì đứng tần ngần vuốt ve tóc của mình bịn rịn không muốn cắt đi. Chợ tóc là phiên chợ của đàn bà, của những chiu chắt và hy sinh. Của đau đáu và hoài niệm. Của dịu dàng và nổi loạn.
Thuần dúi vào tay người đàn bà bán tóc hai trăm ngàn, không cò kè thêm bớt. Những người đàn bà đến đây đa phần vì túng bấn. Họ bán đi mái tóc mình để thêm thắt vào cái Tết nghèo nàn bộ quần áo mới cho con hoặc cũng có khi “vì chồng đòi mua vài thang thuốc về ngâm rượu”. Lẫn đâu đó trong những lọn tóc Thuần mua là vài sợi trắng vì nhọc nhằn nắng mưa. Là những nghĩ suy vừa mới mọc lên từ chân tóc. Mỗi một lọn tóc mang một khuôn mặt người, một số phận. Thuần mua chúng về bán cho người khác. Như một cuộc trà trộn thân phận bằng sợi tóc.
Thuần ngồi ở rìa sông, ngửi thấy mùi của những vạt cúc vàng nở phía bên kia bờ. Người ta đang hối hả thu hoạch hoa bán Tết. Những chiếc xe máy chở hoa mất hút trên con đê nhỏ. Họ mang theo mùa xuân bày bán khắp các nẻo đường. Những người đàn bà cười tươi rói khi cầm tiền thu hoạch hoa cũng đã từng nhăn nhó khi quẩy những gánh nước đầy tràn từ dưới sông lên. Tưới cho những luống hoa, tưới luôn cho cuộc đời vốn cằn cỗi của mình. Có năm mưa lớn nước sông dâng, những luống hoa chưa kịp nở bừng khoe sắc đã chết sặc. Nước rút, cả hoa và lòng người đều nhũn như bùn sông vậy. Những người đàn bà đầu tóc rũ rượi đứng thẫn thờ nhìn hoa, hoang mang trước một cái Tết đang kề cận. Biết lấy gì để trang trải trước bao khoản cần chi. Họ búi vội mớ tóc xác xơ của mình để lo toan cho những ngày dài phía trước. Trong số họ có người sẽ đến gặp Thuần tiếc rẻ cắt đi mái tóc. Mỗi một nhát kéo Thuần đưa tay là bờ vai gầy guộc ấy như rung lên xa xót.
- Chị tỉa khéo vào, không chồng em mắng chết.
- Tóc dầy quá thì cắt bớt cho đỡ nặng đầu, sao mà mắng?
- Tại chồng em không quý gì như quý tóc của vợ. Tối ngủ phải vùi đầu vào tóc vợ mới ngủ ngon.
- Vậy sao lại bán bớt tóc?
- Em muốn mua một đôi áo ngực mới. Sáng nay ra chợ thấy bày bán đẹp quá. Hàng từ thành phố lên có khác. Cũng chẳng phải nhà không có nổi vài trăm để mua. Tại tự nhiên bỏ tiền ra thì tiếc…
Thuần cười. Trong bất cứ hình ảnh nào những người đàn bà ở quê đều buồn, ngay cả khi rất đẹp. Họ chiu chắt đời mình cho chồng con. Vắt kiệt tháng năm bằng sức lực và tâm trí. Với họ ngay từ khi bước vào cuộc sống hôn nhân là tuổi thanh xuân đã ở lại phía sau. Không có những buổi tiệc tùng, gặp gỡ bạn bè như đàn bà thành phố. Họ rúc trong xó bếp, góc nhà, trên rừng, dưới ruộng lưng đẫm mồ hôi, tay bám đầy bùn đất. Đêm ngủ móng chân họ còn chưa kì sạch, quần áo đầy mùi trớ sữa của con. Người chồng cục mịch đến cả sự âu yếm vuốt ve cũng vụng về, hà tiện.
Thuần từng rong ruổi nhiều nơi mua tóc. Những thành phố Thuần qua, đàn ông hay đàn bà đều không thích kiểu sống mờ nhạt và cam chịu. Họ đi làm, bỏ những đứa con ở nhà cho người già hoặc giúp việc trông nom. Đàn bà bước ra khỏi nhà bằng dáng vẻ chỉn chu đến từng cái lông mi, họ không thích những vết nhăn trên quần áo. Tóc họ không buộc túm hay búi lên đơn giản mà cầu kì chải chuốt. Họ cười bằng phấn son đắt tiền. Họ đi đến đâu mùi nước hoa tỏa ra theo từng bước. Họ không tiếc tiền mua những bộ đồ đắt đỏ. Tủ đồ của họ chất đống mà vẫn luôn thấy thiếu. Đàn bà ở quê thường đứng tần ngần trước quầy bán quần áo. Cầm lên đặt xuống một bộ đồ ưng ý, cò kè bớt xén từng đồng rồi kiếm cớ không mua. Chỉ có mấy bộ đồ mặc quanh quẩn từ năm này qua năm khác đến bạc mầu nhàu nhĩ. Thỉnh thoảng trong giấc mơ họ thấy mình được đi đến những vùng đất lạ xa. Như một cuộc đào tẩu trong ý nghĩ…
Thuần có sở thích kỳ lắm. Trong phòng Thuần giấu một hòm gỗ nho nhỏ. Trong đó để những lọn tóc đặc biệt Thuần mua về mà không nỡ bán đi. Đó là tóc của những người đàn bà đặc biệt. Họ thường sống dưới phố. Trước khi sống dưới phố họ cũng từng là con gái đồng quê. Họ xuống phố học hành, lập nghiệp rồi mong tìm thấy một tấm chồng để đổi đời. Họ quyết định cắt đi mái tóc đen tuyền dài chấm eo như cắt đứt một cuộc đời nhu mì hiền dịu. Với mái tóc ngắn ngang vai hay uốn xoăn bồng bềnh cá tính họ bắt đầu một cuộc đời mới. Thuần thấy thèm một lần được dứt khoát vứt bỏ như họ để được sống khác đi. Nhưng Thuần không thể bỏ mẹ chồng để dắt theo con thơ cùng Lâm đến một vùng đất hứa. Thuần bị ràng buộc vì tình thương và vì cả thứ lễ nghĩa đã ăn sâu vào tâm thức những người đàn bà. Chồng chết là phải ở vậy thờ chồng nuôi con và chăm sóc bố mẹ chồng. Thứ định kiến ấy nuốt đời Thuần gọn lỏn. Giờ thì tóc Thuần đã lẫn vài sợi trắng. Lâm không còn nhắc đến chuyện bỏ đi. Mẹ chồng nói “Muốn sống đến trăm tuổi để được gần cháu con”. Thuần nhẩm tính “chắc khi đó mình cũng thành một bà già”.
Hôm nọ gặp Lâm xuống huyện may áo mới cho mẹ già. Tóc Lâm dài đến vai, râu ria xồm xoàm. Thỉnh thoảng Lâm ngước mắt lên nhìn Thuần, ánh nhìn hoang dại như loài thú. Trong túi đồ Lâm xách trên tay, Thuần thấy có bánh chưng, cân giò, ít mứt gừng, mứt bí, túi dưa hành. Nhà có bàn tay đàn bà sẽ không phải mua những thứ đó ở chợ. Nhìn ánh mắt ái ngại của Thuần, Lâm cười:
- Giá mà chợ bán thịt kho tàu, bán canh khổ qua nhồi thịt, bán măng hầm xương thì có khi tôi cũng mua cho tiện.
- Cái gì cũng mua sẵn ở chợ thì còn gì là không khí tết.
- Có bày biện ra đó mà lòng không vui thì cũng đâu thành tết phải không Thuần?
- Ờ thì… cố mà vui.
- Thuần cố được chứ tôi thì không. Cố làm, cố ăn, cố ngủ chứ ai mà cố vui cho nổi.
- Anh về cắt tóc cạo râu đi. Để rậm như người rừng vậy.
- Tôi đâu có nuôi chơi. Nuôi dài là để bán cho Thuần đó.
Người nói rồi người đi. Bỏ mặc Thuần đứng chơ vơ giữa chợ. Suốt bao nhiêu năm nay từng lời Lâm nói như bỏ vài hạt muối, mằn mặn đầu môi, xa xót trong lòng. Thuần cũng chỉ là người đàn bà bé nhỏ thèm được quyền yếu đuối. Nhiều đêm nằm đơn độc, Thuần thấy ruột gan mình như biến thành than lửa. Rạo rực, khát khao, căng cựa. Để rồi tự ghìm cơ thể mình dính chặt lấy chiếc giường cưới đã bắt đầu mối mọt. Không có sự nổi loạn nào, Thuần chỉ biết nằm chờ những rạo rực trong mình nguội lại. Đã bao đêm Thuần phải tự dìm mình vào ý nghĩ lạnh như nước đá. Chồng mất khi Thuần mới hai sáu tuổi, gái một con trông mòn con mắt. Đêm đợi chồng đi uống rượu về, Thuần còn e ấp đặt vài bông hoa bưởi trên bầu ngực phập phồng. Mắt còn muốn nhìn chồng đong đưa. Môi còn muốn cong lên nũng nịu. Nhưng chồng không về nữa. Bởi không phải cơn say nào cũng tìm thấy đường về. Chồng đã gõ nhầm cửa nhà người yêu cũ. Đêm ấy chồng mất vì cảm lạnh. Lúc đến nhận xác chồng về, Thuần cay đắng nghĩ ngay cả phút giây cuối cùng chồng cũng chọn được nằm trong vòng tay người đàn bà khác chứ không phải là mình. Cơn say đã lôi tuột chồng đến một thế giới xa xôi, ném tuổi xuân của Thuần vào quên lãng. Ba năm để tang chồng đi đâu mặt cũng cúi gằm nhìn xuống. Không cả dám cười với một người đàn ông lạ mặt vì sợ thiên hạ cười chê. Vành khăn tang của chồng lúc nào cũng treo lơ lửng trên đầu hết ba năm này đến ba năm khác.
Nhiều lần nghĩ về cái đêm chồng biến mất, Thuần tự hỏi mình ở lại đây để làm gì? Tại sao phải buộc mình vào thứ ký ức đau đớn đến tàn nhẫn ấy? Thuần còn phải sống và yêu. Phải đến bên người dành tình yêu trọn vẹn cho Thuần. Nhưng mẹ chồng chỉ có một mình đau yếu, nỡ nào dứt áo bỏ đi. Nếu chỉ có mình, Thuần còn nhắm mắt đưa chân. Nhưng con Thuần đã lớn, nó hiểu hết mọi chuyện xung quanh. Đã có lúc Thuần nghĩ “Tại sao lúc con còn chập chững mình đã không bế nó bỏ đi?”. Lâm đã đợi Thuần từ khi còn là người đàn ông sức vóc. Trinh nữ trong làng khối kẻ thầm thương trộm nhớ, ra ngẩn vào ngơ. Nhưng trong mắt Lâm chỉ có Thuần - người đàn bà góa chồng là đẹp. Vẻ đẹp mong manh, u sầu khiến Lâm muốn bao bọc, nâng niu. Gần hai chục năm qua chàng trai ấy chớm già, người thiếu phụ cũng không còn trẻ…
*
Chợ tóc họp đến tối muộn mới tan. Những người mua tóc ngồi co cụm lại gần nhau để bớt tái tê trước từng đợt gió sông lùa vào lạnh buốt. Thong thả đếm từng nắm tóc được buộc gọn bằng dây nịt nhiều mầu. Những nắm tóc mềm mượt còn chưa từng một lần nhúng vào hóa chất. Nguyên sơ như thể tâm hồn người phụ nữ thôn quê mộc mạc. Tóc họ bao giờ mang đi bán, bọn Thuần cũng được giá cao hơn thứ tóc xơ xác của đàn bà thành phố. Mà thực ra đã lâu lắm rồi Thuần không xuống phố mua tóc nữa. Giống như mọi sự sống khác, tóc ở phố cũng ngột ngạt và bị bức tử sớm thôi. Những mái tóc ngắn cũn hết ép phẳng lại uốn xoăn, hết nhuộm vàng lại mầu hạt dẻ, hết phồng lên lại cụp xuống. Trên người phụ nữ tóc trở thành thứ nhàu nhĩ hay bị vần vò nhất. Đàn bà ở quê nâng niu tóc như nâng niu một thứ trang sức quý giá. Họ chăm chút cho mái tóc bằng hoa bưởi, hương bồ kết. Họ nhẹ nhàng chải tóc. Mềm mại ve vuốt tóc bằng đôi bàn tay chai sạn của mình. Tết đến họ hay đứng tần ngần trước quầy bán dây buộc tóc. Thích thú cầm từng chiếc cặp tóc đính đá lấp lánh ướm thử lên tóc mình. Định không mua nhưng nghĩ “chắc là chồng sẽ thích” nên quyết định rước về. Nâng niu chiếc cặp tóc nhỏ như thể báu vật. Nhưng chồng họ đâu phải ai cũng thích nhìn tóc vợ. Họ chỉ nhìn vào chiếc làn nhựa xem vợ đi chợ có mua đồ nhắm? Tiền mua cặp tóc họ cũng muốn quy ra thành rượu. Nhiều người đàn bà quyết định cắt đi mái tóc có khi chỉ vì muốn chồng chú ý đến mình dù chỉ một lần, thay rượu.
Tết đến đàn ông thảnh thơi ngồi nhậu với nhau. Đàn bà tóc búi cao cắm mặt trong bếp hết nấu nướng phục vụ chồng con lại dọn dẹp đến mỏi nhừ lưng. Lúc chồng còn sống, Thuần cũng hay búi tóc gọn gàng. Để những sợi tóc không rơi vào thức ăn hay vướng víu vào chăn chiếu. Chồng Thuần ghét cay ghét đắng sợi tóc nào lẫn trong đĩa rau xanh, trong nồi cá kho, trong đĩa nộm mang ra nhắm rượu. Có lần chồng dằn mạnh bát cơm xuống mâm, đứng dậy vắt áo lên vai bỏ đi tới sáng. Chỉ vì nhai phải một sợi tóc lẫn đâu đó trong miếng bánh chưng vẫn còn nóng hổi. Suốt mấy ngày Tết chồng dè chừng từng miếng ăn trên mâm. Dè chừng mớ tóc dài đến kheo của Thuần. Chồng lẩm bẩm nhiều lần “Cắt quách đi cho đỡ thậm thượi. Nhìn người chẳng thấy gì chỉ thấy tóc. Khắp nhà chỗ nào cũng đầy tóc rụng”. Ý nghĩ về những sợi tóc vì thế cứ bám riết lấy Thuần. Nhiều khi Thuần nghĩ cứ để tóc dài, tóc rụng vậy đi. Chồng còn càu nhàu nghĩa là còn để tâm tới vợ. Sau này chồng mất, Thuần đi mua tóc khắp nơi. Từng có lần xót ra khi ngồi gỡ từng nắm tóc còn bết đầy máu của người đàn bà xa lạ. Chị bị chồng đánh lúc đang ngồi cho con bú. Chị chạy không kịp vì bị chồng túm tóc giật ngược quay trở lại. Chị chỉ còn biết khom người che chở cho đứa con bé bỏng. Tóc im lìm chịu trận, đau đớn xác xơ. Lúc chị ngồi bên hiên nhà gỡ tóc thì Thuần đi ngang qua. Tiếng rao “ai tóc dài bán đi” như thức tỉnh chị khỏi cơn mụ mị. Gỡ xong tóc, Thuần định đưa kéo cắt. Nhưng chị nói “Chờ chị. Hãy để chị gội đầu. Để chị được vuốt ve mái tóc này lần cuối. Để ngay cả khi đứt lìa tóc vẫn được thơm hương bồ kết”. Chị xin lại một nhúm tóc nhỏ đặt trong gối làm kỷ niệm. Thuần mang tóc chị đi, thấy vai mình nặng trĩu…
Có biết bao người đàn bà để cho Thuần cắt đi mái tóc như một cách giải thoát những cùng cực tủi hờn. Lạ lắm, những mái tóc từng bị bàn tay người đàn ông vần vò, hạnh hạ nhưng vẫn đen láy và mềm mượt như đã được nâng niu từ kiếp trước. Cũng có người đến chìa tóc trước mặt Thuần hỏi thấy tóc họ có đẹp không? Thơm không? “Tóc trên đầu mình nhưng lại là tài sản của chồng. Khoe chơi thôi chứ đâu có bán”. Họ khiến Thuần nhớ đến Lâm trong một buổi chiều nào đó. Anh níu vai Thuần, đan tay lẫn trong lọn tóc. Anh nói một ngày nào đó gần thôi sẽ được gội đầu cho Thuần bằng hoa bưởi khô hái ở vườn nhà. Sẽ thức dậy cùng nhau vui đùa với tóc. Sẽ chải tóc cho Thuần mỗi sáng. Nếu có say cũng xin được vùi trong tóc Thuần mà ngủ. Đêm ấy nằm một mình Thuần khóc. Nước mắt lẫn vào trong tóc.
Chợ tóc không còn ai ngoài Thuần. Dưới sông hình như những con cá chép không kịp đưa ông Táo về trời đang quẫy đạp. Nhà ai đang đảo mứt gừng mùi vừa thơm vừa ấm. Thấp thoáng đâu đó có những người đàn bà đang thu chăn chiếu ngoài hàng rào vào. Tiếng rìu bổ củi vang lên đều đặn. Ai đó hỏi nhau lá dong mua ở đâu mà đẹp thế? Năm nay ăn đụng lợn nhà ai? Mấy hôm nữa có đi sắm đào, sắm quất? Thằng cả năm nay liệu có được nghỉ phép về ăn Tết không bà? Mọi nhà đều tất bật chuẩn bị cho một cái Tết đang đến cận kề. Thuần khẽ co người cho đỡ lạnh. Thuần còn ngồi đây chưa muốn về vì biết còn có người đang tự vuốt tóc mình mà đắn đo, tiếc nuối. Có thể họ sẽ chạy vội ra chợ tóc lúc trời nhá nhem tối để nghe tiếng gió lùa theo từng nhát kéo đưa nhanh. Cũng có thể họ sẽ đóng cửa, cài then để ý nghĩ cắt đi từng lọn tóc sẽ ngừng thôi thúc. Thuần bắt đầu cảm thấy đói cồn cào khi mùi xào nấu theo gió bay qua. Giờ này ở nhà chắc con gái cũng đang cặm cụi với từng cốc phẩm mầu tự chế để biến những mẻ mứt bí, mứt dừa nhiều mầu sắc. Mẹ già chắc đang ngồi chẻ lạt giang để gói bánh chưng. Cơm tối chắc đã nấu xong xuôi chỉ còn chờ Thuần về là ngồi quây quần lại bên nhau vừa ăn vừa trò chuyện. Bất giác Thuần đưa tay vén nắm tóc của mình ra trước ngực. Tóc Thuần dài và đen nhất làng từng khiến Lâm mê mẩn. Thuần đưa kéo lên ướm thử vào tóc rồi cắt một nhát rất ngọt. Như thể kéo đã được mài sắc chỉ đợi có giây phút này thôi. Thuần đứng dậy chọn con đường có về qua nhà Lâm. Đúng lúc thấy Lâm dắt mẹ già đi đo áo mới. Hình như Lâm có hơi hụt hẫng khi nhìn theo mái tóc ngắn của Thuần đang bị gió thổi tung. Thuần cứ thản nhiên đạp xe đi dù trong lòng rối bời như tóc gió. Cắt tóc rồi là Thuần cũng buông tha cho cuộc tình này. Để Lâm còn lấy vợ. Thuần về vui với hạnh phúc bình dị của mình. Gió sông thổi phần phật bên tai. Những bông hoa còn sót lại bên kia sông đang ngả nghiêng trước gió. Cơm canh nóng hổi đang chờ Thuần ở nhà. Giờ này chắc mẹ già đang ra ngõ ngóng…
Nguồn Văn nghệ số 07/2020